ĐHCĐ VNM: nóng chuyện phát hành ESOP

ĐHCĐ VNM: nóng chuyện phát hành ESOP

(ĐTCK) Chương trình phát hành cổ phiếu cho nhân viên đã không được cổ đông thông qua và đây cũng là vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất tại Đại hội.

Trong 15 vấn đề HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) đưa ra ĐHCĐ, 14 vấn đề đã được thông qua với tỷ lệ phiếu bầu gần tuyệt đối. Duy nhất Chương trình phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP) đã không được cổ đông thông qua và đây cũng là vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất tại Đại hội.

Theo yêu cầu của nhóm cổ đông nắm giữ 11,25% vốn điều lệ của VNM, HĐQT trình ĐHCĐ phê duyệt Chương trình phát hành cổ phiếu cho nhân viên giai đoạn 2012 - 2016. Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng kép bình quân của lợi nhuận trước thuế giai đoạn này, tính từ năm 2011, đạt mức 21% thì VNM sẽ phát hành ESOP tương đương 0,4% vốn điều lệ/năm cho giai đoạn này. Nếu tốc độ tăng trưởng kép bình quân của lợi nhuận trước thuế giai đoạn này đạt từ 16% đến dưới 21% thì lượng phát hành ESOP tương đương 0,2% vốn điều lệ/năm. Nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dưới 16% thì VNM sẽ không phát hành ESOP…

ĐHCĐ VNM: nóng chuyện phát hành ESOP ảnh 1

Năm 2013, VNM đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 6.230 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu

Tuy nhiên, ông Lê Song Lai, thành viên HĐQT, đại diện phần vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Vinamilk cho rằng, SCIC chưa thể đồng ý với việc phát hành thêm cổ phiếu ESOP, vì muốn có thêm báo cáo về việc thực hiện chương trình này những năm qua. Cũng còn một vài lý do khác khiến ông Lai băn khoăn, chẳng hạn việc phát hành thêm có thể khiến cổ phiếu VNM bị pha loãng.

“Ngoài ra, ESOP là chương trình phúc lợi cho nhân viên Công ty, nhưng hiện mức lương thưởng và quỹ phúc lợi của Vinamilk đã ở mức khá cao so với thị trường, nên cũng cần cân nhắc”, ông Lai nêu quan điểm.

Ngay sau phần phát biểu của ông Lai, một cổ đông là chủ một doanh nghiệp đang sở hữu 100.000 cổ phiếu của Vinamilk nói rằng, chương trình ESOP chưa được thông qua tại đại hội lần này thì có thể thông qua vào thời điểm khác. Nhưng chương trình phúc lợi như thế này cần phải có, nhất là trong bối cảnh người tài khó kiếm như hiện nay.

Với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNM, bà Mai Kiều Liên nhận định, đúng là nếu phát hành ESOP, cổ phiếu của Vinamilk có thể bị pha loãng, nhưng điều này là không đáng kể so với những giá trị mà cán bộ - công nhân viên Công ty đã mang lại cho cổ đông lâu nay. Bà Liên cũng đề nghị các cổ đông suy nghĩ thêm về vấn đề này, vì thực tế, giá trị cổ phiếu của Vinamilk từ năm 2003 đã tăng lên khoảng 60 lần. Về vấn đề Quỹ phúc lợi còn kết dư lớn, theo bà Liên, thực tế, quỹ phúc lợi này của Vinamilk dùng cho 10.000 người, bao gồm cả các nhà phân phối, chứ không chỉ chia cho khoảng 4.000 cán bộ - công nhân viên chính thức của Công ty. Theo bà Liên, ESOP là chương trình mà hầu như tất cả các công ty lớn đều thực hiện. “Theo quy định thì ESOP là để dành cho cán bộ quản lý cấp trưởng phòng, hiện VNM có khoảng 400 người, nhưng ĐHCĐ cũng có thể quyết định chia cho tất cả cán bộ - công nhân viên. Là người đứng đầu Công ty, tôi mong muốn ESOP được chia cho tất cả 4.000 cán bộ - công nhân viên”, bà Liên chia sẻ.

Ngoại trừ vấn đề ESOP, các nội dung khác đều được Đại hội nhất trí cao. Đại hội đã thông qua kế hoạch cổ tức 2013 là 34% bằng tiền mặt, thời điểm chi trả là tháng 9/2013 và tháng 6/2014. Ngoài việc phê chuẩn tăng số thành viên HĐQT từ 5 lên 7 (2 thành viên mới là bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank và ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương), Đại hội cũng thông qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho HĐQT. Đặc biệt, Đại hội đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2013 so với dự kiến ban đầu, với doanh thu 32.500 tỷ đồng, tăng 720 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 7.830 tỷ đồng, tăng 1.474 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 6.230 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng. Lý giải cho sự điều chỉnh tăng, bà Mai Kiều Liên cho biết, từ năm 2012, VNM bắt đầu vào phân khúc hàng cao cấp, giúp tăng tỷ suất lợi nhuận, trích lập dự phòng, tiết kiệm 10% chi phí nên lợi nhuận tăng…

Về kế hoạch mở rộng kinh doanh, bà Liên cho biết, Công ty mới nhận được giấy phép đầu tư vào trang trại chăn nuôi bò sữa rộng 700 héc-ta tại tỉnh Tây Ninh, với quy mô chăn nuôi 7.000 - 8.000 con bò, tự túc một phần nguyên liệu sữa tươi cho nhà máy phía Nam. Ngoài ra, Công ty cũng mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về mặt nguyên tắc hợp tác với Nông trường Thanh Hóa để nuôi 25.000 con bò. VNM phấn đấu, đến năm 2017, doanh số sẽ đạt 3 tỷ USD, lọt vào Top 50 doanh nghiệp lớn của thế giới.