Không có lý gì để ngân hàng đi ngược lại lợi ích chung

(ĐTCK-online) Ý kiến của bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Theo ghi nhận của NHNN thì lượng tiền cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng chỉ hơn 10.000 tỷ đồng, so với tổng dư nợ của cả hệ thống thì con số này rất nhỏ bé. Trong tuần qua, tôi có trao đổi với một số ngân hàng thành viên về khả năng họ buộc phải giải chấp cổ phiếu. Thông tin thu nhận được cho thấy, bản thân các ngân hàng cũng không muốn giải chấp, vì họ cũng có đầu tư tài chính, làm như vậy là kéo giá xuống và chính họ cũng bị thiệt hại.

Theo chủ trương của NHNN, các ngân hàng quốc doanh sẽ ngưng giải chấp cổ phiếu, đồng thời yêu cầu Hiệp hội vận động kêu gọi ngân hàng cổ phần ủng hộ chủ trương này. Cơ sở để các ngân hàng có thể thực hiện là vốn khả dụng trên toàn hệ thống đang tiến triển khả quan, đạt hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó một lượng khá lớn ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một cơ sở nữa để chúng tôi vận động là Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hỗ trợ cho những ngân hàng nhỏ, nếu thiếu thanh khoản tạm thời sẽ được vay vốn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất 9%/năm. Đây là giải pháp rất quan trọng, vì ngân hàng có thể tiếp tục cho nhà đầu tư cầm cố, lãi suất chênh lệch là khá lớn. Ngân hàng cũng là những nhà kinh doanh, trong trường hợp còn lối ra, tôi tin họ không ép khách hàng.

Vai trò của Hiệp hội là tạo ra sự đồng thuận, nhất trí giữa các thành viên nhằm đảm bảo lợi ích chung, chứ không thể ép buộc các thành viên thực hiện. Nhưng khi ở chung một con thuyền thì việc một thành viên hành động khác mọi người cũng là việc không ai mong muốn. Hơn nữa, Chính phủ và NHNN đã "bật đèn xanh", nếu ngân hàng nào gặp khó khăn thì đã có hướng hỗ trợ, vậy không có lý gì để ngân hàng đó đi ngược lại lợi ích chung, nhất là khi cho vay kinh doanh chứng khoán chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.