Nhiều nơi vẫn muốn giữ doanh nghiệp để quản lý hoặc chỉ chuyển giao những doanh nghiệp yếu kém cho SCIC (ảnh minh họa)

Nhiều nơi vẫn muốn giữ doanh nghiệp để quản lý hoặc chỉ chuyển giao những doanh nghiệp yếu kém cho SCIC (ảnh minh họa)

Chuyển giao doanh nghiệp, tư duy của Hà Nội như vậy thì khó mà tiến lên được

(ĐTCK) Việc Ủy ban nhân dân Thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ cho giữ lại phần vốn của các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao, đã được các chuyên gia đưa ra là ví dụ điển hình cho hiện tượng muốn giữ lại những lợi ích của địa phương.

“Lâu nay các doanh nghiệp nhà nước thường trì trệ trong quản lý, ngại thay đổi về tư duy, đang chạy lên Bộ quen rồi”, đó là một trong những lý do được đại diện Bộ Công thương đưa ra lý giải cho tình trạng Bộ này thuộc nhóm đứng đầu về số doanh nghiệp chây ỳ bàn giao vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về SCIC do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (21/2), CIEM cho biết, từ năm 2013 đến nay có khoảng 234 doanh nghiệp nhà nước có thoả thuận chuyển giao vốn về SCIC. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 61 doanh nghiệp chuyển vốn được, còn hơn 173 doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành.

"Tư duy của Hà Nội như vậy thì khó mà tiến lên được, phải nhìn vào nguồn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Anh, Hồng Kông, Mỹ..., chứ cứ nhăm nhe vào mấy doanh nghiệp của mình thì không trông chờ được".

- TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng CIEM.

Số vốn nhà nước tại 173 doanh nghiệp này vào khoảng 82.600 tỷ đồng. Trong đó, có 32 doanh nghiệp trực thuộc các Bộ, ban ngành Trung ương, tập trung ở Bộ Công thương với 8 doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải 5 doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5 doanh nghiệp, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch 10 doanh nghiệp và Bộ Y tế 4 doanh nghiệp.

Các địa phương còn giữ 141 doanh nghiệp, trong đó TP.HCM còn giữ 50 doanh nghiệp, Gia Lai 15 doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế 13 doanh nghiệp, Bình Định 11 doanh nghiệp, Điện Biên 7 doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM nhận xét, nhiều địa phương, Bộ ngành có doanh nghiệp trực thuộc hiện không muốn chuyển giao vốn cho SCIC, nhiều nơi vẫn muốn giữ doanh nghiệp để quản lý hoặc chỉ chuyển giao những doanh nghiệp yếu kém cho SCIC.

Có hiện tượng này là bởi các doanh nghiệp dùng để "phục vụ cho sự nghiệp phát triển của địa phương", bất kể nó là doanh nghiệp công ích hay doanh nghiệp kinh doanh.

Doanh nghiệp ngại chuyển giao vốn do mất mối quan hệ thân quen, giảm bớt quyền lợi từ Bộ chủ quản, nơi xây dựng và ban hành các chính sách liên quan đến thị trường, lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động. Còn cơ quan quản vốn nhà nước lại e ngại mất nguồn, mất miếng ngon, khi chuyển giao doanh nghiệp.

Đơn cử trường hợp của Hà Nội, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện nay Ủy ban nhân dân Thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ cho giữ lại phần vốn của các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao, đồng thời khi thoái vốn của các doanh nghiệp, Thành phố được giữ lại nguồn này nhằm đầu tư cho các dự án hạ tầng của Thành phố.

Bình luận về yêu cầu trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói rằng, tư duy của Hà Nội như vậy thì khó mà tiến lên được, phải nhìn vào nguồn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Anh, Hồng Kông, Mỹ..., chứ cứ nhăm nhe vào mấy doanh nghiệp của mình thì không trông chờ được. 

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, luỹ kế đến hết tháng 12/2016, cơ quan này đã tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp, tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận là 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường là hơn 15.000 tỷ đồng), bằng 1% tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó hơn 80% doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kém hiệu quả.

"Dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng nhiều Bộ, ban ngành và địa phương triển khai việc chuyển vốn về SCIC rất chậm. Nhiều Bộ, ban ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp cho SCIC. Dù Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tại Công văn 10382/VPCP-ĐMDN ngày 11/12/2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không được bán bớt phần vốn Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết, trước khi bàn giao về SCIC. Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty vẫn tiến hành bán vốn", lãnh đạo SCIC cho hay.

Tin bài liên quan