Đại lý nhận lệnh của Agriseco tai TP. Buôn Ma Thuột.

Đại lý nhận lệnh của Agriseco tai TP. Buôn Ma Thuột.

Dân phố núi “nghiện” chứng khoán

(ĐTCK-online) "Máu" quyết đoán, chấp nhận rủi ro cao của chất anh Hai đã ngấm vào cách "chiến" chứng khoán của dân phố núi. Chấp nhận rủi ro lớn, NĐT phố núi kỳ vọng rất dữ về những khoản lợi nhuận sẽ thu được. Vậy nên, để chiều được các bác Hai, cô Tư "nghiện" chứng khoán phong cách phố núi, các CTCK nơi đây cũng phải chạy… mướt mồ hôi.

Những phiên giao dịch cận Tết cũng như các phiên thị trường mở cửa đầu năm, dân phố núi vẫn mải miết bám sàn. Họ chấp nhận đánh đổi không ít thời gian, tiền bạc để thoả mãn "nghiệp yêu kinh doanh", chứ không riêng gì đầu tư chứng khoán của mình. Anh Trần Hữu Nghĩa, một tay chơi chứng khoán ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) giãi bày: "Lỡ chân bước vô chứng khoán hơn 1 năm nay với thành tích thua dày hơn thắng, nhưng tổng kết lại, khoản học phí đó không quá đắt. Giờ đây, tôi bắt đầu học được cách chế ngự lòng tham, cũng như xử lý thông tin cẩn trọng trước khi ra quyết định đầu tư để giảm thiểu rủi ro… Đây là cách dành sức để chiến đấu với chứng khoán dài hơi hơn".

Dân Đà Lạt bây giờ gần như không mấy người "ngồi thiền" trên sàn như trước, mà phần nhiều chuyển sang giao dịch qua điện thoại, internet. Ông Trần Anh Trí, Trưởng đại diện CTCK APEC tại Lâm Đồng cho biết, sau gần 2 năm hoạt động, hiện đại lý của Công ty tại đây có 100 tài khoản. Lúc thị trường sôi động, các tài khoản giao dịch khá đều, nhưng mỗi khi TTCK ảm đạm, chỉ có khoảng 20 tài khoản thường xuyên giao dịch. Đa phần, NĐT đã chuyển sang giao dịch trực tuyến, nhất là khi Công ty thực hiện đóng cửa đại lý nhận lệnh theo Quyết định 126/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, để chuyển sang mô hình hoạt động mới trước thềm Tết Canh Dần vừa qua.

Cũng giống như nhiều thị trường bán lẻ chứng khoán các tỉnh phía Nam, dân Đà Lạt và dân TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) máu chơi chứng khoán ra trò. Những lệnh giao dịch trị giá bạc tỷ không phải là hiếm. Ông Phan Quốc Lương, Phó Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Đắc Lắc cho biết, 500 tài khoản do đại lý của CTCK Nông nghiệp (Agriseco) tại Đắc Lắc quản lý có giá trị trung bình 500 - 700 triệu đồng/tài khoản, trong đó 20% tài khoản giao dịch thường xuyên. Chấp nhận rủi ro lớn, nhưng kèm theo đó, NĐT luôn đặt kỳ vọng cao về khoản lợi nhuận có được từ các phi vụ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế kỳ vọng này đang thiếu điều kiện để hiện thực hoá khiến tâm lý NĐT dễ chuyển sang trạng thái thất vọng. Điều này đang khiến đại diện CTCK tại các tỉnh lẻ chật vật giữ chân thượng đế. Với nhân sự còm, khả năng phân tích đầu tư hạn chế…, đại diện nhiều CTCK tại các tỉnh khó đáp ứng được kỳ vọng của NĐT về mức độ linh hoạt, đa dạng trong cung cấp đòn bẩy tài chính, thông tin... Ông Trí không giấu được vẻ sốt ruột khi chia sẻ: nếu Công ty không sớm triển khai kế hoạch đầu tư mạnh hơn cho chi nhánh, đại diện giao dịch tại các tỉnh, chứ không riêng gì Lâm Đồng, thì khó ngăn được một xu hướng đáng lo ngại đang diễn ra, đó là các đại gia ở Đà Lạt cầm tiền đi mở tài khoản giao dịch ở các CTCK mạnh tại TP. HCM. 

Tình trạng trên cũng đang khiến đại diện cho đại lý Agriseco tại Đắk Lắk lo ngại. Theo ông Lương, tuy số lượng tài khoản của đại lý ít biến động qua các giai đoạn thăng trầm của thị trường, nhưng nếu năng lực về nhân sự, tài chính của chi nhánh không được tăng cường, thì việc giữ khách hàng là không đơn giản. Không hiếm đại gia đã ôm tiền về TP. HCM để mở tài khoản giao dịch tại các CTCK lớn, nơi có nhiều sản phẩm hỗ trợ giao dịch thuận tiện, mang lại hiệu quả cao hơn. Đây là điều nhiều thượng đế, nhất là các NĐT đại gia ngày càng đòi hỏi cao, trong khi khả năng đáp ứng của đại diện CTCK tại các tỉnh hạn chế. "Gót chân Asin" này nếu không sớm được các CTCK khắc phục, thì sẽ là thách thức cho chính sự tồn tại của họ tại các tỉnh.

Để chiều lòng thượng đế phố núi đang khát sử dụng đòn bẩy tài chính, cũng như thông tin và các công cụ hỗ trợ đầu tư, các CTCK đang loay hoay vừa tìm cách kêu gọi công ty mẹ tăng cường thoả mãn tối đa các nhu cầu của khách hàng, vừa gấp rút thực hiện việc chuyển đại lý nhận lệnh sang các mô hình hoạt động khác cho kịp hạn chót đóng cửa đại lý nhận lệnh vào ngày 10/4/2010 như quy định của Bộ Tài chính. Ông Phí Quang Giáp, Trưởng phòng phát triển khách hàng, CTCK APEC cho biết, năm nay, Công ty tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển mạnh thị trường bán lẻ chứng khoán ở các tỉnh, nên sẽ dồn sức đầu tư,  cơ cấu lại 43 đại lý nhận lệnh tại các địa phương. Trong đó, đối với các đại lý lớn ở Quảng Ninh, Huế, Vũng Tàu… sẽ chuyển thành các chi nhánh, những đại lý nhỏ hơn sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình trung tâm chăm sóc khách hàng, điểm giao dịch online…

Vậy là, để đáp ứng nhu cầu giao dịch chính đáng của thượng đế, các CTCK đã tạm tìm được cửa "thoát hiểm" cho số phận các đại lý nhận lệnh tại các địa phương xa trung tâm, trong đó có phố núi. Tuy nhiên, những nỗ lực  duy trì hoạt động và đầu tư mạnh hơn của các CTCK có đủ sức để giữ chân NĐT phố núi hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ, bởi tính “máu lửa‘ trong cuộc chơi chứng khoán của người dân vùng này rất cao, trong khi khả năng đáp ứng của các CTCK tại đây còn rất hạn chế.