Chuyển USD sang VND: Phản ứng nhất thời của thị trường!

Chuyển USD sang VND: Phản ứng nhất thời của thị trường!

(ĐTCK-online) Theo phản ánh của các NHTM, mấy ngày gần đây, việc mua - bán ngoại tệ của các ngân hàng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng ngoại tệ mà các NHTM mua được đã nhiều hơn so với thời điểm trước. Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Vốn và kinh doanh vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, cuối tuần trước, lượng ngoại tệ mà BIDV mua được tăng khoảng 40% (chia đều cho khối doanh nghiệp và dân cư) so với mức bình quân của các tuần trước khi có quy định áp trần lãi suất huy động ngoại tệ.

Lý giải cho hiện tượng này, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc NHNN ấn định trần lãi suất huy động USD tối đa ở mức 3%/năm đã tạo ra lợi thế lớn cho VND, bởi hiện lãi suất huy động VND tại nhiều NHTM đã lên tới 16-17%/năm, cá biệt có ngân hàng còn lên tới trên 18%/năm. Với mức chênh lệch lãi suất lớn như vậy, rõ ràng, việc nắm giữ VND có lợi hơn rất nhiều. Trong khi đó, tỷ giá khó có khả năng biến động lớn trong năm nay bởi ngay từ đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá khá mạnh, tới 9,3%. Việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá mạnh nữa sẽ gây nhiều bất lợi cho nền kinh tế và làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư. Bản thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu mới đây cũng dự báo, trong năm nay, cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư 1 tỷ USD.

Trên thực tế, thị trường ngoại hối gần đây cũng khá ổn định. Tỷ giá trên thị trường tự do hiện còn thấp hơn cả tỷ giá niêm yết. Hiện các NHTM cũng đã nới rộng khoảng cách giá mua - bán USD do nguồn cung dồi dào hơn.

Tuy nhiên, xu hướng chuyển từ USD sang VND diễn ra vẫn chưa mạnh và chưa đồng đều. Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) chia sẻ, OceanBank dự đoán, sau khi NHNN ra quyết định giảm lãi suất huy động ngoại tệ, lượng ngoại tệ sẽ chảy mạnh về ngân hàng, nhưng đến thời điểm hiện này. Việc bán ngoại tệ mới chỉ xảy ra ở tầng lớp dân cư nhỏ lẻ, còn lại, người dân và doanh nghiệp chủ yếu vẫn đang theo dõi, nghe ngóng những động thái tiếp theo của Chính phủ.

Theo số liệu được đưa ra từ NHNN chi nhánh TP. HCM, doanh số mua ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn gần cuối tháng 4/2011 là 7.990 triệu USD, không cao hơn nhiều so với con số đạt được của tháng 3/2011 là 7.829 triệu USD.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc Trung tâm kinh doanh và sản phẩm cấu trúc Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) nhận định, rõ ràng xu hướng người dân chuyển USD sang VND là có nhưng chưa mạnh. Điều đó chứng tỏ, nhiều người dân vẫn chưa tin tưởng vào VND do những bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát cao và nhập siêu lớn.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIBBank) nhận định: "Khuynh hướng chung hiện là như vậy, nhưng nếu kinh tế vĩ mô không ổn định như kỳ vọng của người dân thì xu hướng trên khó có thể kéo dài".

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét, đúng là có hiện tượng người dân đang chuyển USD sang VND nhưng hiện tượng này chỉ là phản ứng nhất thời chứ chưa mang dấu hiệu ổn định thực sự.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, áp lực trên thị trường ngoại hối cũng đã giảm, VND đã có giá hơn nhưng người dân vẫn còn băn khoăn. TS. Thành nêu lý do, thứ nhất, nền tảng của kinh tế vẫn còn rất yếu, lạm phát tiếp tục tăng cao, thâm hụt thương mại lớn, cán cân thương mại quý I/2011 vẫn thâm hụt; bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến ngân sách, rủi ro tài chính, dự trữ ngoại hối mỏng... nên áp lực lên VND vẫn cao. Thứ hai, với lợi ích mang tính chất "kỹ thuật", kể cả các biện pháp mang tính chất hành chính của NHNN nên người dân có "linh hoạt hơn" với tiền tiết kiệm của mình nhưng không gửi các kỳ hạn dài, vẫn chủ yếu một, hai tháng. "Do vậy, trong ngắn hạn, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chính phủ cần kiên trì, kiên quyết (không tính đến khả có những cú sốc lớn từ bên ngoài), về dài hạn là tái cơ cấu, cải tổ nền kinh tế sâu rộng hơn", TS. Thành nói.