Gian nan quản lý vốn nhà nước

(ĐTCK-online) Tại một DN thuộc diện chuyển giao ở Nam Định, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiến hành đấu giá để thoái vốn thì thùng phiếu đấu giá bị cướp và đốt ngay tại phiên đấu giá dù có 4 công an bảo vệ. Bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Chủ tịch HĐQT SCIC cho biết, đây chỉ là một ví dụ cho thấy việc quản lý vốn Nhà nước tại các DN không hề đơn giản, mục tiêu xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với DN, tách quản lý nhà nước khỏi kinh doanh, bảo toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn Nhà nước cũng vô cùng gian nan.

Vụ việc cướp thùng phiếu đã được điều tra và nguyên nhân là trong nội bộ DN có một nhóm người muốn mua cổ phần với giá thấp. Khi Hội đồng định giá, có SCIC tham gia áp dụng phương pháp xác định giá trị theo thị trường thì họ quyết tâm phá. Cuối cùng, SCIC phải tổ chức đấu giá lại ở Hà Nội và nhờ cơ quan pháp luật giám sát thì cuộc đấu giá mới thành công. Còn ở Công ty giày Đông Anh có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sau khi chuyển giao, SCIC tổ chức Đại hội cổ đông lấy quyết định bán DN cho đối tác Đài Loan (Tập đoàn Jim Brother's mua toàn bộ sở hữu của SCIC (45%) tại Giày Đông Anh theo giá thỏa thuận đạt trên 1,4 lần mệnh giá kèm theo tất cả những cam kết đảm bảo quyền lợi người lao động). Đây là cách giải quyết tương đối hợp tình, hợp lý nhưng không phải đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các bên. Đã có những vụ kiện cáo xuất phát từ nội bộ của DN này khiến SCIC khá “đau đầu”.

Bà Tâm cho biết thêm, trong số 833 doanh nghiệp đã được bàn giao về SCIC, phần lớn  có quy mô nhỏ, trình độ quản lý lại rất khác nhau nên đơn vị mất rất nhiều thời gian và công sức trong quá trình hậu bàn giao, đặc biệt là phải giải quyết những vấn đề mang tính “sự vụ”. Bên cạnh đó, không phải tất cả người đại diện cho SCIC tại DN đều hợp tác tích cực, thậm chí một số còn không bảo vệ quyền lợi của SCIC khi quyết định các vấn đề trong nội bộ DN (chẳng hạn như việc phát hành tăng vốn không đảm bảo quyền lợi cổ đông nhà nước). Thị trường tài chính bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh lại chưa thực sự ổn định, còn nhiều yếu tố đầu cơ nên phần nào tác động đến hoạt động của SCIC. Nhiều CTCK và bản thân DN luôn có xu hướng tạo áp lực để mua rẻ cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành. Cơ quan chủ quản (bộ, ngành, địa phương) vẫn còn tâm lý níu kéo quyền lực hoặc muốn giữ lại DN để tiếp tục đầu tư làm tăng giá trị trước khi đưa ra thị trường.

Dù vẫn còn hạn chế, vẫn phải khẳng định những ưu điểm của hình thức công ty hoá việc quản lý vốn nhà nước. Mặc dù SCIC mới hoạt động được một năm, khung pháp lý chưa đủ, song lợi ích của việc tập trung quản lý vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp đã khá rõ. Tính đến cuối tháng 12/2007, tổng số vốn của Nhà nước tại các DN đã chuyển giao về SCIC có giá trị sổ sách là 6.620 tỷ đồng, giá trị thị trường xấp xỉ 50.000 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tại các DN này trước đây gần như không sinh lời, thậm chí thua lỗ, thất thoát thì nay, lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của chính các đơn vị trên đã đạt gần 1.000 tỷ đồng. Bà Tâm cho biết: “Trước đây, tôi công tác ở Bộ Tài chính, phụ trách lĩnh vực DN nhưng thú thật, chưa bao giờ tôi biết chính xác số tài sản nhà nước tại các DN là bao nhiêu, lợi nhuận như thế nào? Và tất nhiên, càng không thể phân loại các khoản tiền này chứ chưa nói gì đến việc quản lý hiệu quả”. Lý do là vốn nhà nước có quá nhiều “ông chủ” là các cơ quan chủ quản thuộc nhiều cấp, nhiều ngành. Mỗi nơi lại sử dụng một phương pháp quản lý, thống kê khác nhau. Độ trung thực, chính xác của các báo cáo cũng khác nhau và không có chuẩn mực kê khai hay cơ chế giám sát hữu hiệu... Nay Nhà nước đã biết mình có bao nhiêu tiền, tiền đang nằm ở những đâu, được quản lý, kinh doanh theo phương pháp nào và cơ hội sinh lời hay rủi ro ra sao. Từ đó mới có thể tính đến giải pháp kinh doanh cho hiệu quả.

Năm 2008, SCIC sẽ tiếp nhận 100 DN với số vốn dự kiến là 400 tỷ đồng, ngoài ra còn tiếp nhận số vốn nhà nước ước khoảng 31.000 tỷ đồng tại các tổng công ty lớn sau khi cổ phần hoá như Bảo Việt, Habeco, Sabeco... SCIC sẽ thống kê toàn bộ tài sản và phân loại DN làm ba nhóm A, B, C tùy theo quy mô, tỷ trọng vốn Nhà nước và ngành nghề. Nhóm A sẽ được SCIC đầu tư mang tính chiến lược để tỷ lệ vốn của SCIC sẽ được phát triển thêm. Nhóm B được xác định là đầu tư ngắn hạn, không quan trọng về tỷ lệ, được giá là bán. Nhóm C gồm những DN trong các ngành nghề khó quản lý vốn, khó sinh lời thì sẽ thoái vốn theo nhiều cách như bán thỏa thuận, đấu giá... Như vậy, Nhà nước không chỉ có thêm cơ hội tăng lợi nhuận, mà còn giảm thiểu nguy cơ mất vốn.  Để gia tăng khả năng sinh lời cho đồng vốn Nhà nước, đồng thời huy động thêm nguồn lực từ công chúng để phát triển DN, SCIC dự kiến hỗ trợ khoảng 20 DN niêm yết trong năm 2008.