Đo khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế

Đo khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế

(ĐTCK) Quý I/2013, số doanh nghiệp đóng cửa là 15.300, gần bằng số doanh nghiệp đăng ký mới.

Đo khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế ảnh 1Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,9% trong quý I/2013

 

Hơn 300 khách mời là các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý đã có mặt tại Diễn đàn kinh doanh thường niên với chủ đề “Đổi mới để tồn tại và phát triển” vừa được tổ chức tại TP. HCM cuối tuần qua. Những tham luận, chia sẻ được đưa ra tại diễn đàn cho thấy, bức tranh kinh tế quý đầu năm chưa thực sự khởi sắc. Nợ xấu vẫn là vấn đề lớn nhất của hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế. Trong khi các chính sách khác vẫn gây ra những bất ổn tiềm tàng như chính sách về ngoại hối, về vàng và đặc biệt là các chính sách kiểm soát giá, kích thích kinh tế thiếu cơ sở. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức của những cải cách thực sự.

Trong bài phân tích về triển vọng kinh tế năm 2013, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, các số liệu kinh tế vĩ mô chủ yếu của quý I/2013 chưa chứng tỏ xu hướng “đảo chiều” của nền kinh tế khi bước vào năm 2013. Thậm chí, một số chỉ tiêu chủ yếu liên quan đến khả năng phục hồi tăng trưởng còn ảm đạm hơn. Theo ông Thiên, hai yếu tố quyết định việc phục hồi tăng trưởng và duy trì ổn định vĩ mô là mức tăng trưởng tín dụng và thu chi ngân sách đều yếu hơn hẳn các năm trước. Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm hầu như bằng không (0,03%), trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7% dự toán năm, còn chi ngân sách, dù Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh rót tiền giải ngân đầu tư từ đầu năm nhưng cũng chỉ đạt 18,5% dự toán năm.

“Những con số này phản ánh khả năng hấp thụ vốn cực yếu của nền kinh tế”, ông Thiên phân tích. Không chỉ các chỉ số thu chi ngân sách quý I/2013 đều yếu mà tổng mức bán lẻ - chỉ số phản ánh sức mua cũng bị rơi xuống đáy, cho thấy cầu thị trường cực kỳ yếu. CPI tháng 3/2013 cũng bị âm (-0,19%) sau khi có những mức tăng ở hai tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước (5,9%). Trong khi nhiều chỉ số kinh tế cần tăng đang giảm thì lại có một chỉ số khác tăng cao. Đó là số các doanh nghiệp đóng cửa trong quý I/2013 “vươn lên” 15.300 doanh nghiệp, gần bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới (15.700 doanh nghiệp).

“Tình hình kinh tế quý I/2013 phản ánh chính xác sức khỏe thực tế không tốt của nền kinh tế. Nó cũng chỉ báo triển vọng khôi phục ổn định và phục hồi tăng trưởng không rõ ràng của nền kinh tế trong năm 2013. Những dự báo ‘thoát đáy’ của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2013 đang trở nên xa vời hơn”, ông Thiên phân tích.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, những giải pháp được đưa ra gần đây chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. “Động lực lớn nhất để thay đổi chính là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cải cách doanh nghiệp nhà nước, giải bài toán độc quyền của khối doanh nghiệp này”, ông Cung nói và cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là cam kết ưu tiên hàng đầu, nhưng thời gian qua, việc phối hợp chưa tốt, chính sách đưa ra đã không dứt khoát được giữa tăng trưởng ngắn hạn và lạm phát, cũng chưa dứt khoát giữa tổng thể và cục bộ, nên tính ổn định của nền kinh tế mong manh và niềm tin thị trường thấp. Chính sách phân bổ đã vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải toàn nền kinh tế; những chính sách này vẫn thiên về hành chính hơn là thị trường nên không thấy động lực mới, không thấy “hy sinh, đánh đổi” và vẫn còn thiếu tính cạnh tranh. “Muốn khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không có cách nào khác là xóa bỏ cơ chế ưu tiên nguồn lực vào doanh nghiệp nhà nước”, ông Cung nhấn mạnh.

Trao đổi tại diễn đàn, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương cho biết, ngay đầu năm đã có các dự báo khó khăn cho ngành thủy sản, mà khó khăn lớn nhất vẫn là vốn. Tuy hiện nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể giải quyết vấn đề bởi căn nguyên còn ở cách tiếp cận vốn. “Các doanh nghiệp tư nhân sẽ ít chịu mạo hiểm để mở rộng sản xuất”, ông Minh cho biết.

Đánh giá cao việc hạ lãi suất và liên tiếp đưa ra các gói tín dụng cho từng đối tượng cụ thể của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua, nhưng TS. Cung cho rằng, những gói cho vay vài ngàn tỷ đồng của ngân hàng hiện nay chỉ như "muối bỏ bể". Bởi theo ông Cung, vấn đề cần giải quyết hiện nay chính là nợ xấu. Giảm nợ xấu là giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Vài gói cho vay không giải quyết được tất cả vấn đề, chỉ khi nào giải phóng cho doanh nghiệp khỏi gánh nặng tài chính thì thị trường mới bật dậy. Nếu giảm được nợ xấu, thị trường sẽ tự cân bằng, hãy tin thị trường có thể tự điều tiết”, ông Cung nói.