Chưa rõ 700 cổ phiếu "in thừa" của Cty Đồng Giao đi đâu?

Theo đại diện của Cty Đồng Giao, hiện họ không biết số cổ phiếu OTC còn lại của Cty, loại mệnh giá 10 triệu đồng "không ghi danh" chưa có con dấu và chữ ký của người đại diện Công ty Đồng Giao hiện "lưu lạc ở nơi nào".

Để làm rõ vụ cổ phiếu giả của Công ty CP XNK thực phẩm Đồng Giao, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với cán bộ trực tiếp thụ lý vụ án và tìm hiểu thêm được nhiều vấn đề trong việc quản lý hoạt động in ấn cổ phiếu hiện nay.

 

Theo đó, sau khi bắt quả tang Phạm Thị Tuyết, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cùng với 1 tờ cổ phiếu mệnh giá 10 triệu đồng loại "không ghi danh" của Công ty Đồng Giao, không có con dấu, chữ  ký của người đại diện Công ty cùng lời khai của Tuyết về việc đã bán 5 cổ phiếu cùng loại cho anh L., ở quận Hoàng Mai, lực lượng trinh sát đã tổ chức khám xét Công ty TNHH quảng cáo thương mại Tín Phát, gọi tắt là Công ty Tín Phát, có trụ sở tại đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội - đơn vị ký hợp đồng in các cổ phiếu với Công ty Dồng giao.

 

Tại đây, các trinh sát thu giữ được 86 tờ cổ phiếu mệnh giá 10 triệu đồng loại "không ghi danh", trong đó có 23 tờ đã được đóng số sêri, còn 63 tờ còn lại chưa được đóng số… đều không có chữ ký và con dấu của người đại diện theo pháp luật của Công ty Đồng Giao.

 

Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Tín Phát với Công ty Đồng Giao thì cổ phiếu phải được đóng số nhảy mới bàn giao cho Công ty Đồng Giao.

 

Theo giải thích của đại diện Công ty Tín Phát thì sau khi ký hợp đồng với Công ty Đồng Giao in ấn 2500 tờ cổ phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng loại "không ghi danh", do không đủ điều kiện nên Công ty Tín Phát đã ký hợp đồng nối bản với Công ty thương mại bao bì đề can, có trụ sở tại phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thực hiện.

 

Toàn bộ giấy in cổ phiếu do Công ty Tín Phát cung cấp, việc in số sêri cũng do Tín Phát chịu trách nhiệm. Công ty Thương mại và bao bì đề can chỉ in và đã giao đủ số lượng theo hợp đồng.

 

Nguyên nhân thất thoát gần 700 tờ cổ phiếu mệnh giá trên là do Công ty Tín Phát sợ bị lỗi nên đã chuyển đến Công ty TNHH Thương mại bao bì đề can 3.200 tờ, tức là hơn 700 tờ so với quy định. Toàn bộ số phôi đó sau khi in xong, Công ty Thương mại và bao bì đề can đã chuyển đủ cho Công ty Tín Phát.

 

Sở dĩ có việc thất thoát số cổ phiếu mệnh giá 10 triệu đồng loại "không ghi danh" của Công ty Đồng Giao là do suy nghĩ đơn giản của người trong Công ty: Họ cứ nghĩ rằng các tờ cổ phiếu trên không có giá trị, có thể vứt đi cũng được.

 

Họ không ý thức được rằng nếu để thất lạc số cổ phiếu trên thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán vốn đã chứa đựng đầy rủi ro.

 

Đại diện của Công ty này cũng cho biết hiện họ không biết số cổ phiếu OTC còn lại của Công ty Đồng Giao, loại mệnh giá 10 triệu đồng "không ghi danh" chưa có con dấu và chữ ký của người đại diện Công ty Đồng Giao hiện lưu lạc ở nơi nào.

 

Cục Xuất bản - Bộ Văn hóa - Thông tin cho biết, đến thời điểm hiện tại cũng chưa có một văn bản nào quy định về việc in cổ phiếu. Năm 2006, đã có luật xuất bản phẩm nhưng cổ phiếu cũng không nằm trong danh mục này.

 

Đây là vụ cổ phiếu giả đầu tiên xuất hiện đầu tiên tại địa bàn Hà Nội. Điều đó cũng cho thấy sự rủi ro trong đầu tư chứng khoán, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý.

 

Trong trường hợp bị in hỏng, hoặc thừa hoặc kém chất lượng cũng phải được quản lý chặt chẽ. Các cổ phiếu OTC phải có chữ ký, con dấu của những người đại diện của Công ty. Ngoài ra, cần phải có chế tài và văn bản xử lý thích hợp