Kinh doanh là văn hóa

(ĐTCK) Văn hóa DN giống như cốt cách, tinh thần của mỗi cá nhân, để biến ước vọng của người lãnh đạo thành hiện thực.

Dẫu vậy, vẫn có một niềm tin, một mong đợi, những nét đẹp văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân sẽ được khơi dậy, được lan tỏa và ghi nhận trong tương lai không xa tại Việt Nam.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico

Theo tôi, văn hóa doanh nhân tại Việt Nam là có, nhưng còn mờ nhạt. Khi đã mờ nhạt thì tốt nhất chúng ta coi như đang ở điểm xuất phát để cùng xây dựng tốt hơn. Với đại đa số doanh nhân, trên thương trường, mục tiêu hàng đầu là lợi ích. Vài năm trước, môi trường kinh doanh thuận lợi nên những tồn tại bị che lấp, nhưng khi công việc kinh doanh gặp khó khăn, những chỗ hổng phô bày ngày một lớn.

Phải nhấn mạnh là không có văn hóa nào được xây dựng trên nền tảng phi pháp. Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật quá rối ren như hiện nay, rất khó để phát triển văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp. Người lật lọng có thể lật lọng bất cứ lúc nào và người lật lọng với người tôn trọng cam kết không khác nhau về chế tài, ranh giới, nên dẫn đến tư tưởng thà lật lọng còn hơn. Bên cạnh đó, với những tồn tại của một cơ chế quản lý còn rất cồng kềnh và ỳ trệ như hiện nay, rất khó để mà sớm xây dựng được môi trường văn hóa doanh nhân tốt đẹp. Rõ ràng, nếu không có môi trường về mặt pháp lý, quản lý kinh tế tốt thì khó có thể có văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân tốt đẹp.

Việc xây dựng văn hóa cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, vì thế, cần có sự tổng hòa yếu tố từ cả phía doanh nhân và Nhà nước, chứ không đơn giản là câu chuyện của mỗi cá nhân, hay mỗi tổ chức tự quản nào.

 

Nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân

 

Kinh doanh là văn hóa  ảnh 2

Nói đến văn hóa thì đó là thứ vô hình, đã là vô hình thì không thể nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận được. Trong năm vừa qua, tuy khó khăn, nhưng nhiều DN vẫn vượt qua, cho thấy văn hóa vô hình có vai trò quan trọng và đang lớn dần lên theo sự gia tăng vật chất.

Văn hóa vô hình đó mới là cái mãi mãi, dù không thấy được. Một việc ấn tượng mà các doanh nhân đã làm năm 2012 là tập hợp nhau lại, tổ chức ra mắt Văn phòng đại diện Trung tâm Văn hóa DN tại TP. HCM. Đó là việc làm hết sức ý nghĩa khi các DN trong khó khăn đã biết liên kết nhau, tựa vào nhau, đoàn kết thành sức mạnh để vượt qua “mắt bão”. Khó khăn như lửa thử vàng càng làm nổi rõ bản chất, tinh thần của doanh nhân.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng chúng ta vẫn còn trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nhân, nên chưa có, chưa bộc lộ được bản sắc rõ nét và riêng biệt. Tôi hy vọng cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nhân, những nét lớn trong văn hóa doanh nhân sẽ dần hình thành và có bản sắc riêng của nó.

Theo cách hiểu chung nhất, doanh nhân văn hóa là người có tâm, tài, trí, dũng. Có tâm thì có đức, doanh nhân có đức thì không làm hàng giả, không trốn thuế, không gây ô nhiễm môi trường, không phun thuốc vào rau hoa quả, đưa chất độc vào thức ăn… Có tài thì có tầm, có kế hoạch lâu dài, làm được việc lớn, xây dựng chiến lược dài hạn, mà không kinh doanh manh mún chụp giật, chỉ toan tính lợi ích trước mắt. Có trí thì có lực, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Có dũng thì có khí, tức là khí phách làm nên một doanh nhân. Nếu anh nào đi ngược một trong bốn tiêu chuẩn trên thì không thể coi là doanh nhân có văn hóa.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc

 

Văn hóa doanh nhân là gì và liệu nó giúp gì cho DN vượt qua khó khăn không? Có hàng trăm cách định nghĩa văn hóa, nhưng có một cách định nghĩa dễ hiểu nhất mà cũng là tương đối chính xác nhất.

Văn hóa là ứng xử của con người, trước hết giữa con người với con người và rộng lớn hơn là giữa con người với xã hội.

Đối tượng quan trọng trong đời sống con người là chính con người, từ người gần gũi nhất trong gia đình cho đến nhân loại. Hãy nhớ một nguyên lý giáo dục cổ điển của Nho giáo: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Con người trước hết phải đào luyện chính mình và thử thách đầu tiên là ứng xử đối với người thân trong gia đình, rộng lớn hơn là quốc gia và rồi mới vươn tới thế giới cao xa hơn. Đời sống kinh doanh cũng vậy. Đầu tiên là ứng xử với những người lao động, những người cùng mình tạo ra lợi nhuận, đến ứng xử với đối tác, khách hàng và xa hơn là nghĩa vụ đối với xã hội, với nhân loại.

Cách đây gần một thế kỷ, khi xuất hiện tầng lớp doanh nhân đầu tiên trong xã hội thuộc địa cũ với sự khích lệ của những trí sĩ duy tân đầu thế kỷ 20, với đạo làm giàu mà chúng ta thường gắn với tên tuổi lớp người đầu tiên như cụ Cử Lương Văn Can. Ngay từ hồi đó, các cụ đã cảnh báo hạn chế, tệ hại của những người không ý thức được kinh doanh là một văn hóa, doanh nhân là một con người có văn hóa.

Nhớ lại điều cụ phê phán tầng lớp doanh nhân nhỏ bé hồi đó có nhiều hạn chế, như doanh nhân người Việt nhưng sính đồ ngoai, không chịu học ngoại ngữ, tiêu pha phí phạm, xài sang… Đến giờ còn nguyên giá trị. Doanh nhân ngày nay chịu học hơn, tiếp cận nhiều kỹ năng mới mẻ, thế giới mạng, công nghệ hiện đại, lựa chọn cho mình giá trị văn hóa tinh thần để phấn đấu. Tôi gặp nhiều doanh nhân quan tâm đến giá trị đó, đến trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, trong kinh doanh, có rất nhiều mặt trái mà các doanh nhân phải ý thức rất rõ, mới có thể giữ được mình.

Trải qua một năm 2012 đầy khó khăn, những doanh nhân trụ lại được có điều kiện vươn cao, vươn xa hơn sau thử thách này. Sang năm Đinh Tỵ, năm Con Rắn – loài vật biểu trưng cho sự khôn ngoan, ứng biến nhanh nhẹn, tôi tin đó là điều khích lệ các doanh nhân tiếp tục vươn lên từ khó khăn năm trước.

Điều tôi mong muốn là mỗi doanh nhân sẽ xây dựng được chuẩn giá trị cho mình, quy về cách ứng xử giữa con người và con người, giữa con người với đất nước.

 

 

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội  

Đối với tôi, doanh nhân là nghề tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tác, bạn bè, khách hàng. Đó là người có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nên rất dễ bị đánh giá, phán xét tốt xấu. Để có xã hội văn minh, hướng tới nền kinh tế lành mạnh, doanh nhân cần có văn hóa kiểu doanh nhân: là người chủ doanh nghiệp có ứng xử phù hợp để mang lại lợi ích cho nhiều bên: khách hàng, đối tác, người lao động, cổ đông và chứng minh bằng cam kết, hành động cụ thể. Khi làm tốt nhiệm vụ này, có thể được đánh giá là ứng xử có văn hóa. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nhân luôn gắn liền với văn hóa doanh nghiệp, do tư tưởng, quan điểm của lãnh đạo có ảnh hưởng đến mọi cấp nhân sự, để tạo ra sức mạnh tập thể khi họ nhất trí, đồng lòng. Làm được như vậy thì đó là doanh nghiệp có văn hóa, có bản sắc.  Còn làm như thế nào thì mỗi doanh nghiệp có chuẩn  mực riêng, cách thức riêng, không phải cứ doanh nghiệp lớn thì có văn hóa tốt hơn doanh nghiệp nhỏ.

Văn hóa ở doanh nghiệp giống như cốt cách, tinh thần của mỗi cá nhân và nó biến ước vọng của người lãnh đạo thành hiện thực trên cơ sở năng lực thực tế cũng như thực trạng ngành nghề mà doanh nghiệp tham gia. Doanh nghiệp có thể lớn bé khác nhau nhưng đã là doanh nghiệp có văn hóa thì phải xác định mục tiêu lâu dài, từ đó xây dựng giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn… Đó là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, dài lâu.

Vậy ngoài yếu tố chủ quan là từ chính doanh nhân thì yếu tố nào có tác động quyết định đến sự thành công trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp? Tôi cho đó là môi trường kinh doanh: môi trường trong sạch, minh bạch rõ ràng sẽ quyết định văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Môi trường đó có thể còn sơ khai, bất cập, nhưng nó phải có xu hướng sửa lỗi để hoàn thiện. Nếu môi trường không minh bạch, ỳ trệ, đầy rẫy tiêu cực, thiếu tầm nhìn, không có định hướng thì rất khó phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Môi trường không tạo điều kiện thì nảy sinh tiêu cực và khi một doanh nhân phải làm những việc tiêu cực mới tồn tại được thì không ai ủng hộ văn hóa đó. Môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định văn hóa doanh nhân có đến đâu, có ở mức nào.

Với doanh nhân, từ trước đến nay vẫn có câu “Giữ chữ tín hơn vàng”. Chữ tín là hàng đầu và chính nó xây dựng nên đẳng cấp doanh nhân, một cộng đồng doanh nhân mà ai cũng trọng chữ tín thì đó chính là văn hóa. Tuy nhiên, nhìn vào cộng đồng DN hiện nay, bên cạnh nhiều gương mặt sáng thì vẫn có không ít chuyện lật lọng, lừa đảo, chối bỏ trách nhiệm, vi phạm luật pháp… Trong môi trường như vậy, hiểu thế nào là văn hóa doanh nhân?