Ông Tay Han Chong

Ông Tay Han Chong

Khó nhận diện khách hàng vay vốn

(ĐTCK) Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank (MDB) cho rằng, cái khó trong cho vay hiện nay mà các ngân hàng đang phải đối mặt là nhận diện được khách hàng vay tốt và hiểu được khả năng trả nợ của họ.

Vì thế, kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ phải luôn đi cùng với chất lượng tín dụng và khả năng thanh khoản.

Theo ông, thách thức và cơ hội đối với hoạt động ngân hàng trong năm nay là gì?

Đối với hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay, điều cần nhất là phải có sự minh bạch và quản lý một cách chặt chẽ đối với các khoản nợ xấu. Trên thị trường, nhiều ngân hàng đã phải chịu ảnh hưởng do việc thiếu vốn và thanh khoản yếu. Nhưng không phải ngân hàng nào cũng gặp phải tình trạng như vậy, vẫn có một số ngân hàng có nội lực vững mạnh và kiểm soát tốt thanh khoản. Do đó, theo tôi, đây sẽ là cơ hội để những ngân hàng này phát triển trong năm 2013.

 

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ở mức 12%, theo ông, liệu có hạn chế các ngân hàng trong phát triển tín dụng so với năm trước?

Thật ra, tôi không nghĩ điều này sẽ kìm hãm các ngân hàng thương mại trong việc phát triển cho vay. Mức tăng trưởng tín dụng này là nhất quán với tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến là trên 5%. Ngoài ra, giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức 12% cũng đã cao hơn so với thực tế đạt được của năm 2012 là 8%.

 

Theo ông, cái khó trong hoạt động cho vay của ngân hàng hiện nay là gì?

Cái khó trong hoạt động cho vay hiện nay mà các ngân hàng đang phải đối mặt là nhận diện được khách hàng vay tốt và hiểu được khả năng trả nợ của họ. Bởi vì, với tình hình hiện nay, một số doanh nghiệp và ngành công nghiệp đang lâm vào tình trạng căng thẳng, đòi hỏi các ngân hàng cần cẩn trọng về chất lượng của các khoản vay. Nếu không, những khoản vay này có thể làm trầm trọng hơn những vấn đề hiện tại là tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Do đó, mức độ tăng trưởng tín dụng cần phải nhất quán với chất lượng tín dụng. Đối với MeKong Bank, chính sách hiện tại của chúng tôi đã được nghiên cứu và điều chỉnh để phù hợp nhất với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra.

Xu hướng lãi suất cho vay trong năm nay sẽ như thế nào? Liệu lãi suất cho vay có giảm xuống mức 9 - 10%/năm như kỳ vọng của các doanh nghiệp?

Tôi cho rằng, lãi suất sẽ được giữ ổn định trong suốt năm 2013, miễn là tình hình lạm phát không tăng vọt lên cao hơn mục tiêu kỳ vọng. Hiện tại, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với các năm trước và có thể hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp.

 

Để có thể xử lý được nợ xấu, theo ông, các ngân hàng thương mại nên làm gì?

Thứ nhất là tiêu chí thẩm định tín dụng cần phải được xem lại để quản lý tỷ lệ nợ xấu cho các khoản vay mới. Đã có những ý kiến trái chiều về các khó khăn của ngân hàng từ tỷ lệ nợ xấu cao, nhưng lãi suất cho vay vẫn quá cao. Song về cơ bản, ngân hàng phải định giá khoản vay của họ theo các rủi ro tương ứng (tỷ lệ nợ xấu, những khoản lỗ có khả năng gặp phải...). Nếu không, ngân hàng sẽ phải chịu hậu quả từ tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Hơn nữa, chúng ta cũng cần xem xét sử dụng công cụ có thể giúp ngành ngân hàng nói chung là Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Nhiều nước đã ban hành luật, quy định việc cung cấp thông tin minh bạch và sự đệ trình kịp thời. Điều này có thể giúp ngân hàng có đầy đủ thông tin, từ đó thẩm định chất lượng tín dụng và đưa ra mức vay phù hợp.

Khó nhận diện khách hàng vay vốn ảnh 1

Lãi suất được dự báo sẽ ổn định trong năm 2013

Thứ hai là cách định giá tài sản thế chấp phải chính xác. Nếu có sự khác biệt quá lớn trong các cách định giá này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định các khoản vay.

Thứ ba là yêu cầu kiểm soát được nợ xấu ở mức 3% hiện nay cần phải linh hoạt hơn, vì mỗi ngân hàng khác nhau sẽ có hồ sơ tín dụng khác nhau. Chẳng hạn, đối với các ngân hàng bán lẻ thì sẽ có nợ xấu cao hơn so với các ngân hàng tập trung vào phân khúc khác, nhưng không vì thế mà đánh giá ngân hàng này hoạt động kém. Vì vậy, theo tôi, những ngân hàng khác nhau có thể sẽ có những mức nợ xấu khác nhau, tương ứng với đặc thù và định hướng kinh doanh của ngân hàng đó.

Ngoài ra, cũng nên xem xét đến khả năng được phép xóa các khoản nợ xấu sớm hơn so với quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là với vay tín chấp, thời hạn vay ngắn hơn 24 tháng, sẽ phần nào giải quyết được những khó khăn hiện tại.