Giải pháp hỗ trợ sức cầu: đến đâu?

(ĐTCK-online) Một loạt thông tin được cho là tích cực được cơ quan quản lý tung ra; từ việc UBCK sẽ cho phép thực hiện một số sản phẩm mới trên thị trường, đến chủ trương tiếp tục cho vay kinh doanh chứng khoán hay xem xét sửa đổi Quyết định 238/QĐ-TTg (về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài)… nhưng xem ra, diễn biến thị trường vẫn trơ lì và tiếp tục xuống dốc. NĐT giờ đây không còn tin vào những tuyên bố chung chung nữa mà chờ giải pháp được thực thi, vậy những "liều thuốc" trực diện đó được bốc đến đâu?

Trong một thông điệp phát ra công chúng mới đây, UBCK cho biết, để hỗ trợ sức cầu đầu tư trên TTCK, cơ quan này sẽ nghiên cứu và trình Bộ Tài chính để có thể đưa vào một số sản phẩm, gồm các sản phẩm phái sinh trên TTCK cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động nghiệp vụ, như mở nhiều tài khoản giao dịch, mua bán chứng khoán trong phiên, giao dịch ký quỹ, giao dịch repo; giao dịch về chào mua công khai; áp dụng lệnh thị trường...

Hai tuần sau tuyên bố trên, trở lại UBCK để tìm hiểu những giải pháp đó được thực hiện đến đâu, câu trả lời thật đơn giản: "đây mới chỉ là kế hoạch". Thị trường biến động hàng giờ, song hành trình của một giải pháp, kể từ khi được thai nghén ý tưởng cho tới lúc được ban hành, lại không tỷ lệ thuận với diễn biến đó. Ngay cả khi UBCK hoàn tất dự thảo quy định mới, những thủ tục trình tự đề xuất chờ đợi Bộ Tài chính phê duyệt là cả quãng đường dài. Nói như vậy không có nghĩa, cơ quan quản lý trực tiếp thị trường không sốt ruột và chia sẻ lo lắng với NĐT, nhưng với thực lực và phân công công việc như hiện tại (không được trực tiếp ra quyết định), họ khó có thể ban hành biện pháp nào hỗ trợ thị trường.

Liên quan đến những thông tin quanh việc mở room, UBCK đang dự thảo văn bản trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Quyết định 238/QĐ-TTg với nội dung quy định rõ tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong các công ty đại chúng là 49%, đồng thời nhanh chóng ban hành danh mục ngành nghề có điều kiện để NĐT nước ngoài có thể tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty Việt Nam. Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ mới đây, các thành viên cũng đưa ra ý kiến khuyến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, trong đó chủ lực là Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính xây dựng danh mục ngành nghề có điều kiện để giải quyết sự mong ngóng nới room của giới đầu tư trên thị trường. Như vậy, trong ngắn hạn, NĐT khó có thể hy vọng vào quyết định nới room và những thông tin trong tuần qua cho rằng, room trong ngành ngân hàng được xem xét tăng lên 33-35% so với 30% như hiện nay cũng như tăng tỷ lệ sở hữu của các công ty niêm yết lên 60% là không có cơ sở. Ông Paul Fairhead, Chủ tịch Chi nhánh Hà Nội Auscham nhận xét: "Các quy định cho NĐT nước ngoài đầu tư vào các công ty niêm yết là tương đối rõ ràng nhưng NĐT vẫn mong rằng, mức hạn chế 49% cho sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu niêm yết được dỡ bỏ". 

Trong một nỗ lực khác, tại buổi họp báo ngày 28/2 thông báo về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: "Để giúp TTCK và bất động sản phát triển, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản trong phạm vi cho phép là 9.000 tỷ đồng, nếu cần sẽ xem xét cho vay thêm". Hạn mức còn như vậy, nhưng phần lớn nằm trong tay các ngân hàng quốc doanh (vốn ít có chủ trương cho vay kinh doanh chứng khoán), đồng thời diễn biến trên thị trường tiền tệ như hiện nay khiến các ngân hàng tăng lãi suất cho vay rất cao kèm với thời hạn cho vay ngắn, tối đa 3 tháng. Những điều kiện hà khắc như vậy, trong khi TTCK đang suy giảm mạnh thì cho dù cửa ngân hàng vẫn ngỏ, NĐT nào có bạo gan cũng không dám vay.

Nếu không theo dõi thị trường thường xuyên, để bẵng đi một vài tuần NĐT mở bảng điện tử coi có thể giật mình, bởi giá cổ phiếu xuống thấp quá. So với cuối tháng 11, đầu tháng 12/2007 (tức là trong vòng 3 tháng), nhiều mã giảm hơn 50%. Hệ luỵ của việc cổ phiếu giảm giá mạnh tác động không nhỏ đến cả các quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam . Giám đốc bộ phận đầu tư một trong những quỹ hiện quản lý vài tỷ USD tại Việt Nam cho biết, vấn đề khiến quỹ phải dè dặt là giá thị trường biến động quá nhanh, quá lớn trong khi cứ mỗi tháng quỹ lại ghi nhận chỉ số NAV một lần. Người quản lý quỹ có trách nhiệm duy trì NAV tăng trưởng tương đối, dù mua vào ở thời điểm này giá đã thấp, trong tương lai cổ phiếu sẽ tăng giá, nhưng NAV liên tục giảm sẽ là bức tranh không đẹp với các NĐT của quỹ. Cũng đã có những cuộc đàm phán hợp tác chiến lược giữa quỹ đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam tưởng chừng xuôi chèo mát mái, giờ bên nước ngoài đang yêu cầu đàm phán lại.

Một số quỹ khác nếu có hợp tác cũng chỉ dừng ở việc mua cổ phần và trông chờ lợi ích chủ yếu từ biến động giá cổ phiếu, mà không phải là từ các khoản giá trị gia tăng (cùng tham gia đầu tư trực tiếp dự án và ăn chia lợi nhuận) thì chuyển hướng gom trên thị trường OTC bởi giá thấp hơn, ngoài ra không bị phong tỏa tỷ lệ sở hữu. Vô hình trung, thị trường đang khiến cả NĐT tổ chức tham gia đầu cơ và gián tiếp có thể gây nhiễu loạn thị trường bằng các thủ thuật làm giá, ép giá.