Cần có cơ chế để nắm bắt được một cách tương đối chính xác về lượng vốn vào ra.

Cần có cơ chế để nắm bắt được một cách tương đối chính xác về lượng vốn vào ra.

Giám sát vốn gián tiếp: Liệu pháp "mềm"

(ĐTCK-online) Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vốn gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong năm 2008 khi cán cân thanh toán vẫn nghiêng về nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động như hiện nay, ứng xử như thế nào đối với dòng vốn này để có những tình huống chuẩn bị chu đáo nhất là câu hỏi được cả cơ quan quản lý và giới đầu tư quan tâm. Kinh nghiệm của một số nước như Chilê, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã được thế giới phân tích khá kỹ lưỡng.

Theo một tài liệu từ các chuyên gia kinh tế Chương trình Fulbright, tổng lượng vốn từ bên ngoài chảy vào nền kinh tế Việt Nam trong năm 2007 ước chừng lên tới 22 - 23 tỷ USD (tương đương 30% GDP), trong đó đầu tư gián tiếp khoảng 5 - 6 tỷ USD. Khi lượng tiền đổ vào nền kinh tế quá nhiều, lại không được sử dụng một cách hiệu quả để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ, sẽ dẫn đến tình trạng quá nhiều tiền nhưng quá ít hàng và đây là một nguyên chính của lạm phát. Thâm hụt thương mại của Việt Nam năm 2007 ước chừng 12 tỷ USD, tức là khoảng 16% GDP. Để trang trải mức thâm hụt như vậy, chỉ FDI (vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp) và ODA (vốn viện trợ phát triển) không thể đáp ứng nổi, vai trò của vốn gián tiếp và kiều hối ước khoảng 12 - 14 tỷ USD trong năm 2007 là rất quan trọng.

Một vai trò nữa của vốn gián tiếp cần nhìn nhận là tác động tới dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực. Dự trữ ngoại hối đóng vai trò giảm sốc, giúp nền kinh tế chống đỡ được những cú sốc trong thương mại quốc tế như giá hàng xuất khẩu giảm (hay giá hàng nhập khẩu tăng), mất thị trường xuất khẩu hay những biến động về cầu trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối còn giúp điều hòa những biến động của các dòng lưu chuyển vốn. Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam bị thâm hụt thương mại. Ước tính, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2008 của nhóm chuyên gia trên còn cao hơn năm 2007, đạt mức 17 tỷ USD. Điều này có nghĩa, để cân bằng tài khoản vãng lai thì trong năm 2008, Việt Nam phải thu hút khoảng 17 tỷ USD từ nguồn vốn bên ngoài. Nếu nhập khẩu được thực hiện theo đúng kế hoạch, nhưng các dòng vốn nước ngoài lại suy giảm thì quản lý vĩ mô sẽ trở nên hết sức khó khăn. Vào thời điểm cuối năm 2007, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương đương 1/3 kim ngạch nhập khẩu. Mặc dù tỷ lệ vốn nước ngoài ngắn hạn thấp hơn Việt Nam, nhưng dự trữ ngoại hối của Thái Lan, Indonesia và Malaysia lên tới 2/3, thậm chí 3/4 kim ngạch nhập khẩu của mỗi nước. Những nước này đã rút ra được bài học từ cuộc khủng hoảng năm 1997 về vai trò quan trọng của dự trữ ngoại hối trong việc bảo hiểm cho nền kinh tế. "Trong điều kiện thuận lợi khi dòng vốn vào đang sung mãn như hiện nay, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tăng cường dự trữ, phòng khi thời tiết xấu", các chuyên gia khuyến cáo.

Theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Kinh tế hội nhập quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong thời điểm TTCK cần sức cầu, doanh nghiệp cần vốn, ngoại tệ cần cho cân đối tài khoản vãng lai thì không nên đặt nặng vấn đề kiểm soát vốn nước ngoài, thay vào đó cần có cơ chế để nắm bắt được một cách tương đối chính xác về lượng vốn vào ra, tạo điều kiện thuận lợi cũng như đưa ra được những dự án tốt để NĐT rót vốn. "Khi đã nắm bắt được thông tin đầy đủ thì có thể chuẩn bị những tình huống đối phó tốt nhất", ông Thành nói.

Nhìn ra các nước, kinh nghiệm quản lý dòng vốn gián tiếp nước ngoài có thể đem lại những bài học tham khảo cho Việt Nam, đơn cử như Chilê và Colombia hồi những năm 1990, Nga và Croatia năm 2004 đã áp dụng biện pháp có tên URR (tạm dịch: dự trữ bắt buộc). Nhà ĐTNN khi đầu tư vào những nước này phải trích một tỷ lệ dự trữ nào đó từ vốn đầu tư. Liều lượng của mỗi nước khác nhau và thường biện pháp này chỉ được áp dụng trong một số thời điểm nhất định, ngay sau đó được dỡ bỏ. URR được nhấn mạnh ở những khía cạnh, liệu pháp này được áp dụng ở những nước muốn nắm bắt được dòng vốn nước ngoài, chứ không phải kiểm soát, đây cũng không phải can thiệp hành chính và áp dụng như vậy cũng được coi như một giải pháp đánh thuế nhưng không gây sốc với NĐT. Tác động tiêu cực của URR có thể xảy ra như giảm vốn đầu tư gián tiếp trong ngắn hạn, không hiệu quả nếu áp dụng lâu dài, tác động đến lãi suất trong nước và ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, ngay cả ở Chilê, nước áp dụng khá thành công, thì tác dụng của nó cũng gây nhiều tranh cãi. Và gần đây nhất, tháng 12/2006 khi Thái Lan yêu cầu các nhà ĐTNN trích 30% vốn gửi tại Ngân hàng Trung ương, giá cổ phiếu giảm mạnh, TTCK rơi vào khủng hoảng, buộc Chính phủ nước này phải tuyên bố bãi bỏ chính sách trên.

Trung Quốc, Ấn Độ lại có ứng xử khác, đó là nhắm đến các nhóm NĐT khác nhau, tạo ra thị trường riêng cho NĐT nội và NĐT ngoại. Phương thức này cho phép họ dễ dàng nắm bắt được những ai đang đầu tư, hơn là dòng vốn luân chuyển ra sao. Các nhà nghiên cứu tài chính cũng tiến hành khảo sát tại 55 quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 1985 - 1992 và chỉ ra rằng, kiểm soát vốn gián tiếp chỉ có tác dụng ở những nước phát triển và những nền kinh tế mới nổi, thay vì kiểm soát, nên tạo cơ hội hiệu quả cho dòng vốn đó phát huy.