Lừa đảo bằng sổ đỏ “phôi thật, nội dung giả”

Lừa đảo bằng sổ đỏ “phôi thật, nội dung giả”

(ĐTCK) Sổ đỏ “phôi thật, nội dung giả” dưới sự “mắt nhắm mắt mở” của một số cán bộ ngân hàng đã giúp các đối tượng lừa đảo rút được hơn 70 tỷ đồng từ két của 5 ngân hàng.

Lỏng lẻo quản lý phôi sổ đỏ

Ngày 14/8/2012, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan để lừa đảo chiếm đoạt 70 tỷ đồng. Theo đó, các bị cáo Lê Bá Quỳ, Phùng Văn Thúy bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố vì tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan”; 5 cán bộ ngân hàng gồm Phạm Văn Sơn, Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Thị Hồng Tú, Bùi Văn Hải, Nguyễn Văn Tiệp bị truy tố vì tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lừa đảo bằng sổ đỏ “phôi thật, nội dung giả” ảnh 1

Các đối tượng vi phạm đứng trước vành móng ngựa

Phùng Văn Thúy nguyên là cán bộ hợp đồng của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Gia Lâm, đã lấy trộm 27 phôi sổ đỏ thật, sau đó cùng Lê Bá Quỳ và đối tượng Thiện (chưa có căn cứ làm rõ) làm 21 sổ đỏ giả để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Theo cáo trạng, do có quen biết với Thúy, Quỳ đã bàn với Thúy lấy trộm phôi sổ đỏ của Phòng TN&MT huyện Gia Lâm để làm giả nội dung trên các phôi sổ đỏ, thành các sổ đỏ có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất mang tên Lê Bá Quỳ và vợ là Nguyễn Thị Lệ Thủy, rồi dùng sổ đỏ này đem thế chấp vay tiền ngân hàng và cá nhân.

Kết quả điều tra cho thấy, sở dĩ Thúy có thể dễ dàng “trộm” phôi trắng là do việc quản lý phôi sổ đỏ ở cấp cơ sở quá lỏng lẻo. Thúy làm việc tại Phòng TN &MT huyện Gia Lâm từ ngày 30/12/2004 đến 30/12/2008. Trong thời gian làm việc tại đây, Thúy được giao nhiệm vụ giúp việc cho chuyên viên thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số nhiệm vụ khác của Phòng. Việc quản lý phôi của Phòng TN&MT được giao cho các văn thư, việc cấp phát phôi cho các cán bộ của Phòng để làm sổ đỏ có sổ theo dõi cụ thể, nhưng không có biên bản bàn giao. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo đó, khi chuyển về làm cán bộ địa chính xã Yên Thường (huyện Gia Lâm), Thúy đã lấy và cầm giữ được 27 phôi trắng.

Dựa trên số phôi này, Quỳ và Thúy đã làm giả nội dung tạo thành 21 sổ đỏ giả. Quỳ cung cấp tên, địa chỉ các mảnh đất của mình (đã được cấp sổ đỏ và thế chấp ở ngân hàng) để Thúy và đối tượng Thiện kẻ vẽ sơ đồ, ghi số liệu trên máy vi tính, ký giả các chữ ký Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và làm giả các hình, dấu bằng kỹ thuật in lưới, in phun màu.

Cơ quan điều tra xác minh, từ 29/11/2004 đến 8/4/2009 Phòng TN&MT huyện Gia Lâm mua của Trung tâm Kỹ thuật công nghệ Địa chính thuộc Cục Đăng ký - Thống kê (Bộ TN&MT) 36.000 phôi sổ đỏ, sử dụng 29.962 phôi, bị hỏng 5.530 phôi, bị mất 27 phôi.

 

… đến lỗ hổng từ phía ngân hàng

Để hợp thức hồ sơ vay tiền ngân hàng, Quỳ đã thành lập 4 công ty gồm: Công ty TNHH My Quý, CTCP Quỳ Leather, Công ty TNHH MTV Thủy’s Ceramics, Công ty TNHH Lê Thanh Thanh. Quỳ làm giám đốc Công ty My Quý; các công ty còn lại, Quỳ thuê người làm giám đốc và kế toán, nhưng đều phải tuân theo chỉ đạo của Quỳ. Dựa vào 4 pháp nhân này và các sổ đỏ giả, Quỳ đã vay được 70,3 tỷ đồng từ 5 ngân hàng gồm:

Tại Agribank - Chi nhánh Gia Lâm, Quỳ dùng 11 sổ đỏ thế chấp vay hơn 24 tỷ đồng, trong đó có 2 sổ đỏ giả dùng để thế chấp vay rồi chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng.

Agribank - Chi nhánh Cầu Giấy cho Quỳ vay tổng cộng 34,9 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 6 sổ đỏ, trong đó có 3 sổ giả dùng để vay 9,8 tỷ đồng.

Vietinbank - Chi nhánh Đông Anh cho Công ty Thủy’s Ceramics vay 6,7 tỷ đồng, tài sản thế chấp là một sổ đỏ giả. Sau khi bị khởi tố, công ty này đã trả hết nợ gốc và lãi vay.

Techcombank - Chi nhánh Đông Đô cho vay 13,2 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 4 sổ đỏ giả.

PGBank - Chi nhánh Hà Nội cho vay 19,8 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 6 sổ đỏ, trong đó có 3 sổ đỏ giả thế chấp vay 15,5 tỷ đồng

Seabank - Chi nhánh Láng Hạ cho vay 11 tỷ đồng (Quỳ đã trả 4 tỷ đồng), tài sản thế chấp là 4 sổ đỏ giả.

Chỉ đến khi cơ quan công an điều tra làm rõ và thông báo, các ngân hàng mới biết là đã nhận thế chấp sổ đỏ giả. Trong các ngân hàng, chỉ có Vietinbank - Chi nhánh Đông Anh may mắn thu hồi được nợ gốc và lãi, các ngân hàng còn lại bị chiếm đoạt tổng cộng 59,6 tỷ đồng.

Điều tra của cơ quan công an cho thấy, sổ đỏ giả làm từ phôi thật nên cán bộ tín dụng không phát hiện ra. Hơn nữa, các sổ đỏ này đều làm trên mảnh đất có thật và thuộc sở hữu của Quỳ. Tuy nhiên, nguyên nhân này chỉ là một phần. Hồ sơ vay vốn của DN không chỉ đơn giản cứ thế chấp sổ đỏ là xong.

Trong số 4 pháp nhân mà Quỳ thành lập, chỉ có Công ty My Quý là có hoạt động kinh doanh; 3 công ty còn lại không sản xuất - kinh doanh, có đăng ký mã số thuế nhưng chưa mua hóa đơn GTGT lần nào. Quỳ dùng 4 công ty này để ký khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu với nhau, làm giả báo cáo tài chính, tờ khai thuế GTGT, quyết toán thuế GTGT… Khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, cán bộ tín dụng của 5 ngân hàng nói trên đã không thẩm định kỹ hồ sơ, kiểm tra hoạt động thực tế của DN.

Chẳng hạn như Phạm Văn Sơn, cán bộ tín dụng của Agribank - Chi nhánh Gia Lâm đã xếp Công ty Quỳ Leather vào nhóm A - được ưu đãi khi vay vốn (lãi suất thấp và chỉ cần một phần tài sản đảm bảo), dù rằng công ty này mới thành lập được 1 tháng và Sơn cũng không đi kiểm tra thực tế hoạt động của DN. Bùi Văn Hải, cán bộ tín dụng PGBank - Chi nhánh Hà Nội đã không thẩm định cụ thể hồ sơ, không kiểm tra tài sản thế chấp mà vẫn báo cáo thẩm định đề xuất cho vay. Các cán bộ tín dụng khác như Tú, Tiệp… đều mắc lỗi trong việc thẩm định hồ sơ.

Đáng chú ý là việc bỏ sót, làm sai quy trình nghiệp vụ đăng ký giao dịch đảm bảo. Đối với các tài sản thế chấp, theo quy định, các ngân hàng phải làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo. Nếu các cán bộ ngân hàng tuân thủ đúng, đủ các quy định của ngân hàng về đăng ký giao dịch đảm bảo, thì các sổ đỏ giả nêu trên sẽ sớm bị Phòng TN&MT phát hiện hoặc ít nhất cũng phát hiện việc các đối tượng sử dụng sổ đỏ để thế chấp nhiều lần. Tuy nhiên, các cán bộ ngân hàng đã không tuân thủ.

Chẳng hạn, Nguyễn Thị Hồng Tú, Phó phòng giao dịch Giảng Võ - Techcombank Đông Đô, kiêm cán bộ tín dụng tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất cho vay đã giao luôn cho Quỳ đi đăng ký giao dịch đảm bảo tại Văn phòng đăng ký nhà đất huyện Gia Lâm. Thậm chí, Tú đi cùng Quỳ xong lại giao cho Quỳ vào thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo, mà không vào cùng. Nguyễn Phú Cường, cán bộ hỗ trợ tín dụng PGbank - Chi nhánh Hà Nội được giao nhiệm vụ đến Phòng TN&MT huyện Gia Lâm để xác minh 3 sổ đỏ, nhưng Cường không trực tiếp làm, mà lại giao luôn cho Quỳ làm. Do đó, Quỳ có cơ hội làm giả giao dịch đảm bảo để lừa tiền ngân hàng.

Bị cáo Lê Bá Quỳ đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án tù chung thân, Phùng Văn Thúy án tù 21 năm. Nhóm 5 cán bộ ngân hàng nhận bản án từ 30 - 36 tháng tù treo.