Vinashin có tổng mức đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản lên tới 3.323 tỷ đồng

Vinashin có tổng mức đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản lên tới 3.323 tỷ đồng

Cảnh báo các tập đoàn phân tán nguồn lực vào lĩnh vực "nóng"

(ĐTCK-online) Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương vừa công bố giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào những lĩnh vực nóng như đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng với giá trị khoảng 15.063 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2007 có 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị đầu tư là 4.965 tỷ đồng; 9 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với 316 tỷ đồng; 10 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các quỹ đầu tư với tổng giá trị 933 tỷ đồng, 12 DN đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm với tổng giá trị 6.518 tỷ đồng; 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với 2.331 tỷ đồng… Việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh đã làm tăng số lượng DN thành viên của các tập đoàn kinh tế. So với năm 2006, số lượng công ty con đã tăng 10% (68 công ty) và công ty liên kết tăng 39% (184 công ty); kỷ lục thuộc về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) trong năm 2007 đã tăng thêm 43 công ty con và 111 công ty liên kết, liên doanh; tiếp đến, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tăng 21 công ty con.

Còn theo thống kê của Bộ Tài chính, trong số 70 tổng công ty, có 28 đơn vị tham gia góp vốn thành lập CTCK, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm và bất động sản với giá trị vốn là 23.344 tỷ đồng, bằng 8,7% vốn chủ sở hữu. Riêng Vinashin có tổng mức đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản lên tới 3.323 tỷ đồng (bằng 1,1 lần vốn chủ sở hữu), điều này chứng tỏ Tập đoàn đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính. Một số tổng công ty có tỷ trọng đầu tư bên ngoài trên tổng tài sản lớn như Sabeco 17%, Tổng công ty Thuốc lá 15,1%, Tổng công ty Đường sông miền Nam chiếm 50,2%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, để chấn chỉnh tình trạng đầu tư tràn lan như trên, Nhà nước sẽ ban hành những quy định giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư của DNNN,như đầu tư vốn ra bên ngoài cũng chỉ được tối đa bằng vốn điều lệ; công ty nhà nước không được góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán... Đối với các tổ chức như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, ông Hà cho biết, sẽ có đánh giá toàn bộ hoạt động đảm bảo tuân thủ luật chuyên ngành, đồng thời xem xét lại chủ trương về việc thành lập ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán trong các tập đoàn kinh tế.