Cần có lịch trình cho phép nhà ĐTNN tham gia vào một số ngành trọng điểm như viễn thông, ngân hàng...

Cần có lịch trình cho phép nhà ĐTNN tham gia vào một số ngành trọng điểm như viễn thông, ngân hàng...

Cổ phần hóa: không để giật lùi

(ĐTCK-online) Một trong những nội dung Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt đầu Xuân Mậu Tý với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước chiều 22/2 là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), cải thiện quản trị DN, đồng thời xây dựng quy chế làm việc cụ thể của HĐQT và tổng giám đốc. Thông điệp không làm chậm quá trình cải cách DNNN trong bối cảnh thị trường vốn có nhiều diễn biến kém thuận lợi, một lần nữa khẳng định quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo báo cáo của Chính phủ tại cuộc gặp trên, hầu hết DN được CPH, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh đa ngành đều làm ăn có hiệu quả và cải thiện đời sống cho người lao động. Theo kế hoạch sắp xếp đổi mới DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, từ năm 2007 đến hết năm 2010 sẽ CPH khoảng 1.500 DN (riêng các DN thành viên của tổng công ty nhà nước phải hoàn thành trong năm 2008), trong đó năm 2007 phải CPH 550 DN (khoảng 20 tổng công ty), số còn lại sẽ thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2009, một số công ty và số ít DN chưa CPH được sẽ thực hiện trong năm 2010. Đến cuối năm 2010, cả nước chỉ còn 554 DN 100% vốn nhà nước, trong đó có 26 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn; 178 DN hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thiết yếu; 200 nông, lâm trường; 150 DN thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Việc thay đổi mô hình hoạt động của DN sau CPH, theo đánh giá của các chuyên gia, có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Số liệu của Ban đổi mới DNNN cho thấy, khoảng 96% DN khẳng định, cán bộ quản lý đã quan tâm nhiều hơn đến kết quả sản xuất và hiệu quả kinh doanh; 88% DN cho biết, kết quả sản xuất của người lao động đã tăng lên khi tiền lương được tính toán trên cơ sở hiệu quả sản xuất. Sau CPH, sự can thiệp trực tiếp của các tổ chức, cá nhân ngoài bộ máy quản lý điều hành DN như chính quyền, cơ quan chủ quản, các tổ chức khác đã giảm rõ rệt. Chuyển biến này giúp cho DN chủ động trong các quyết định điều hành và tập trung vào mục tiêu cơ bản là sản xuất, kinh doanh.

TTCK phát triển, tạo ra nhiều thuận lợi cho quá trình CPH các DNNN, tuy vậy sự phức tạp trong các bước thực hiện khiến cho nhiệm vụ năm 2007 không hoàn thành, trong đó đáng chú ý chỉ có 2 - 3 trong số 20 tổng công ty, DN lớn thực hiện thành công CPH. Vào những tháng đầu năm 2008, diễn biến ảm đạm trên thị trường vốn trong nước và quốc tế khiến không ít ý kiến cho rằng cần thiết hoãn, hoặc làm chậm lại tiến trình CPH DNNN, tránh tình trạng "dội hàng" hoặc bội thực cổ phiếu trên thị trường.

Tính đến nay, Việt Nam đã CPH khoảng 4.000 DNNN, tuy nhiên theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, quá trình CPH diễn ra chủ yếu ở các công ty nhỏ và công ty không có lợi nhuận, điều này đồng nghĩa với cơ hội bỏ vốn vào DN Việt Nam của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp không nhiều. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, không nên làm chậm quá trình CPH các DNNN lớn, bởi đây là những hàng hóa được đánh giá tốt, trong tầm chú ý của các tổ chức đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp, tung hàng tốt ra thị trường ở giá hợp lý sẽ có người mua, thị trường vốn do đó sẽ sôi động hơn, đồng thời DNNN cũng thay đổi được mô hình hoạt động theo hướng quản trị tốt hơn, minh bạch hơn.

Ông Casper Larsen, chuyên gia tư vấn về mua bán, sáp nhập DN của Delta Partners cho biết, phần lớn nhà đầu tư tổ chức đến từ nước ngoài đặt ra yêu cầu các khoản đầu tư tối thiểu có giá trị 5 triệu USD, vì thế DNNN CPH nhỏ thường không nằm trong đích ngắm của họ. Ở thời điểm thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay, cam kết tiếp tục đẩy nhanh tiến trình CPH của Việt Nam sẽ khiến các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào chính sách vĩ mô và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ. Trong cuộc đối thoại với đại diện Chính phủ gần đây, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham đã nêu lên những lo lắng về các vấn đề CPH, và nhấn mạnh cần có lịch trình cho phép nhà ĐTNN tham gia vào một số ngành trọng điểm như viễn thông, ngân hàng... Như vậy, có thể thấy, mối quan tâm của nhà đầu tư và mong muốn được tham gia mua cổ phần tại các DNNN không hề giảm, đây chính là tiền đề tốt để tiếp tục đẩy nhanh đổi mới sắp xếp DN, thay vì trì hoãn hoặc làm chậm tiến trình này.