Việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế

Việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế

Doanh nghiệp nhận thêm “đòn trời giáng”

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang oằn mình vì áp lực lạm phát, lãi suất cho vay cao, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được thì việc EVN thông báo tăng giá điện thêm 5% thực sự là “đòn trời giáng”, khi khó khăn chồng chất khó khăn.

Thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, bắt đầu từ 20/12/2011, giá điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng 5% so với giá bán hiện hành. Theo đó, giá bán điện bình quân là 1.304 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 62 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành được duyệt (1.242 đồng/kWh). Đơn vị này cũng thông tin thêm, việc điều chỉnh giá bán điện để đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán. EVN cho rằng, giá điện mới sẽ là tín hiệu đúng để thu hút đầu tư vào các công trình điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, việc tăng giá lần này của EVN không được nhiều DN đồng tình.

 

Khó dồn khó

 

Giám đốc một công ty thép trên đại bàn TP Đà Nẵng lo lắng: "Trong hoàn cảnh DN đang phải gồng mình do áp lực lạm phát, lãi suất cao, đầu ra thị trường vẫn trầm lắng, chi phí sản xuất liên tục tăng lên thì việc EVN tăng giá điện không khát gì một đòn đánh “chí tử” vào con đường sống của DN. Vị này tính toán “hàng năm, công ty chi khoảng 20 tỉ đồng chi phí tiền điện. Nếu điện tăng 5%, trước mắt chúng tôi phải bù chi phí tiền điện thêm hơn 1 tỉ đồng thì rõ ràng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị khó khăn hơn rất nhiều. Đó là chưa kể các khoản chi khác do giá điện tăng sẽ kéo theo việc tăng giá của hàng loạt nguyên liệu đầu vào”.

 

Giá điện tăng 5%, ngoài việc doanh nghiệp phải “cõng” chi phí phát sinh từ việc tăng giá điện khoảng 40 triệu đồng/tháng, công ty còn phải “chịu đựng” thêm sự tăng giá ít nhất 3-4% từ các đơn vị cung ứng nguyên liệu do họ cũng bị tác động bởi giá điện tăng. Anh Nam – giám đốc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng cho hay. Theo anh Nam , trước mắt việc giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng từ  18 -20% do nguyên liệu tăng, chi phí nhân công cũng tăng lên nên sản phẩm làm ra phải tăng ở mức tương ứng nếu không DN sẽ bị lỗ. "Hiện nay nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 50% và sẽ còn tiếp tục tăng do ảnh hưởng của tình hình lạm phát. Mặc dù công ty đã áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí nhưng cũng không đủ để bù đắp cho phần chi phí tăng thêm đó. Nay giá điện lại tăng thêm 5% nên trong thời gian tới có thể chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá bán tăng lên”.

 

Cùng chung với lo lắng này, ông Đoàn Thiên Hưng, Phó TGĐ Công ty Nhân Luật chia sẻ việc tăng giá điện thực chất không đáng ngại bằng “hiệu ứng tăng giá dây chuyền” kéo theo đó. “Giá điện tăng chắc chắn sẽ đẩy giá của một loạt các mặt hàng tăng. Bởi điện là đầu vào cơ bản của hàng loạt các ngành kinh tế, từ sản xuất đến dịch vụ. Ví dụ giá điện tăng thì giá sắt thép, xi măng,... tăng; giá vật liệu xây dựng thì chi phì công trình sẽ tăng lên,… Trong nền kinh tế, sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm kia nên nếu tăng giá một sản phẩm - nhất là sản phẩm quan trọng là điện - sẽ kéo theo việc tăng giá dây chuyền”, ông Hưng nói.

 

Sẽ có thêm nhiều DN phá sản

 

Việc tăng giá các mặt hàng năng lượng phục vụ cho nền kinh tế vào thời cuối năm, trong hoàn cảnh nền kinh tế yếu, DN cùng với lãi suất đứng ở mức cao đã gây nên “khó chồng khó” cho DN. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng trong thời gian tới, số DN đi vào con đường phá sản sẽ tăng lên do tác động từ đợt tăng điện giá lần này.

 

Trao đổi với DĐDN, ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng cho biết do đặc thù của DNNVV là công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng trong qua trình sản xuất nên khi giá điện tăng thêm 5% buộc sản phảm làm ra phải tăng ở mức tương ứng hoặc cao hơn để bù vào khoản chi phí năng lượng. Theo ông Thiết, trong hoàn cảnh hàng loạt doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau đều đau đầu vì thua lỗ thì việc tăng giá điện thâm 5% vào thời điểm hiện tại sẽ khiến cho vấn đề này càng thâm trầm trọng. “Con số 49.000 DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế mà  Bộ kế hoạch và Đầu tư công bố trong thời gian qua chắc chắn sẽ còn tăng tiếp tục đo tác động một phần từ việc tăng giá này”, ông Thiết nói.

 

“Cảm thông với nợ nần” của EVN, ông Đỗ Anh Tuấn- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phước Tiến cho hay việc tăng là cần thiết nhằm tái đầu tư ngành điện, song cơ quan quản lý cũng cần chọn một phương án hợp lý để chia sẻ khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân. Theo ông Tuấn, việc tăng giá điện vào dịp cuối năm là thời điểm “nhạy cảm”, dễ tác động đến các hàng hóa khác. Do đó, các cơ quan quản lý phải tính toán tác động và sức chịu đựng của doanh nghiệp sản xuất trước khi quyết định nếu không muốn cộng đồng DN rơi vào khủng hoảng hơn.“Chúng tôi cần những quyết sách minh bạch, hợp lý và phải đứng về phía đại bộ phận của cộng đồng doanh nghiệp chứ không phải về phía một vài DN Nhà nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.