Gỡ khó cho sản xuất, xuất khẩu

(ĐTCK-online) “Tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất, xuất khẩu”, đó là thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty, với sự tham dự của các bộ, ngành hôm 1/4. Nội dung được đề cập nhiều nhất là hỗ trợ vốn, hạ lãi suất đầu ra. “Đây cũng là giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán một cách bền vững nhất. Cứ duy trì lãi suất cho vay 18%/năm thì sản xuất, kinh doanh chỉ có nước chết”, ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói thẳng.

Ngày 2/4, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động VND, mức cao nhất không quá 11%/năm. Khi gỡ “đòn hành chính” trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước và cả Hiệp hội Ngân hàng kỳ vọng sẽ dẫn đến việc hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đây chính là biện pháp ổn định thị trường và chống lạm phát. Việc hạ lãi suất cho vay, theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, sẽ không diễn ra ngay lập tức, nhưng hạ lãi suất đầu vào sẽ là cơ sở để các ngân hàng tính toán điều chỉnh lãi suất đầu ra hợp lý, tuy mức giảm có thể không tương ứng.

Theo ông Trần Bắc Hà, với lãi suất huy động tối đa là 11%/năm, cộng thêm lãi và chi phí dự trữ, đảm bảo tỷ lệ ROE đạt 12 - 15%/năm, ngân hàng có thể cho vay với mức lãi suất 14,5 - 15%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến là 18%/năm, thậm chí nhiều hợp đồng có lãi suất 21%/năm. Trong trường hợp ngân hàng khó khăn, ông Hà đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ bằng cách cho điều tiết thuế thu nhập doanh nghiệp 28% xuống 25% ngay trong năm nay, thay vì chờ Quốc hội thông qua và áp dụng vào năm 2009; thời gian điều tiết trong khoảng 1 - 2 năm.

“Hiệp hội Ngân hàng mới chỉ lấy đồng thuận về lãi suất huy động VND và USD chứ chưa kêu gọi đồng thuận về lãi suất đầu ra. Nên chăng, cần tính đến giải pháp này để gỡ khó cho doanh nghiệp càng nhanh ngày nào càng tốt”, ông Hà nói. Có thể, mỗi ngân hàng có cơ cấu sử dụng vốn khác nhau, năng lực quản trị khác nhau dẫn đến việc tính toán trần lãi suất đầu ra khác nhau, song phân tích của ông Hà cho thấy, việc duy trì lãi suất quá cao như hiện nay cần phải được hạ xuống và ngân hàng hoàn toàn có cơ sở để hạ thay vì nói “không”. Nếu duy trì lãi suất cao, rủi ro không thu được nợ sẽ tăng, làm tăng nợ xấu của ngân hàng.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần thiết hạ tiếp lãi suất đầu vào để làm cơ sở hạ lãi suất đầu ra và trong thời điểm khó khăn như hiện nay, không thể thực hiện mục tiêu lãi suất thực dương. “Nếu để lãi suất thực dương thì chẳng ai còn muốn sản xuất - kinh doanh làm gì, những thị trường làm cầu nối huy động vốn như chứng khoán sẽ suy giảm vì chỉ cần gửi vào ngân hàng đã có lãi 13 - 14%/năm, đầu tư gì cho lại”, bà Hương nói.

Qua trao đổi với một số hội viên, bà Hương cho biết, trong thời gian qua, các ngân hàng vẫn có chính sách để giữ khách, vì thế không phải doanh nghiệp nào cũng phải chịu lãi suất vay “cắt cổ” 18 - 20%/năm, nhưng mặt bằng chung cần thiết phải hạ xuống để doanh nghiệp “dễ thở” hơn, tập trung cho sản xuất - kinh doanh, thay vì nghĩ đến những hình thức đầu tư kiếm lời cao hơn nhưng rủi ro đi kèm là rất lớn.

Một giải pháp để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, theo ông Trần Bắc Hà, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cho vay phục vụ xuất khẩu đối với những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, không khống chế mức tăng trưởng tín dụng chung 30% trong năm 2008. Do xuất khẩu mang tính thời vụ nên có những thời điểm trong năm, đề nghị cho ngân hàng được cho vay vượt 30% nhưng đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng cuối kỳ về 30% hay có thể xét hạn mức tín dụng riêng để hỗ trợ vay xuất khẩu, cho vay nông nghiệp. Đơn cử như tại BIDV, dư nợ cho vay xuất khẩu (là các khoản vay ngắn hạn theo mùa vụ) có thời điểm tăng 70% vẫn thiếu.

Trước tình trạng nguồn vốn ngoại tệ ngắn hạn ngân hàng đang thừa nhưng lại thiếu ngoại tệ trung dài hạn cho vay xuất khẩu, nhập khẩu máy móc phục vụ sản xuất, một giải pháp đã được nêu ra tại cuộc họp là đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng một phần quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia cho ngân hàng thương mại vay để cho vay những dự án trung, dài hạn có khả năng hoàn vốn cao (năm 2007, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được đề xuất cho ngân hàng thương mại vay trung hạn khoản tiền 2 tỷ USD cho mục tiêu trên).

Những động thái trên có ý nghĩa thế nào đối với TTCK? Thời điểm công bố báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh quý I/2008 của các công ty niêm yết sắp đến, trong đó khó khăn về vốn tín dụng, tỷ giá, lạm phát khiến nhà đầu tư không khỏi hoài nghi, lo ngại về khả năng vượt khó cũng như kết quả đạt được của mỗi doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh có đảm bảo như kế hoạch đề ra, nếu sụt giảm thì những khó khăn đó có được gỡ trong thời gian tới? Đây chính là yếu tố quyết định phần lớn diễn biến giá chứng khoán trên sàn.

Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Gilimex cho hay, hoạt động chính của Công ty hiện nay là xuất khẩu đồ may mặc, lợi nhuận cao nhất cũng chỉ có thể đạt 20 - 25%, nếu trả lãi vay ngân hàng tới 18% thì doanh nghiệp đâu còn lãi. Vì thế, hạ lãi suất đầu ra, điều hành tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ ngoại tệ xuất nhập khẩu, ổn định giá nguyên - nhiên vật liệu... là những liều thuốc doanh nghiệp niêm yết mong chờ nhất hiện nay.

Nhận định tình hình năm nay khó khăn, tại ĐHCĐ vừa qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã trình cổ đông kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2008 khá khiêm tốn. Đơn cử như REE chỉ đặt mục tiêu doanh thu 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 390 tỷ đồng (bằng mức đạt được trong năm 2007).