ĐHCĐ Vicostone: Cổ đông lớn cố tình phá đám?

ĐHCĐ Vicostone: Cổ đông lớn cố tình phá đám?

(ĐTCK) Sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng đồng hồ chiều 6/4, ĐHCĐ của CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone, mã VCS) phải tuyên bố thất bại khi toàn bộ nội dung trong tờ trình của HĐQT bị phủ quyết bởi cổ đông đại diện cho 36,39% cổ phần.

 > ĐHCĐ VCS: phủ quyết toàn bộ các nội dung

Sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng đồng hồ chiều 6/4, ĐHCĐ của CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone, mã VCS) phải tuyên bố thất bại khi toàn bộ nội dung trong tờ trình của HĐQT bị phủ quyết bởi cổ đông đại diện cho 36,39% cổ phần. Đây là sự kiện hy hữu trên TTCK Việt Nam, bởi VCS hoạt động hiệu quả, trả cổ tức cao và quản trị minh bạch. Sự phản ứng của nhóm cổ đông lớn đang đẩy hơn 1.000 lao động tại Công ty đứng trước nguy cơ mất việc làm và có thể làm tan rã một DN tốt của Việt Nam.

Đại hội diễn ra với sự có mặt của các cổ đông, đại diện cho 99,98% cổ phiếu có quyền biểu quyết. Trong đó, liên minh giữa Quỹ đầu tư Red River Holding (Pháp) và Beira Ltd (Đức) đại diện cho 36,39% cổ phần. Ngay từ những phút đầu tiên, Đại hội đã “nóng” khi đại diện Red River Holding, ông Jean Charles Belliol đề nghị được tham gia Ban Kiểm phiếu. Quỹ này trước đó đã đưa ra đề nghị sửa đổi Điều lệ Công ty, tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 lên 6 người, đồng thời đề cử 1 ứng viên vào HĐQT. Nội dung trên cũng được Red River đề nghị tiến hành biểu quyết đầu tiên ngay sau khi khai mạc phiên họp. Chỉ có 44,62% cổ phần bỏ phiếu tán thành việc sửa điều lệ Công ty, đồng nghĩa với việc Đại hội không cần bầu ứng viên do Red River đề cử vào HĐQT.

Sau khi đề xuất thất bại, tại phần thảo luận, Red River đã tỏ ý không hài lòng khi cho rằng họ đại diện cho trên 32% cổ phần, mà không được tham gia HĐQT. “Công ty đã không hoàn thành kế hoạch 2011, nên chúng tôi không đồng ý trả thưởng cho Ban Giám đốc và HĐQT. Công ty đang cần tiền mặt, vì thế không nên trả cổ tức 2012. Công ty không cần thiết phải có Quỹ Khuyến khích tài năng. Chúng tôi cũng không đồng ý việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc”, ông Jean Charles Belliol phát biểu.

Một nghịch lý khi Vicostone vẫn làm ăn khá tốt nhưng ĐHCĐ lại gặp nhiều rắc rối

 

Ý kiến của Red River không được các cổ đông lớn khác tán thành. Ông Vũ Anh, đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 43% cổ phần, đánh giá cao Ban điều hành VCS và sự chèo lái của HĐQT với kết quả lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2011 đạt 131,4 tỷ đồng, trong bối cảnh 95% doanh thu của Công ty đến từ xuất khẩu vật liệu xây dựng trên thị trường cạnh tranh quốc tế khốc liệt. “Nếu cổ đông lớn đóng góp ý kiến thì nên mang tinh thần xây dựng, đưa ra giải pháp để giải quyết khó khăn”, ông Vũ Anh và các cổ đông khác đề nghị.

Đại diện Red River tiếp tục khẳng định quan điểm của mình về việc VCS không chia cổ tức 2012.

Trên thực tế, việc VCS không đạt kế hoạch lợi nhuận năm 2011 cũng xuất phát từ Red River Holding. Dưới sức ép của 2 cổ đông lớn này, HĐQT VCS đã ra nghị quyết mua lại 99,934% cổ phần của CTCP Style Stone với số tiền 310 tỷ đồng (giá 27.000 đồng/CP). Điều này dẫn tới lợi nhuận hợp nhất của VCS giảm, dòng tiền của Công ty mất cân đối, chi phí lãi vay tăng cao. Trước các cổ đông, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay, nếu không chịu gánh nặng trên, năm 2011, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế tới 200 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 5%. Trên thị trường quốc tế, VCS đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng trăm công ty Trung Quốc, họ chào giá thấp hơn 50% so với hàng xuất khẩu Việt Nam. Do khó khăn về kinh tế, nhiều khách hàng nước ngoài đã mua hàng giá thấp mà không coi trọng yếu tố chất lượng.

Đưa kim ngạch xuất khẩu tăng từ 31,35 triệu USD năm 2010 lên 40,15 triệu USD năm 2011, có lợi nhuận để chia cổ tức 20% bằng tiền theo Nghị quyết ĐHCĐ là kết quả thực tế VCS đạt được năm 2011. Năm 2012, dù môi trường kinh doanh xuất hiện nhiều khó khăn mới, nhưng Ban lãnh đạo VCS đặt ra kế hoạch kim ngạch xuất khẩu 52 triệu USD, đề xuất Đại hội thông qua mức cổ tức 20%. Về quản trị Công ty, VCS là một trong các DN công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2011 đã kiểm toán sớm nhất TTCK, được Sở GDCK Hà Nội xếp loại DN niêm yết tiêu biểu dựa trên các tiêu chí minh bạch.

Với những kết quả như trên, rất nhiều cổ đông của VCS khó hiểu khi là cổ đông lớn, Red River Holding lại có những phản ứng quá mạnh tại ĐHCĐ. Sự phản ứng của họ thể hiện bằng hành động bỏ phiếu phủ quyết toàn bộ các nội dung HĐQT xin ý kiến tại Đại hội, như Báo cáo của HĐQT, Ban Tổng giám đốc về kết quả năm 2011, kế hoạch năm 2012; báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011; phân phối lợi nhuận 2011 và kế hoạch phân phối lợi nhuận 2012; kế hoạch tăng vốn; thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát… Hành động của Red River Holding đã gây phẫn nộ và thất vọng cho nhiều cổ đông khác của VCS.

Có lẽ, đây là lần đầu tiên ĐHCĐ của một DN niêm yết hoạt động hiệu quả bị thất bại do sự chống đối khó hiểu của cổ đông lớn nước ngoài. Theo quy định, diễn biến trên khiến VCS phải có công văn giải trình khẩn cấp với UBCK; Sở GDCK Hà Nội và tổ chức lại ĐHCĐ. Song hậu quả nghiêm trọng hơn có thể là hoạt động của DN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do chưa có kế hoạch kinh doanh dẫn tới việc đình trệ trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng... Các cổ đông khác, dù sở hữu tỷ lệ lớn hơn (xấp xỉ 64% cổ phần) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về quyền lợi.

Sự việc tại VCS đang đặt ra một câu hỏi lớn với các cơ quan quản lý của Việt Nam khi chỉ cần 2 nhà đầu tư tài chính nước ngoài, sở hữu 36% cổ phần, lợi dụng quy định trao quyền phủ quyết của Luật Doanh nghiệp, là có thể gây trì trệ, thậm chí phá sản DN Việt Nam. VCS mỗi năm mang lại cho đất nước 40-50 triệu USD kim ngạch xuất khẩu và nộp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Vậy đâu là giải pháp cho VCS nói riêng và một số DN mạnh đang bị nước ngoài thâu tóm nói chung lúc này?