Tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu dịch vụ hậu cần là một điểm yếu quan trọng hiện nay của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu dịch vụ hậu cần là một điểm yếu quan trọng hiện nay của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Khơi thông năng lực cảng biển

(ĐTCK) Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển và đường giao thông nối cảng biển với các khu công nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài liên tiếp thúc giục các cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết nhanh vấn đề này.

"Nhu cầu vận chuyển container ngày càng tăng đặt ra thách thức với năng lực bến bãi, cảng biển Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng và sẽ hạn chế đầu tư trong tương lai nếu như không được giải quyết một cách toàn diện", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany nói và cho biết, một số dự án hỗ trợ các cảng container như luồng dẫn nước sâu và hệ thống đường giao thông nối với các cảng cũng chưa được đầu tư đầy đủ.

Nhiều nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ cũng cho rằng, tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu dịch vụ hậu cần là một điểm yếu quan trọng hiện nay của hệ thống cảng biển Việt Nam. Và vấn đề này cũng được Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ (Amcham) đề cập nhiều lần trong các cuộc họp của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

"Chúng tôi xin lưu ý rằng, Việt Nam vẫn thiếu hạ tầng cơ sở quan trọng, đặc biệt là điện năng, cảng biển và công trình hạ tầng cơ sở liền kề với cảng biển như đường sá và cầu", ông Thomas Siebert, Chủ tịch Amcham nhắc lại tại cuộc đối thoại giữa các nhà đầu tư nước ngoài và đại diện Chính phủ Việt Nam mới đây. Theo Amcham, những thiếu thốn về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam sẽ đe dọa dòng vốn FDI hiện tại và tương lai đầu tư vào xuất khẩu và công nghiệp.

Theo ông Barry Akbar, thuộc Tiểu ban cảng biển của VBF, Quốc lộ 51 là cửa ngõ chính của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng không đủ khả năng để đảm bảo thông suốt cho giao thông đường bộ ngày càng tăng và hiện thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn. Ông Barry Akbar đề xuất, mở rộng dự án Quốc lộ 51, nối Biên Hòa với Vũng Tàu và đáp ứng lưu lượng giao thông xe container ngày càng tăng, cần mở thêm đường nhánh huyết mạch cho tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng như đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối liền các khu công nghiệp chính ở Đồng Nai với các cảng nước sâu.

Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Ngọc Huệ cho biết, kế hoạch tổng thể phát triển cảng biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2009. Theo kế hoạch này, sẽ hình thành nhóm cảng biển hiện đại nhất Việt Nam tại khu vực sông Thị Vải, góp phần thúc đẩy kinh tế tại khu vực phía Nam và cả nước. "Quốc lộ 51 còn phải chịu thêm nhiều áp lực vì sẽ có hàng trăm ngàn tấn hàng hóa được vận chuyển theo tuyến này. Do vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đã chuẩn bị triển khai dự án mở rộng Quốc lộ 51, chiều dài 72 km thành 6 làn xe với số vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng và dự kiến bắt đầu vào quý IV/2009", ông Huệ cho biết. Dự kiến, dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng sẽ được khởi công vào quý III/2009 và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2011, với quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Ngoài ra, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng sẽ sớm khởi công Khu cảng Lạch Huyện, khu chính của cảng Hải Phòng để có thể tiếp nhận tàu có sức chở 4.000 - 6.000 TEU, trọng tải 50.000 - 80.000 DWT…

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, năm 2008 lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 196,58 triệu tấn, hàng container là 5.023 triệu TEU. Theo kế hoạch thì từ nay đến năm 2015, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tập trung đầu tư phát triển các cảng và luồng vào cảng như: Hải Phòng (trọng điểm là cửa Lạch Huyện), Cái Mép - Thị Vải, cảng TP. HCM theo sông Soài Rạp, cảng Cần Thơ theo sông Hậu; xây dựng các bến cảng tổng hợp, container tại khu Cái Mép - Thị Vải, khu Hiệp Phước; các cảng tiếp nhận than phục vụ nhà máy nhiệt điện…