Ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng năng suất

Ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng năng suất

Gạo Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Ả rập

(ĐTCK-online) Tại Việt Nam, không ít DN kêu trời vì gặp khó khăn trong việc sản xuất - kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà đầu tư nội địa cũng ít quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với lý do tỷ suất lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro…, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình, các doanh nhân đến từ Các tiểu Vương quốc Ả rập (UAE) lại cho rằng, cơ hội để tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh gạo tại Việt Nam là rất lớn.

TS. Faisal Ali Mousa, Chủ tịch Hội nghị và triển lãm lúa gạo quốc tế Dubai, đồng thời là thành viên tập đoàn gia đình Ali Mousa and Sons Group kinh doanh trong các lĩnh vực: công nghệ, khách sạn, địa ốc, xây dựng, đầu tư thương mại trải dài khắp vùng Trung Đông và châu Âu với doanh thu hàng năm khoảng 4 tỷ USD, cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo, cũng như tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Trong chuyến làm việc tại Việt Nam để tuyên truyền cho triển lãm gạo tại Dubai 2011 dự kiến diễn ra đầu tháng 11 này, ông Ali Mousa cũng đã tiếp xúc với các DN kinh doanh gạo và một số địa phương để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh lúa gạo và đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Ali Mousa, gạo Việt Nam có nhiều lợi thế, từ quy mô sản xuất đến giá thành. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường thế giới, ông Ali Mousa cho rằng, Việt Nam vẫn cần phải cải thiện hơn nữa 4 yếu tố là: marketing, chất lượng sản phẩm, giá thành và khâu vận chuyển. Theo đó, dù giá thành gạo của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác, nhưng khâu marketing, vận chuyển vẫn chưa tốt, chất lượng cần được tăng cường và duy trì ổn định hơn.

"Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ lớn trong hoạt động xuất khẩu gạo sang châu Phi và Trung Đông như: Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Mỹ, Ai Cập, Sirilanka, nhưng tôi cho rằng, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn", ông Alia Mousa nhận xét. Theo ông này, Ấn Độ, Pakistan … dù sản xuất gạo với số lượng lớn nhưng nhu cầu nội địa cũng tăng nhanh, nên dự báo lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn lợi thế lớn về tiềm năng tăng năng suất, nên nếu cải thiện được các yếu tố trên thì sức cạnh tranh trên trường quốc tế nói chung, khu vực Trung Đông và châu Phi nói riêng sẽ tăng lên đáng kể. Đây cũng là lý do khiến ông Ali Mousa cho rằng, giá gạo trong các năm tới dự kiến sẽ tăng không ít hơn 5%/năm và vị thế của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu lúa gạo quốc tế sẽ được cải thiện.

Chuyến đi Việt Nam của ông Ali Mousa có thể được coi là chuyến tiền trạm cho việc tìm kiếm cơ hội đầu tư của UAE tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Khủng hoảng kinh tế quốc tế kéo dài thời gian vừa qua đã tác động đến định hướng đầu tư của các chủ đầu tư tại UAE, từ chỗ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, đã chuyển dần tăng tỷ trọng vào lĩnh vực nông nghiệp. Riêng trong lĩnh vực này, giai đoạn trước, UAE vẫn chủ yếu đầu tư vào Ấn Độ, Pakistan . Tuy nhiên, thời điểm này, việc đầu tư vào các quốc gia truyền thống đã có xu hướng bão hòa và Việt Nam được coi là điểm đến đầu tư trong thời gian tới, bên cạnh Ethiopia , Campuchia.

"Sau khi triển lãm gạo Dubai tổ chức xong, tôi sẽ cùng với các doanh nhân khác quay lại đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh gạo tại Việt Nam ", ông Ali Mousa cho biết.

- Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu lúa gạo, với quy mô xuất khẩu gạo năm 2010 là 6,754 triệu tấn, thu về khoảng 3 tỷ USD, với mức giá bình quân 431 USD/tấn. Thị trường chính của Việt Nam vẫn là châu Á (trên 59,4% tổng khối lượng xuất khẩu), châu Phi chiếm vị trí thứ hai với 23,55%.

- Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam dự kiến sản xuất được khoảng 8 triệu tấn gạo năm 2011, chưa kể lượng gạo tồn kho năm 2010 chuyển sang khoảng 0,8 triệu tấn; đủ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn cho năm 2011 và gối đầu những tháng giáp hạt năm 2012. Tám tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,317 triệu tấn gạo, tương đương 2,525 tỷ USD (tăng 11,41% về kim ngạch, 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái).