Lâm trường quốc doanh: “Đại phẫu” tư duy quản lý

Lâm trường quốc doanh: “Đại phẫu” tư duy quản lý

Đổi mới Lâm trường quốc doanh (LTQD) không phải thời điểm hiện nay mới được đặt ra. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, trong thời điểm gần như mọi thứ đều được đặt vấn đề tái cấu trúc thì hơn lúc nào hết, LTQD cần phải hoạch định lại để thoát khỏi cái bóng bao cấp vẫn... ám ảnh nặng nề.

Dù các LTQD đã sắp xếp chuyển đổi, nhưng mô hình chưa phù hợp, chưa tạo ra động lực, để thúc đẩy DN đổi mới và phát triển (ảnh: Ươm giống cây trồng tại lâm trường Đoan Hùng)

 

Sau gần 30 năm đổi mới, các mô hình kinh tế ở nước ta cơ bản đã thoát ra khỏi tấm áo choàng bao cấp để tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Hình bóng của nền kinh tế kế hoạch tập trung dường như chỉ còn tồn tại ở các LTQD. Có điều, cái bóng này quá lớn, và phần lớn các LTQD thực sự là một gánh nặng cả về kinh tế cũng như xã hội.

 

Những “lát cắt” đáng buồn

 

Cho đến thời điểm hiện tại, gần 700 nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD) trong toàn quốc quản lý tới hơn 5 triệu ha đất nhưng hiệu quả kinh tế và đóng góp cho xã hội thì rất thấp. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT thì 1 ha đất của LTQD hiện nay chỉ đem lại 11 triệu đồng, trong khi nguồn thu trung bình từ 1 ha đất của người nông dân đã đạt khoảng 30 triệu đồng. Về thu nhập của người lao động tại các LTQD, con số còn thê thảm hơn khi mà có nơi chỉ đạt từ 400.000 đến 500.000 đồng, tức là dưới mức lương tối thiểu. Không những thế, hầu hết các LTQD đều xảy ra tình trạng quản lý sử dụng đất, rừng kém hiệu quả, đất bị lấn chiếm, rừng bị chặt phá. Theo số liệu rà soát sơ bộ thì tổng diện tích đất bị lấn chiếm lên tới 53.655,97 ha. Thực trạng tồn tại của các LTQD rõ ràng là một gánh nặng không chỉ đối với nền kinh tế, mà còn tác động xấu đến xã hội. Chính vì vậy, một cuộc “đại phẫu” để sắp xếp, đổi mới LTQD đã được Chính phủ đặt ra như một yêu cầu cấp bách từ năm 2004. Và gần 8 năm đã trôi qua... bức tranh hiện trạng các NLTQD vẫn loang lổ với những vấn đề khó khăn.

 

Không chỉ có vậy, theo ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng TƯ Đảng một thực trạng đáng báo động hơn cả: đó là, việc đất đai của các LTQD tiếp tục bị lấn chiếm với tổng diện tích lên đến gần 130 nghìn ha, tăng 76 nghìn ha so với trước chuyển đổi. Phần lớn các lâm trường chưa tiến hành đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ) đất hoàn chỉnh theo diện tích được giao, chưa thực hiện thuê đất hoặc giao đất có thu tiền; chưa tính giá đất, giá rừng vào tài sản DN. Tài nguyên rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, hiện tượng chặt phá rừng vẫn diễn ra phổ biến, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Vì thế, việc chuyển đổi LTQD còn được coi là vấn đề sống còn trong việc bảo vệ rừng và tài nguyên rừng.

 

Bắt đầu tư duy... dám quyết

 

Như bất cứ mọi cuộc đổi mới, tài chính luôn là một khó khăn hàng đầu. Rất nhiều LTQD thuộc diện phải giải thể nhưng bị âm vốn do làm ăn thua lỗ và nợ tồn đọng sau nhiều năm hoạt động cầm chừng nên... chỉ muốn phá sản chứ không dám giải thể vì hậu quả để lại quá lớn. Tuy nhiên, trong đề án sắp xếp, đổi mới, khái niệm phá sản không tồn tại nên... tạm thời bó tay.

 

Một số LTQD có tài sản lớn là vườn, rừng... có thể chuyển đổi sang mô hình cổ phần hóa, song không có căn cứ để xác định giá trị nên cũng không chuyển đổi nổi, và cũng không thể thế chấp vay vốn phát triển sản xuất.

 

 Ngoài vấn đề tài chính, những rắc rối hình thành do sự yếu kém trong quản lý cũng là một vấn đề khiến cho rất nhiều NLTQD chần chừ trong việc sắp xếp lại. Chẳng hạn Nông trường Đông Triều (Quảng Ninh) nhiều năm cho địa phương thuê đất nên bây giờ không có đánh giá hiệu quả. Nghiêm trọng hơn, nhiều nông trường bán vườn cây gắn liền với đất để trả nợ trong khi chưa có quy định hướng dẫn về việc xác định giá trị nên chắc chắn tiềm ẩn những sai sót khi bị kiểm tra, rà soát.

 

Ông Lê Văn Bách - Ban chính sách về các tổ chức quản lý rừng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN- PTNT cũng phải thừa nhận: sắp xếp, đổi mới và phát triển LTQD là khu vực yếu nhất, trì trệ nhất trong khối các DNNN thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN.

 

Chia sẻ với DĐDN đại diện lãnh đạo Cty TNHH nhà nước MTV lâm nghiệp Tiền Phong lại mong mỏi nhà nước tạo điều kiện để Cty được giao đất hoặc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để chủ động và ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của đơn vị. Qua đó, kiểm kê, đánh giá, giao vốn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn vốn để Cty có đủ nguồn lực và chủ động trong SXKD cũng như mở rộng quy mô SXKD.

 

Những vấn đề khó khăn kể trên có thể được coi là sự tồn tại của lịch sử khi mà hầu hết các LTQD từ nhiều năm nay vẫn chưa đoạn tuyệt được thói quen của thời bao cấp. Tuy nhiên, đây là những khó khăn đã được dự liệu từ rất sớm. Theo ông Đinh Quang Tuấn - Phó ban Chỉ đạo sắp xếp đổi mới và phát triển LTQD T.Ư, DN lâm nghiệp là nhóm thuộc diện khó khăn, đổi mới sau cùng trong nhóm doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Thực tế, dù các LTQD đã sắp xếp chuyển đổi, nhưng mô hình nói trên vẫn chưa phù hợp, chưa tạo ra động lực, để thúc đẩy DN đổi mới và phát triển.

 

Nói như Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hứa Đức Nhị: “Nếu chúng ta không tiến hành “đại phẫu” thì không thể tăng hiệu quả sử dụng đất đai và không thoát khỏi cái bóng của bao cấp từ các LTQD”.