Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của IFC.

Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của IFC.

IFC tiếp tục đầu tư vào ngân hàng và hạ tầng Việt Nam

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan của IFC, trao đổi với NCĐT về những ưu tiên đầu tư ở Việt Nam. IFC đã cam kết đầu tư 800 triệu USD vào Việt Nam trong năm nay, tăng hơn gấp đôi năm 2010.

 

Ưu tiên đầu tư của IFC ở Việt Nam là gì?

 

Ưu tiên của IFC là phát triển kinh tế. Nhưng mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân vì đây là khu vực tạo công ăn việc làm và đem đến cơ hội cho người dân. Chúng tôi đang tham gia 3 lĩnh vực. Thứ nhất là ngành ngân hàng, với việc hỗ trợ phát triển mô hình tín dụng thương mại quy mô nhỏ, gia tăng năng lực cho vay của ngân hàng tới các cá nhân lẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Lĩnh vực thứ 2 chúng tôi tham gia là cơ sở hạ tầng. Trong 10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 200 tỉ USD để xây dựng đường sá, cảng biển, nhà máy điện, nhà máy xử lý nước. Phân nửa số tiền này phải do khu vực tư nhân cung cấp. Vì thế Việt Nam nên phát triển những mô hình mới nhằm đáp ứng tài chính cho các dự án loại đó. Mô hình hợp tác công tư (PPP) đang được xúc tiến có thể là một giải pháp. Chúng tôi cũng đầu tư vào các dự án có khả năng giúp cải tiến chất lượng và việc tiếp cận giáo dục và y tế.

 

Lĩnh vực thứ 3 chúng tôi nhắm tới là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam . Chúng tôi muốn giúp họ phát triển doanh nghiệp của mình, nắm bắt được các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, quản lý rủi ro và tài chính. Qua đó họ có thể trở thành những người đứng đầu thị trường nội địa, đứng đầu khu vực và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

 

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng dù thông qua mô hình PPP, thông qua ngân sách nhà nước hay theo hình thức Xây dựng-Sở hữu-Kinh doanh (BOO), đều đòi hỏi những nguồn vốn khổng lồ. Vì thế cần phải phát triển cả các thị trường vốn chưa xuất hiện tại Việt Nam . Cần phát triển các thị trường như tài sản dài hạn, trái phiếu dài hạn, trái phiếu hạ tầng cơ sở.

 

Ông cho biết tên vài công ty IFC đã đầu tư vào?

 

IFC đã đầu tư vào một số doanh nghiệp là những công ty nhỏ mới thành lập, cả những công ty đã nổi tiếng trong ngành công nghệ thông tin và công nghệ. Chúng tôi là một trong những tổ chức đầu tiên đầu tư vào Công ty Thực phẩm Masan Food. Gần đây chúng tôi cũng đã đầu tư hỗ trợ Công ty Thiên Minh sở hữu chuỗi khách sạn Victoria . Đây cũng là một trong những ví dụ đầu tiên về một công ty Việt Nam mua lại một công ty nước ngoài.

 

IFC lựa chọn công ty để đầu tư dựa trên những tiêu chí nào?

 

Trước hết, mỗi khoản đầu tư của IFC bắt buộc phải có một tác động phát triển tích cực nào đó như tạo ra công ăn việc làm, tạo cơ hội sử dụng điện thoại lần đầu tiên, thắp sáng lần đầu tiên một ngọn đèn, mở tài khoản ngân hàng đầu tiên hay giúp giải quyết một vấn đề về môi trường.

 

Và những gì chúng tôi thực sự nhắm đến là đầu tư vào những người muốn phát triển doanh nghiệp chứ không chỉ kiếm tiền đơn thuần. Chúng tôi muốn hợp tác với những ai mong muốn đóng góp vào sự phát triển lâu dài của đất nước Việt Nam .

 

Điều này đồng nghĩa với việc IFC sẵn sàng chấp nhận mất tiền đầu tư…

 

Không. Điều quan trọng là các công ty chúng tôi đầu tư vào phải làm ăn có lãi. Nếu muốn tiếp tục tăng trưởng, họ phải tạo ra được lợi nhuận. Không phải tất cả các khoản đầu tư đều mang lại kết quả tốt. Nhưng khi đầu tư, chúng tôi mong muốn thu được lãi từ đồng vốn mình bỏ ra.

 

Chúng tôi muốn có lãi giống như các nhà đầu tư khác khi bỏ tiền vào doanh nghiệp. Lãi suất của các khoản cho vay của IFC cũng được tính theo giá thị trường.

 

Ông có gặp trở nào không, khi hoạt động ở Việt Nam ?

 

Hiện nay, thách thức chính và lớn nhất rõ ràng là tình hình kinh tế vĩ mô; lãi suất cho vay đã quá cao. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp và ngân hàng.

 

Một trong những thách thức khác là cơ sở hạ tầng yếu kém. Nguồn cung ứng điện hiện rất quan trọng và cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo nguồn cung ứng này. Cơ sở hạ tầng giao thông cũng cần phải được đầu tư nhiều hơn. Việt Nam đã xây dựng được thêm một số cảng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phụ trợ như đường dẫn vào cảng và kho chứa hàng vẫn chưa được xây dựng. Tôi rất phấn khởi khi thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các thách thức này. Và chúng cũng đã được bàn luận công khai. Vì vậy tôi lạc quan về viễn cảnh tương lai của Việt Nam .

 

Việt Nam đã có thành tích tốt về cải cách và tăng trưởng. Dễ thấy rằng các công ty sản xuất nước ngoài vẫn rất quan tâm, muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam . Khi các công ty này bắt đầu lập nhà máy, các doanh nghiệp cũng khác sẽ nhảy vào đây, tạo ra chuỗi cung ứng ở xung quanh các nhà máy này. Theo tôi, trong vòng 3 năm tới Việt Nam sẽ là một nơi thu hút nhiều công ty đến lập nhà máy.

 

Bước đi kế tiếp của IFC ở Việt Nam là gì?

 

Trong vòng 2 năm tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, giúp các ngân hàng mở rộng danh mục sản phẩm của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam .

 

Các nhà doanh nghiệp Việt Nam rất thông minh, lanh lợi và giỏi kinh doanh. Hiện nay, đội ngũ này còn nhỏ nhưng chúng tôi nhận thấy các tập đoàn tư nhân hùng mạnh đã bắt đầu được hình thành.