Một đường tàu điện ngầm ở nước ngoài (Ảnh tư liệu)

Một đường tàu điện ngầm ở nước ngoài (Ảnh tư liệu)

Hà Nội: Đấu thầu tư vấn dự án 15km đường sắt ngầm

Tuyến thứ 2 của Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP. Hà Nội dài 42km với 15,2km ngầm qua trung tâm thành phố sắp được tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn tư vấn lập dự án giai đoạn 1.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (Từ Liêm/Nam Thăng Long - Thượng Đình) này là 1,2 tỉ USD, gồm 15,2km đường sắt đi ngầm qua trung tâm thành phố với độ sâu so với mặt đất từ 18-23m, qua các quận, huyện: Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và huyện Từ Liêm. Riêng gói thầu số 1 chọn tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình dựa trên cơ sở nghiên cứu của HAIDEP (Chương trình phát triển đô thị tổng thể Hà Nội) và SAPROF (Hỗ trợ đặc biệt hình thành dự án) là 6,1 tỉ đồng.

 

Theo HAIDEP, tuyến đường sắt đô thị thành phố số 2 (Nội Bài - Hà Đông) này là một trong những trục giao thông quan trọng có lưu lượng phương tiện lớn được thành phố ưu tiên đầu tư. Khi hoàn thành, tuyến sẽ nối các khu vực dân cư tập trung ở bắc sông Hồng, nam sông Hồng, trung tâm Hà Nội và thị xã Hà Đông. Mỗi ngày, tuyến có khả năng vận chuyển 575 nghìn lượt hành khách (vào năm 2014) và lên đến 1,7 triệu lượt hành khách/ngày vào năm 2040. Chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án là Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội (HRB).

 

Với 2 chiều tàu 6 toa chạy đối xứng đi - về tần suất khoảng 3,25 phút/chuyến, tốc độ 35 km/h, khổ đường sắt 1,435m gồm 14 ga và 1 depot - HAIDEP dự tính đến năm 2020, với 27 đoàn tàu cùng phục vụ, lượng khách vận chuyển giờ cao điểm sẽ đạt 31 nghìn lượt/h; đến năm 2040 là 58 nghìn lượt khách/h.

 

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án này sẽ chia thành 5 gói thầu chính cho giai đoạn 1, trong đó chỉ có gói thầu số 1 (kể trên) được công bố mời thầu rộng rãi, gói số 2 (tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), số 3 (khảo sát đo đạc, lập dự án đầu tư xây dựng và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), số 4 (khảo sát địa chất, lập dự án đầu tư xây dựng và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) và số 5 (khảo sát điều tra thu thập số liệu công trình ngầm, lập dự án đầu tư) đều chỉ định thầu vì giá gói thầu dưới 500 triệu đồng.

 

Đề cương công tác tư vấn, các nhiệm vụ khảo sát và giá các gói thầu phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các qui định hiện hành trước khi tổ chức đấu thầu. Thời gian lựa chọn nhà thầu gói số 1 (tư vấn lập dự án) kể trên sẽ vào quý III/2007 với thời gian thực hiện hợp đồng là 6 tháng.

 

Được biết, kể từ 7/6 vừa qua, SAPROF đã bắt đầu triển khai nghiên cứu tuyến này và phấn đấu hoàn thành tháng 10/2007. Nếu diễn tiến thuận lợi, cuối năm nay công tác chuẩn bị đầu tư sẽ hoàn thành để giữa 2009 có thể khởi công xây dựng và tàu điện ngầm sẽ chính thức hoạt động vào 2013 .

 

Quy hoạch tổng thể mới về phát triển bền vững của Hà Nội (HAIDEP) gồm một hạng mục về giao thông đô thị (đang được hoàn tất nhờ khoản tài trợ của JICA) dự kiến xây dựng mạng lưới giao thông công cộng từ nay đến 2020 tập trung vào 4 tuyến vận chuyển khối lượng lớn và 1 mạng lưới xe khách truyền thống.

 

Tuyến "metro hạng nhẹ" Nhổn - ga Hà Nội sẽ là tuyến đầu tiên của mạng lưới này được đưa vào sử dụng. Sau đó, tuyến đường sắt đô thị thứ 2 (kể trên) nhằm phục vụ hành khách đến và đi từ sân bay Nội Bài và khu vực ngoại ô tây nam thành phố kể từ trung tâm, với nguồn tài trợ của JBIC.

 

Sáng 9/3/2007, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu, Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Hoàng Ân -  Trưởng đại diện Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã ký biên bản ghi nhớ về việc JBIC trợ giúp đặc biệt đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội (tuyến số 2).