Cần hàn gắn vết rạn

Cần hàn gắn vết rạn

(ĐTCK-online) Khi TTCK đang trong tâm lý bi quan mà nhắc đến sự bất ổn của kinh tế thế giới và bất ổn trong hoạt động DN do ảnh hưởng của thay đổi chính sách vĩ mô trong nước là điều không ai muốn. Nhưng đây chính là những yếu tố quan trọng tác động đến xu hướng của TTCK trong thời gian tới.

Việc Dubai World của Dubai không có khả năng trả nợ dù không có khả năng tạo ra một sự đổ vỡ liên hoàn của hệ thống tài chính các nước, nhưng cũng không dễ giải quyết một cách êm ả. Các chủ nợ trên thế giới có vẻ muốn ép Dubai World phá sản để nhắm đến tài sản là bất động sản của tập đoàn này ở nước ngoài. Tiếp sau đó là việc Hy Lạp bị hạ xếp hạng nợ. Tỷ lệ nợ công của Hy Lạp dự kiến lên mức 125% GDP năm 2010, cao nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Báo chí nước ngoài nhận xét, nếu Hy Lạp vỡ nợ hoặc tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xin trợ giúp sẽ là một cú đánh mạnh vào uy tín của các nước thuộc Eurozone.

Tình hình kinh tế tại Dubai hay Hy Lạp cho thấy, khủng hoảng tài chính toàn cầu như một cú động đất lớn. Sau khi gây ra những đổ vỡ tức thời, nó còn để lại trong lòng đất những vết rạn nứt, có thể gây ra sự đứt gẫy bất thình lình nếu không được phát hiện kịp thời để gia cố, chống đỡ.

Mặc dù Việt Nam mới chỉ hội nhập ở mức độ hẹp so với nhiều nước, nhưng chúng ta không nên thờ ơ trước sự cố ở các nền kinh tế khác. Khi có tin về Dubai hoãn nợ, TTCK Việt Nam đã tăng trở lại sau 4 phiên sụt giảm, dù các TTCK châu Á đều giảm mạnh. Đến khi thị trường Mỹ giảm điểm với tin xấu từ Dubai thì TTCK Việt Nam mới phản ứng giảm theo.

Thực tế cho thấy, con đường phục hồi kinh tế của các nước sau khủng hoảng là không dễ dàng và phải mất một thời gian dài thì tác động của cuộc khủng hoảng tài chính mới bộc lộ hết. Ở trong nước, có một câu chuyện tương tự đang xảy ra. Trong giai đoạn Việt Nam bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính sách kích cầu, vay vốn ưu đãi, tín dụng nới lỏng của Chính phủ đã hà hơi tiếp sức cho các DN kịp thời. Tuy nhiên, trong các DN này có cả những DN sức khỏe đã cạn kiệt, bấu víu vào chính sách tín dụng nới lỏng để cầm cự.

“Nhiều công ty chết mà không chôn được, tìm cách sống lay lắt bằng cách giật chỗ này vá chỗ kia. Thế nên mới có chuyện DN xuất khẩu thủy sản đua nhau bán phá giá, phá chất lượng. Nay tín dụng thắt lại, anh nào thực sự có năng lực mới trụ được, còn anh nào yếu phải chấp nhận đào thải. Tôi thấy bức tranh này không chỉ ở ngành thủy sản, mà còn ở nhiều ngành kinh doanh khác”, giám đốc một công ty trong lĩnh vực thủy sản nói.

Có thể nói, với chính sách tín dụng giảm dần và ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng tín dụng hiện nay, sau hai ba tháng nữa, chúng ta có thể biết những DN nào không thể vá, chống lại những vết rạn nứt của mình hoặc là yếu đi trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Hiện nay, các ngân hàng đang giảm dư nợ tín dụng, nhưng để giữ thị phần, họ vẫn đảm bảo đủ vốn sản xuất - kinh doanh cho những khách hàng ruột theo hợp đồng hạn mức đã cam kết. Mức độ ưu tiên của ngân hàng cho khách hàng DN sẽ được xét từ trên xuống dưới theo mức độ tín nhiệm.

Cho đến nay, nhiều NĐT chưa lượng hóa được ảnh hưởng của chính sách tín dụng giảm dần đến từng DN niêm yết cũng như với tăng trưởng kinh tế trong quý I/2010 là bao nhiêu phần trăm. Đây chính là lý do khiến giá cổ phiếu dù đã giảm xấp xỉ 30% nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro giảm tiếp.

Có lẽ đây là giai đoạn mà thế giới cũng như trong nước phải tập trung phát hiện và xử lý các vết rạn nứt sau khủng hoảng. Chỉ khi nào được xử lý xong thì NĐT mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Đó cũng là thời điểm chứng khoán tăng trở lại. Còn lúc này, giá giảm, thanh khoản kém, tâm lý chờ đợi đang là bức tranh chung.