Cho vay chứng khoán đang chỉ xếp hạng thứ yếu trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng.

Cho vay chứng khoán đang chỉ xếp hạng thứ yếu trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng.

Dòng vốn đi đâu?

(ĐTCK-online) Theo tuyên bố của Chính phủ, dư địa cho vay kinh doanh chứng khoán vẫn còn tới 9.000 tỷ đồng, nhưng thực chất số tiền đó đang nằm nơi nào và liệu NĐT có thể dễ chịu giải cơn khát vốn? Tìm hiểu qua một loạt CTCK thì thấy, không phải địa chỉ nào cũng sẵn lòng với NĐT và câu trả lời thường trực là: đã hết hạn mức. Nơi còn cửa thì lại chặn bằng lãi suất khá cao đi kèm hạn mức vay khiêm tốn và thời gian quá ngắn.

Quyết định 03/2008/QĐ-NHNN quy định rõ hạn mức cho vay kinh doanh chứng khoán là 20% vốn điều lệ của mỗi ngân hàng, thay vì 3% trên tổng dư nợ như trước đó. Nếu tính trung bình một ngân hàng có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng (quy mô phổ biến trong khối ngân hàng cổ phần hiện nay) thì họ chỉ được dùng tối đa 400 tỷ đồng cho vay đầu tư chứng khoán; còn nếu theo hạn mức 3% tổng dư nợ, với tổng dư nợ thường thấy ở mức 20.000 tỷ đồng của một ngân hàng quy mô vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, thì lượng tín dụng đó có thể lên đến 600 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm ngoái, các ngân hàng cổ phần đã phải cuống cuồng xử lý để đưa được dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán về đúng hạn mức 3% tổng dư nợ, thì nay họ tiếp tục bị “siết”, ngân hàng lấy đâu mà cho vay!

Giám đốc khối nguồn vốn và đầu tư của một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng cho hay, trong một cuộc gặp với lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ -Ngân hàng Nhà nước mới đây, thông điệp thắt chặt tiền tệ một lần nữa được tái khẳng định, thử hỏi làm sao ngân hàng dám thả lỏng cho vay? Hiện tại, các ngân hàng cổ phần đều đang trong tư thế chờ văn bản yêu cầu khống chế tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng 30% trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước (theo tinh thần Công văn 319/TTg-KTTH). Với ngân hàng này, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm qua lên tới hơn 100% thì quả thực họ phải cơ cấu lại các khoản nợ rất sát. Điều này có nghĩa là, chỉ những dự án tốt nhất, hiệu quả nhất mới được cho vay, còn chứng khoán (nếu còn dư địa) cũng chỉ xếp thứ yếu, chưa nói hạn mức mới còn eo hẹp hơn trước tới 200 tỷ đồng. “Các khoản cho vay chứng khoán, Ngân hàng đang cố gắng thu hồi về để cơ cấu lại nợ”, vị giám đốc trên nói.

Câu chuyện không chỉ diễn ra với một vài ngân hàng, mà đó là bài toán đang xảy ra ở hầu hết ngân hàng cổ phần. Vì thế, niềm hy vọng chỉ còn chủ yếu ở 4 - 5 ngân hàng quốc doanh. Vốn điều lệ của những ngân hàng này cực lớn, đơn cử như Vietcombank, vốn điều lệ khoảng 15.000 tỷ đồng, hạn mức cho vay kinh doanh chứng khoán có thể lên tới 3.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng này từ xưa tới nay chưa bao giờ mặn mà với cho vay đầu tư chứng khoán. BIDV có vốn điều lệ gần 8.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với hạn mức tối đa là 1.600 tỷ đồng và ngân hàng này cũng đang hợp tác với một số công ty chứng khoán triển khai dịch vụ cho vay cầm cố nhưng điều kiện hết sức khắt khe. Chẳng hạn, tại CTCK FPT, nơi ngân hàng này đang có chương trình hợp tác, Công ty chỉ chấp nhận cầm cố những cổ phiếu mà 20 phiên giao dịch gần nhất có khối lượng khớp lệnh hơn 5.000 cổ phiếu/phiên, thị giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu và NĐT được vay tối đa 30% thị giá trung bình của 20 phiên giao dịch gần nhất, thời gian vay chỉ 1 - 3 tháng, lãi suất 1,3%/tháng và phí quản lý hồ sơ 0,25% số tiền vay.

Tại Bảo Việt, nơi có Incombank hỗ trợ, cũng chỉ có những cổ phiếu giá trên 50.000 đồng mới có thể cầm cố, lãi suất 1,35%/tháng, thời gian vay tối đa 3 tháng; trường hợp NĐT muốn bán cổ phiếu phải báo trước cho Công ty 3 ngày để giải toả (trước đây chỉ cần báo trong 1 ngày).

Với CTCK SeABank thì lãi suất cầm cố lên tới 1,7 - 2%/tháng và lãnh đạo Công ty xét duyệt từng hồ sơ, chứ không có tiêu chuẩn chung chung nào. Những CTCK khác như APEC, Gia Anh... thì câu trả lời chung là: hết hạn mức. Thậm chí, như Gia Anh trước đó từng hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay đành tạm gác gói dịch vụ hỗ trợ tài chính NĐT. Từ đầu tháng 3 này, tất cả CTCK đều tăng phí ứng trước tiền bán chứng khoán lên 0,05%/ngày, so với mức 0,03 - 0,04%/ngày trước đó.

Tuy vậy, lo ngại lớn hơn lại xuất phát từ những con số hàng chục nghìn tỷ đồng đi cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt, có thể gây xáo trộn dòng vốn từ ngân hàng ra thị trường chứng khoán.

Thứ nhất là thời điểm mua tín phiếu bắt buộc 20.300 tỷ đồng đã được thực thi từ ngày 17/3. Các ngân hàng như ACB tuyên bố đã thu xếp đủ 1.200 tỷ đồng, VPBank 400 tỷ đồng, ABBank 250 tỷ đồng... để mua tín phiếu, nhưng đằng sau sự nỗ lực dồn vốn để đạt được chỉ tiêu trên là các khoản nợ quá hạn đang bị thúc ép. Một phương án được nhiều người nghĩ tới là các ngân hàng sẽ đẩy mạnh bán ra lượng chứng khoán cầm cố có thị giá giảm dưới mức quy định để thu hồi vốn, áp lực xả hàng có thể nói là không nhỏ.

Điều mà những người trong cuộc cho rằng, tác động lớn hơn rất nhiều là Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện chuyển số dư tiền

 

Dòng vốn...

gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại hiện nay về Ngân hàng Nhà nước, theo ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng. Vấn đề đáng nói nhất là 50.000 tỷ đồng đó hiện đang nằm ở 5 ngân hàng quốc doanh, và đồng vốn đó vẫn được sử dụng để cho vay khách hàng doanh nghiệp và các dự án. Việc lượng vốn quá lớn đó rút về có thể gây khó khăn trực tiếp đối với 5 ngân hàng quốc doanh. Hệ lụy sẽ là khả năng thắt chặt tín dụng đối với một số lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán.

Theo thông tin mà ĐTCK có được, hai ngân hàng quốc doanh được đánh giá mặn mà nhất đối với cho vay kinh doanh chứng khoán đang được yêu cầu điều chuyển về nhiều nhất. Điều này tác động không nhỏ tới tính thanh khoản của các “đại gia”, vốn còn dư địa cho vay chứng khoán. Kết quả là thông điệp Chính phủ đưa ra rất khả quan nhưng lại thiếu tính khả thi, chủ trương tiếp tục cho vay kinh doanh chứng khoán khó đi vào cuộc sống.

Với NĐT cá nhân, cách đây hơn một tháng, ĐTCK có làm cuộc trao đổi bỏ túi với một nhóm 5 người, khi hỏi họ tiền nhàn rỗi dùng để làm gì, câu trả lời là 80% số tiền được dùng để đầu tư chứng khoán. Nhưng cũng những NĐT đó, một tháng sau hỏi lại, danh mục đầu tư của họ đã có sự thay đổi lớn khi tỷ lệ đầu tư vào vàng tăng lên và thậm chí, kênh gửi tiết kiệm vốn trước đó không có ai lựa chọn nay lại được nhiều người chuyển hướng sang. Vốn mới ngập ngừng vào, vốn cũ bị rút ra, quỹ đầu tư dường như cũng chỉ hô hào chứ chưa tích cực giải ngân, thị trường vì thế mà thiếu đi động lực phục hồi.