Không phải phạt cho DN chết và thu hết mà phạt sao để vẫn đảm bảo quyền lợi NĐT, nhưng có sức răn đe DN.

Không phải phạt cho DN chết và thu hết mà phạt sao để vẫn đảm bảo quyền lợi NĐT, nhưng có sức răn đe DN.

Hành trình Bao Công

(ĐTCK-online) Trò chuyện với ông giữa bộn bề công việc cuối năm, bên chồng hồ sơ ngất ngưởng, dường như cái sự vất vả của nghề thanh tra được đo đếm qua từng câu chuyện. Chứng khoán Việt Nam năm 2007 có nhiều cái lạ, trong đó kể không hết chuyện DN tự nguyện xin phạt, song ông bảo mỗi lần phê bút là cả một cuộc đấu trí với bao đắn đo bởi một chữ tâm vì sự sống còn của DN. Xưa hành trình của Bao Công nổi tiếng với bao kỳ án, nay hành trình của thanh tra chứng khoán gói gọn trong hai chữ “tận tâm”.

Cánh báo chí chúng tôi luôn mong được phỏng vấn ông Hoàng Đức Long, Chánh thanh tra UBCK, nhưng khó lắm và tự mường tượng ông là người khó tính, khô khan. Nhưng có trò chuyện với ông mới biết đó lại là định kiến sai lầm. Ông bảo ít tiếp xúc với nhà báo một phần vì quá bận, một phần vì chẳng muốn thanh minh những phán xét, phê phán một chiều về thanh tra xuất hiện trên nhiều mặt báo. Một trong những kỷ lục của năm Đinh Hợi nhìn vào những con số báo cáo là số vụ vi phạm và xử phạt. Thẩm định hồ sơ cấp phép phát hành có thể lơ là điểm này, chỗ nọ nhưng soi hồ sơ, phát hiện hành vi sai phạm và để ra được quyết định xử phạt lại cần chính xác đến từng câu, bởi luật đã ghi rõ “Người bị phạt có quyền kiện người ra quyết định xử phạt nếu quyết định đó sai”. Quân số 15 người, Ban Thanh tra, UBCK căng ra không hết việc từ đọc, kiểm tra hàng trăm bộ hồ sơ đăng ký của công ty đại chúng, rồi hàng trăm hồ sơ xin phát hành, kể cả những hoạt động trong diện nghi ngờ như ưu tiên nhập lệnh cho khách VIP, nhập nhèm tài khoản NĐT của các CTCK, chưa kể đến nhiều hành vi thao túng giá của bao NĐT đang hàng ngày bon chen trên thị trường.

Ông Long kể, những tháng cuối năm 2007, hồ sơ ùn ùn gửi tới Ủy ban, có công ty muốn thực hiện xong kế hoạch phát hành đã được ĐHĐCĐ thông qua, có công ty  muốn khẩn trương niêm yết trước khi Tết đến... Cũng vì muốn những việc đặt ra trong năm cũ được hoàn thành nên khi nộp hồ sơ về Ủy ban nhiều công ty xin được phạt sớm (có quyết định xử phạt mới được phát hành hoặc niêm yết - PV). Cũng có không ít trường hợp sai phạm do chuyên viên phát hành và thanh tra phát hiện khi thẩm định hồ sơ, nhưng để phạt họ cũng không đơn giản, mỗi bộ hồ sơ dày cả trăm trang, thanh tra viên phải  đọc từng bảng, lần từng thời điểm để kiểm tra rồi lại yêu cầu DN giải trình, bổ sung hồ sơ cho đủ. Hồ sơ có đủ thanh tra mới có thể ra kết luận phạt, nhưng trước khi đặt bút ký, ông Long bao giờ cũng có công văn thông báo đến DN để họ có thể xem lại và thừa nhận lỗi đã làm.

Ông Hoàng Đức Long

Ông Hoàng Đức Long

Hồ sơ nhiều, anh em làm đêm làm ngày, ở cơ quan không hết việc bê cả về nhà làm thêm. Nhiều quyết định xử phạt báo chí bên ngoài kêu nhẹ, DN ở trong than nặng oán thán váng trời, thanh tra đứng giữa chịu sức ép. Nhưng đằng sau mỗi quyết định xử phạt là cả một khoảng trăn trở của thanh tra, liệu mình có xử lý sai, trong khung phạt có nhiều mức khác nhau, cân đong đo đếm thế nào, trong cả hồ sơ đó sai phạm nào lớn nhất, có chủ ý, trục lợi không, phạt thế nào khi DN giám sát ngược trở lại, sai họ có quyền kiện lắm chứ. “Làm nghề thanh tra phải có hậu, đừng có tư tưởng phạt cho DN chết và thu hết mà phạt sao để vẫn đảm bảo quyền lợi NĐT, nhưng có sức răn đe DN từ nay huy động vốn phải rõ ràng và đảm bảo đúng chuẩn mực hồ sơ. Nói thì dễ chứ cứ ngồi vào vị trí của người ra quyết định xử phạt mới thấy khó”, ông chia sẻ.

Dùng bạc đấu người

Thị trường phát triển, một số DN và một lớp nhà đầu tư càng nhiều mưu mô, toan tính để thực hiện hành vi trục lợi, thao túng giá. Nhưng “tay không bắt giặc” (việc kiểm tra, giám sát còn thủ công, hệ  thống công nghệ hỗ trợ công tác điều tra ở mức thấp), nên công việc của thanh tra khó bộn bề. Mỗi lần xuống DN là một lần đấu tranh với chính mình, ngay chuyện DN mời cơm, thanh tra cũng ở thế khó xử. Ngồi đó ăn sẽ có ai đó chửi thầm “làm thanh tra mà ăn cơm DN thì ngập mặt còn thanh với tra nỗi gì”, nhưng nếu từ chối thì người ta lại mỉa “làm gì cao giá thế, họ làm như mình bỏ thuốc độc không bằng”. DN muốn mời thanh tra ở chỗ đẹp, thử hỏi anh nào dám? Lần thanh tra tại Vinamilk, ngay cuộc họp đầu tiên, Chánh thanh tra đã tuyên bố: “Ăn uống không, nước phục vụ chỉ nước chè, không tổ chức phòng làm việc riêng cho thanh tra mà chỉ khi nào yêu cầu người cung cấp giải trình mới bố trí”. Trong những ngày thanh tra, anh em ăn cơm bụi là thường. Có những nơi, DN đưa phong bì ông Long cắt ngay trước mặt và trả lại. Ông nói: “Anh em quý nhau hiếu hỉ mời có thể đến, nhưng khi đã ở công việc nhất định cố gắng không để sai một ly, gần 30 năm làm thanh tra chỉ một lần sai là mất hết”.

Ở vị thế một Bao Công thời hiện đại, làm gì để TTCK công bằng với các NĐT, việc bắt tận tay những cá nhân, tổ chức thao túng giá luôn là nỗi canh cánh. Nhưng nguồn lực có hạn, hồ sơ chờ xử lý quá nhiều, nên phải cố gắng lắm ông và anh em thanh tra mới dứt ra điều tra được một vài vụ. Phát hiện rồi, phạt lại không dễ, quan trọng hơn nữa là làm sao để người sai phạm tâm phục khẩu phục, cũng đã có NĐT bị phạt tuyên bố sẽ “dùng bạc đấu người”. “Ai sẽ bảo vệ anh nếu họ bí mật dùng dao đâm anh, gia đình anh khi ấy sẽ thế nào?”, không ít lần câu hỏi đó vang lên trong đầu người làm thanh tra. “Vậy mà có những bài báo phủ nhận sạch trơn tâm huyết của anh em thanh tra khiến chúng tôi đau lòng”, ông Long ưu tư kể.

Vốn chẳng có bệnh tật gì vậy mà năm 2007, vị Chánh thanh tra đã hai lần phải cấp cứu tại bệnh viện, bác sỹ kết luận do stress và làm việc quá sức. Trong viện, ông vẫn phải ký quyết định xử phạt và người không hiểu cứ ngỡ ông tham công tiếc việc. Để ra quyết định, ông lại phải nắm được hồ sơ, lại phải đọc. “Thanh tra phải được tung vào trận địa, giám sát theo dõi tại hiện trường thì mới mong bắt được kẻ cắp. Nhưng quả thực bọn tôi đã quá mệt ở mặt trận phía trên này”.

Ai muốn làm “ông sợ”?

Thế nhưng nhắc đến thanh tra chẳng mấy ai vui mừng, bởi họ gắn liền với việc phát hiện sai phạm, xử phạt. Quân thanh tra công việc va chạm, áp lực lớn lại mang tiếng “ăn tiền” trong khi chế độ đãi ngộ không có gì khác một công chức. Luật cho phép thanh tra được trích lại 30% tiền phạt, nhưng đố ai dám chi, cách an toàn nhất là chuyển trả hết cho Văn phòng Ủy ban chờ xử lý.  Nếu như ở các nước, nhân lực của UBCK gồm tới một nửa là dân thanh tra để sâu sát thị trường, chưa kể họ còn được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại, thì tại Việt Nam, với một thị trường có hàng nghìn DN tham gia, hàng trăm nghìn tài khoản, đội ngũ thanh tra có vỏn vẹn 15 người. Được quyền tuyển thêm quân, nhưng ông Long than “khó lắm”, tố chất của thanh tra là phải am hiểu nghiệp vụ, tinh thông văn bản luật và hết sức nhanh nhạy. Những người có khả năng ấy nếu đang làm ở ban khác nhàn nhã hơn họ chẳng chịu về, còn tuyển mới với quy trình rắc rối cộng chế độ đãi ngộ không mấy hấp dẫn y như “nhiệm vụ bất khả thi”. Bản thân ông Long đã hơn một lần quyết tâm xin rời khỏi ghế nóng, nhưng được động viên ở lại với lý do khó tìm được người thay thế.

“Quả thực có những lúc tôi rất buồn, bên ngoài họ mời ra làm việc, bà xã nhiều khi động viên trả ghế, nhưng làm vậy anh em bỏ hết còn ai làm thanh tra? Thôi đành cố gắng động viên nhau, lúc nào mệt quá lại cáo ốm vậy”, chia sẻ của ông sao nghe có vị nghèn nghẹn.

Xin phép làm phiền 1 tiếng đồng hồ, nhưng thời gian đó đủ để tôi chứng kiến gần chục tập hồ sơ được chuyển đến tay ông chờ xem xét. Áp lực công việc hiện tại và mong muốn được cống hiến, được làm đúng trọng trách thị trường cần khiến câu chuyện của những người thanh tra làm tôi cảm động. Mùa Xuân mới đang đến thổi bao hy vọng cho TTCK tươi đẹp hơn và qua vài lời kể này mong sao thị trường có cái nhìn sáng hơn về nghề thanh tra chứng khoán.