Với nhiều nhà đầu tư lúc này, niềm tin đã phần nào ra đi...

Với nhiều nhà đầu tư lúc này, niềm tin đã phần nào ra đi...

Kích cầu chờ liều thuốc cụ thể

(ĐTCK-online) Trái với dự đoán của nhiều người rằng, thị trường sẽ xanh trở lại sau khi một phần thông tin kích cầu được UBCK và NHNN chia sẻ. Tuy nhiên, những thông tin chung chung vẫn chưa thực sự là liều thuốc đủ mạnh để kéo lại sức khỏe cho thị trường. Hai phiên liên tiếp VN-Index mất tới trên 40 điểm, với nhiều NĐT lúc này, niềm tin đã phần nào ra đi.

Giãn thời điểm thu thuế chứng khoán là giải pháp đầu tiên tung ra nhằm giải tỏa tâm lý nặng nề bao lâu nay cho giới đầu tư, song thời điểm nào thuế bắt đầu áp dụng lại là câu hỏi lơ lửng treo trên đầu. Mà người nào tinh ý đọc ra lại thấy Quyết định trên vẫn để ngỏ khả năng thuế áp theo đúng lộ trình thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân là từ 1/1/2009. Cụ thể, đây chỉ là văn bản của Chính phủ đồng ý chưa ban hành Nghị định về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán của NĐT cá nhân (kế hoạch ban hành nghị định này được đưa ra khi thị trường đang nóng) và điều này có nghĩa chưa thu thuế chuyển nhượng chứng khoán trong năm 2008 (chứ không phải giãn thu thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa được Quốc hội thông qua). Một năm là quãng thời gian không dài và nếu ai cũng có chung tâm lý sẽ rút bớt vốn khỏi thị trường trước thời điểm thuế áp dụng, thử hỏi thị trường có cách nào để đi lên?

Một giải pháp nữa được chờ đợi nhằm khai thông vốn cho NĐT là gỡ nút thắt Chỉ thị 03, song thông tin không mấy cụ thể. Trong cuộc tiếp xúc với giới báo chí đầu tiên trên cương vị người đứng đầu NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chỉ nói chung chung rằng, nhiều ngân hàng cổ phần đã hoàn thành tốt quy định đưa dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán về 3%, có ngân hàng giảm được dư nợ tới 4.000 tỷ đồng và hiện NHNN đang xem xét lại Chỉ thị 03 theo hướng tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán, song vẫn kiểm soát chặt chẽ. Nhưng xem xét lại Chỉ thị 03 theo hướng nào? Nâng hạn mức lên 5-7% hay kiểm soát theo khả năng quản trị rủi ro của từng ngân hàng vẫn bỏ ngỏ.

Một trong những điểm mà dư luận quan tâm nhất hiện nay là tình trạng khan hiếm VND dẫn tới sự “ùn tắc” nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào chứng khoán, nhưng hiện chưa có định hướng lối ra. Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường UBCK cho biết, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ và NHNN có các giải pháp để mua thêm lượng ngoại tệ đang nằm tại các NHTM nhằm tăng lượng VND lên. UBCK cũng đề nghị NHNN đẩy nhanh mua lượng ngoại tệ này theo yêu cầu của Chính phủ cũng như sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở. Một trong những giải pháp dễ thực hiện nhất là nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá VNĐ/USD, song Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lại cho rằng, không phải cứ cung nhiều là mua vào, mà phải tìm cách hấp thụ sao cho có lợi nhất đối với nền kinh tế. Cũng liên quan đến chính sách tiền tệ, ông Giàu cho biết, các giải pháp điều hành trong năm 2008 đang trình Chính phủ và khó nói cụ thể trước khi được phê duyệt. Liệu có phải do quan ngại lạm phát, cung tiền nên Ngân hàng Nhà nước hạn chế mua vào, dẫn tới “ùn tắc” vốn ngoại hiện nay? Câu trả lời trên cũng chưa được giải đáp, dù Thống đốc cho biết năm vừa qua, NHNN chưa sử dụng hết chỉ tiêu cung ứng tiền ra lưu thông do Thủ tướng phê duyệt.

Tín hiệu khả quan nhất và có vẻ dễ thực hiện nhất là giãn cung ra thị trường. Ông Giàu khẳng định, thời điểm tiến hành IPO các ngân hàng quốc doanh sẽ được tính toán vào lúc thị trường thuận lợi, nhằm đem lại lợi ích cao hơn cho Chính phủ và bản thân ngân hàng. Nhưng tính toán như thế nào và căn cứ nào để tính toán được thời điểm IPO hợp lý thì thị trường hiện không được biết.

Cũng chính vì giải pháp và đơn thuốc còn chung chung như vậy, nên rất nhiều NĐT lớn thực hiện chiến thuật án binh bất động. Nhà đầu tư nhỏ, trong tháng qua đã vài lần mắc bẫy (bull-trap), thị trường xanh một chút mua vào và ngay sau đó rơi xuống mức sâu hơn. “Quá tam ba bận”, đến lúc này thông tin về chính sách có tích cực, NĐT cũng sợ chưa dám mua vào.

Ở một góc độ khác có thể thấy, để TTCK không rơi vào tình trạng ảm đạm, Nhà nước cần có chính sách hạn chế đầu cơ bất động sản, hướng luồng vốn vào sản xuất kinh doanh. Mới đây Thủ tướng cũng đã có chỉ thị các bộ ngành địa phương nghiên cứu trình giải pháp hạ nhiệt thị trường BĐS, nhưng xem chừng để giải pháp đến với thị trường còn cần nhiều thời gian.

Điều hành một TTCK quá nóng, mới, luôn có những vấn đề phát sinh là một việc cực khó và các cơ quan quản lý. Hơn nữa, nếu chỉ nhìn và thấy TTCK là nơi tập hợp của những người giàu có, thu lãi tiền tỷ từ chứng khoán thì quả thật là quá phiến diện. Đến lúc này thực tế đang cho thấy những hạn chế từ cơ quan quản lý Nhà nước khi tung ra các biện pháp theo sau diễn biến thị trường. Còn một liều thuốc nữa đang được thị trường chờ đợi là mở room cho nhà ĐTNN, nhưng không ít chuyên gia và cả CTCK đều cho rằng, đây chỉ là giải pháp tâm lý và có tác dụng trong ngày một, ngày hai. Sắp tới Bộ Tài chính, NHNN và UBCKNN sẽ tiếp tục tìm ra những biện pháp để TTCK phát triển ổn định hơn. Tuy nhiên, những quyết sách mang tính định hướng chung chung, chạy theo diễn biến thị trường mà không tính toán nhiều chiều có thể có tác dụng “cắt cơn” trong ngắn hạn và rất dễ làm thị trường “nhờn thuốc”.

                                                                                       Phong Lan

Tin liên quan:

>> Quyền điều hành thị trường

>> Các giải pháp mới chỉ giải quyết phần ngọn