Mở rộng cửa đón vốn ngoại

Mở rộng cửa đón vốn ngoại

(ĐTCk-online) Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng khẳng định tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN ngày 4/12 rằng, những quy định hướng dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK VN sẽ không quá chặt chẽ, mà chỉ nhằm đảm bảo cho việc quản lý được công khai, minh bạch. UBCKNN đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép thành lập công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài ngay thời điểm này, thay vì tới năm 2010 theo cam kết gia nhập WTO của VN.

Thị trường vốn là chủ đề chính được thảo luận ngay sau phiên khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp cho thấy mối quan tâm của các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Những yếu tố được giới đầu tư đánh giá cao bao gồm việc Thủ tướng thành lập Ủy ban Tư vấn chính sách tiền tệ và tài chính để nghiên cứu kỹ tác động của thị trường tới nền kinh tế và ngược lại, yêu cầu các công ty đại chúng thi hành nghĩa vụ đăng ký và áp dụng công bố thông tin công khai, tiếp tục cam kết của Chính phủ về lộ trình cổ phần hóa và đặc biệt là môi trường thuế sẽ rõ ràng hơn, sau khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được thông qua.

Các nhà đầu tư cũng bày tỏ mối quan tâm tới quá trình hình thành một thị trường trái phiếu chính phủ có quy mô, song song với một kênh cung cấp thông tin tốt hơn của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước, việc ra đời Diễn đàn Trái phiếu VN và tăng cường tính thanh khoản của thị trường thứ cấp cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp với khoản vốn ước khoảng 40 nghìn tỷ đồng huy động trong năm 2007. Song, sự phát triển của thị trường trái phiếu đang bị kìm hãm do thiếu tổ chức định mức tín nhiệm, mặc dù vai trò của các tổ chức định mức tín nhiệm trên thị trường quốc tế hiện nay đã rất rõ ràng.

Tuy nhiên, có hai vấn đề liên quan đến khung pháp lý điều tiết hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài được quan tâm. Thứ nhất, đó là quy định về nhóm các công ty quản lý quỹ và CTCK hiện diện tại VN thông qua hình thức văn phòng đại diện. Thứ hai là yêu cầu làm rõ về mức độ điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đối với tỷ lệ sở của hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết nói riêng, công ty cổ phần nói chung.

Các nhà đầu tư cũng bày tỏ quan ngại về thực trạng cấp phép ồ ạt CTCK và các định chế tài chính khác. Nếu việc cấp phép vẫn tiếp tục với tốc độ cao thì thị trường rất dễ bị ảnh hưởng, bởi các tổ chức này đang ở trong tình trạng cạnh tranh gay gắt và phải chịu sức ép rất lớn do thiếu hụt nhân sự.

Liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô, một số ý kiến cho rằng, khi VN thừa nhận vai trò của TTCK trong quá trình phát triển quốc gia, VN cần chấp nhận tác động của nó tới nền kinh tế và coi đây là một công cụ hoạch định chính sách kinh tế, cần phải nghiên cứu xem xét thấu đáo các quan hệ tác động qua lại. Một ví dụ dẫn chứng cho việc lúng túng về chính sách gần đây là sự tác động đáng kể của dòng vốn từ nước ngoài lên tỷ giá và chính sách tiền tệ.

Giải đáp mối quan tâm của nhà đầu tư, ông Vũ Bằng thừa nhận, hiện nay số lượng CTCK, công ty quản lý quỹ ra đời nhiều, gây sức ép về nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao cho bản thân các định chế tài chính; trong khi đó, Sở Giao dịch và Trung tâm Giao dịch chịu sức ép về công nghệ, đã tạo ra không ít quan ngại về quản trị, quản lý rủi ro khi thị trường khó khăn. Trước thực trạng này, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính sửa đổi quy định điều kiện thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ.

Liên quan đến việc hướng dẫn đầu tư nước ngoài trên TTCK, dự thảo Quy chế quản lý đầu tư nước ngoài đã lấy ý kiến các thành viên thị trường, các tổ chức nước ngoài, tuy nhiên Quy chế chưa được ban hành vì Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ cho phép thành lập công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài sớm hơn lộ trình trong cam kết gia nhập WTO. Với các văn phòng đại diện nước ngoài, tới đây, ngoài chức năng hỗ trợ xúc tiến hoạt động của công ty mẹ, các văn phòng có thể đặt lệnh mua bán chứng khoán thông qua CTCK hoặc ủy thác đầu tư thông qua công ty quản lý quỹ tại VN. Đề cập đến việc ban hành chính sách liên quan đến TTCK, ông Bằng khẳng định, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, sắp tới sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác để phối kết hợp giám sát, quản lý thị trường.

Mặc dù vậy, một nội dung được quan tâm nhất trong phần thảo luận lại chưa được cơ quan quản lý giải đáp, đó là room cho nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện một tổ chức đầu tư lớn cho biết, ông rất thất vọng khi thông tin này được coi là “nhạy cảm” và không có được bất kỳ tiếng nói chính thức nào từ phía cơ quan quản lý.