FDI: Cảnh báo sau “tín hiệu đẹp”

(ĐTCK-online)Mặc dù những dự báo về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những tháng cuối năm 2007 và năm 2008 đều rất khả quan, thậm chí, các con số dự báo khoảng 13 tỷ USD cho cả năm 2007 và 14,5 tỷ USD vốn FDI năm 2008 đang được đưa ra, song xung quanh vấn đề này đang xuất hiện không ít điều cảnh báo từ phía các chuyên gia.

Vấn đề nổi lên ở đây là sự chậm trễ trong việc xem xét các dự án rất có thể sẽ khiến những “tín hiệu đẹp” khó trở thành hiện thực. Khá nhiều dự án trong danh sách các dự án đang được xem xét của các địa phương đã có mặt vài năm nay mà không có nhiều tiến triển tích cực. Điều đáng nói là sự không rõ ràng trong việc chấp thuận hay không với các dự án này đang tạo nên mối e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Yếu tố lan truyền sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường kinh doanh của Việt Nam khi mà những tín hiệu của làn sóng FDI không được đáp ứng một cách kịp thời. Thậm chí, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nếu không có những cách làm, giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để đưa các dự án này vào hiện thực, thì tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài sau năm 2008 sẽ rất đáng báo động.

Giới phân tích cho rằng, những vấn đề khó khăn từ trước đến nay, như cơ sở hạ tầng yếu kém, lực lượng lao động có tay nghề thiếu, tình hình thị trường cạnh tranh mạnh mẽ… không phải là nguyên nhân tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài cái nhìn xấu đi về môi trường đầu tư của Việt Nam. Bởi, đơn giản là họ đã biết và đang chứng kiến những nỗ lực khắc phục của Việt Nam . Đây là lý do tại sao các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam . “Tuy nhiên, nếu các dự án mà họ đề xuất bị kéo quá dài mà không có được những chủ trương cụ thể, thì lỗi khiến nhà đầu tư chán nản lúc này không phải là các yếu kém trên, không phải là do hệ thống pháp lý mà là lỗi của hệ thống chỉ đạo, điều hành”, ông Thắng nói.

Trong một số dự án lớn hiện nay, việc xem xét quyết định tiếp nhận dự án có vẻ như đang gặp khá nhiều trở ngại. Ngoài các vấn đề phát sinh từ bản thân các dự án khi yêu cầu của các nhà đầu tư thường khá phức tạp, nhiều khi vượt khung quy định của pháp luật, thì những quy định không thống nhất và không phù hợp của các văn bản pháp quy của Việt Nam cũng đang tạo nên những rào cản khó vượt qua.

Đơn cử, Dự án sản xuất máy tính xách tay Compal do Tập đoàn Compal Electronics (Đài Loan) đề xuất đang vướng phải những quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo Quyết định 27/2007/QĐ-BKHCN (về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao). Theo đó, Dự án sẽ không thuộc diện công nghệ cao cho dù đã đạt 6 trong số 7 tiêu chí mà Quyết định 27/2007/QĐ-BKHCN đưa ra. Cụ thể, theo giải trình của nhà đầu tư, Dự án không thể đáp ứng yêu cầu tổng chi cho nghiên cứu - phát triển được thực hiện tại Việt Nam chiếm tỷ lệ không dưới 5% tổng doanh thu hàng năm hoặc chi hoạt động nghiên cứu –phát triển thực hiện tại Việt Nam chiếm tỷ lệ không dưới 1% tổng doanh thu hàng năm. Trong khoảng thời gian 5 năm, tổng chi cho nghiên cứu - phát triển tại Việt Nam mà Compal tính toán là khoảng 0,25% và đạt mức hơn 1% sau khoảng 15 năm hoạt động.

Như vậy, nếu không chấp nhận dự án sản xuất máy tích xách tay là sản phẩm công nghệ cao thì có vẻ quá khiên cưỡng, nhưng nếu chấp nhận, thì có nghĩa là các tiêu chí trên cần phải được sửa đổi ngay để Dự án được nhanh chóng hoàn tất thủ tục. Việc tháo gỡ vướng mắc theo kiểu này, trên thực tế khá nhiều, lại trông chờ rất lớn vào trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và sự chủ động đề xuất từ phía địa phương tiếp nhận dự án.

Theo cơ chế phân cấp hiện hành, địa phương là nơi đứng ra tiếp nhận các đề xuất của nhà đầu tư cũng như là nơi phải chuẩn bị sẵn sàng cho các đề nghị về địa điểm, đất đai, nguồn lao động cũng như các thông tin cần thiết mà nhà đầu tư muốn có. Sự chủ động của các địa phương thực sự sẽ có quyết định rất lớn tới tính khả thi của dự án, nhất là trong trường hợp các dự án có vướng mắc liên quan tới các quy định của các bộ, ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều địa phương lại chưa sẵn sàng đáp ứng các đề nghị này từ phía các nhà đầu tư.