Tốc độ chuyển đổi sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân cho thấy thực trạng chậm trễ đáng lo ngại

Tốc độ chuyển đổi sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân cho thấy thực trạng chậm trễ đáng lo ngại

Mờ nhạt vai trò doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Báo cáo “Thay đổi cảm nhận về thị trường và nhà nước của người Việt Nam năm 2014” (CAMS 2014) do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ khá thấp về vai trò, mức độ đóng góp đối với nền kinh tế cũng như tốc độ chuyển đổi cải cách và sở hữu của DNNN.

Qua đó, hình ảnh “vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế Việt Nam của khu vực DNNN đang ngày càng mờ nhạt trong con mắt của người dân và xã hội nói chung. 

Kết quả đánh giá về loại hình sở hữu ưu việt trong khu vực DN của CAMS 2014 cho thấy, có 71% người trả lời cho rằng sở hữu tư nhân của DN ưu việt hơn bất kỳ loại hình sở hữu nào khác, tăng so với mức 69% trong khảo sát tương tự năm 2011.

Trong khi đó, tỷ lệ người trả lời ủng hộ sở hữu nhà nước trong khu vực DN đã giảm mạnh, từ 13% năm 2011 còn 4% trong CAMS 2014.

Cũng theo kết quả khảo sát, tất cả các nhóm đều ủng hộ sở hữu tư nhân và cao hơn rất nhiều so với số ủng hộ sở hữu nhà nước trong khu vực DN. Dù có sự khác biệt giữa các nhóm nghề nghiệp, nhưng ở nhóm thấp nhất thì tỷ lệ ủng hộ loại hình sở hữu tư nhân trong khu vực DN là các đại sứ quán và tổ chức nước ngoài cũng lên tới 58%.

Đặc biệt, tỷ lệ ủng hộ loại hình sở hữu tư nhân là ưu việt nhất trong khu vực DN từ UBND và các sở ngành cấp tỉnh rất cao, lên tới 73%, DN dân doanh 72%, cơ quan báo chí 71%, DN FDI 71% và các cơ quan Quốc hội 73%.

Ngược lại, những người ủng hộ sở hữu nhà nước trong khu vực DN cao nhất cũng không vượt quá 9% trong mỗi nhóm, ngay bản thân nhóm DNNN là nhóm “tự” ủng hộ cao nhất vai trò của mình cũng chỉ đạt tỷ lệ 9%.

Điều này cho thấy, mức độ ủng hộ sở hữu nhà nước trong DN và sâu xa hơn là vai trò của Nhà nước trong DN đã và đang có sự giảm sút, thể hiện xu hướng mong muốn giảm bớt vai trò của Nhà nước cũng như khu vực DNNN trong DN đang ngày càng gia tăng.  

Tuy nhiên, kết quả khảo sát về đánh giá tốc độ chuyển đổi sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân cho thấy một thực trạng chậm trễ đáng lo ngại. Theo kết quả khảo sát CAMS 2014, có tới 61% những người tới từ cơ quan báo chí đánh giá tốc độ chuyển đổi này là chậm/rất chậm; tiếp đến là những người đang làm việc tại các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam với tỷ lệ là 58%.

Chú ý là nếu so sánh theo dữ liệu thời gian thì tỷ lệ số người cho rằng tốc độ chuyển đổi sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân là nhanh và đạt mục tiêu kỳ vọng trong giai đoạn 5 năm từ 2009 - 2014 đã giảm đáng kể, từ 37% năm 2011 xuống chỉ còn 26% năm 2014.

Theo phân tích của nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát, kết quả này thể hiện đánh giá chung của xã hội đối với quá trình cổ phần hóa là vẫn rất chậm so với kỳ vọng và cần có biện pháp hữu hiệu cải thiện và đẩy nhanh hơn quá trình này.

Một kết quả cũng rất đáng lưu tâm là vai trò và hình ảnh chủ đạo của DNNN đối với nền kinh tế đang ngày mờ nhạt. Kết quả khảo sát của CAMS 2014 về đánh giá mức độ đóng góp chung của các DNNN lớn (các tập đoàn/tổng công ty nhà nước) vào nền kinh tế Việt Nam cho thấy, chỉ có 2% người trả lời cho biết đóng góp của các DNNN lớn là rất tích cực, 17% cho là tích cực, trong khi có tới 51% coi sự đóng góp của DNNN lớn chỉ mức trung bình, 8% đánh giá là rất tiêu cực và 21% đánh giá là khá tiêu cực.

Theo ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam, hình ảnh của các DNNN lớn trong mắt người Việt Nam đang giảm sút. Nếu năm 2011, có 29% người trả lời đánh giá đóng góp của DNNN lớn là tích cực, thì đến năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn 19%.

Xét theo nhóm nghề nghiệp, có tới 7/10 nhóm có tỷ lệ nhận định đóng góp của các DNNN lớn vào nền kinh tế là tiêu cực cao hơn lựa chọn là tích cực. Những nhóm đánh giá đóng góp của DNNN lớn vào nền kinh tế là tiêu cực nhất bao gồm những người làm việc ở các đại sứ quán nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam (58%), tổ chức nghiên cứu, giảng dạy (42%), nhóm yếu thế (41%), DN dân doanh (32%)…

Để cải thiện hiệu quả của DNNN, ông Quang cho biết, theo kết quả khảo sát, việc tăng cường các biện pháp công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh của DNNN được cho là giải pháp hiệu quả nhất. Tiếp đến, cần củng cố các quy định pháp luật liên quan tới quản trị DN và tiến hành nhiều hoạt động kiểm toán độc lập.    

Tin bài liên quan