Việc công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu - Ảnh minh họa: Đức Thanh.

Việc công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu - Ảnh minh họa: Đức Thanh.

Một cách thoái vốn bất thường?

(ĐTCK-online) "Việc BVSC, tổ chức có liên quan đến ông Võ Hữu Tuấn, thành viên HĐQT của HSG công bố lặp đi lặp lại trong một thời gian ngắn các thông tin đăng ký bán, rồi lại chưa bán cùng một lượng cổ phiếu HSG với lý do không thuyết phục đã làm NĐT hoang mang, giảm sút lòng tin vào cổ phiếu HSG, gây tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu HSG".

Một cổ đông của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã bức xúc khi bày tỏ quan điểm về việc công bố thông tin bán hơn 400.00 cổ phiếu HSG của CTCK Bảo Việt (BVSC).

Tại ĐHCĐ bất thường của HSG diễn ra sáng ngày 3/10, 122 cổ đông nắm giữ 13,6 triệu cổ phiếu HSG, chiếm tỷ lệ 23,9% số cổ phiếu đang lưu hành của HSG, đã ký bản kiến nghị xem xét miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Võ Hữu Tuấn.

Lý do chính nhóm cổ đông này đưa ra là BVSC do ông Tuấn làm đại diện phần vốn góp ở HSG đã 7 lần công bố thông tin liên quan đến việc bán hơn 400.000 cổ phiếu HSG rồi lại không bán được trong vòng hơn 6 tháng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cổ đông nhỏ. Trong khi đó, BVSC không chỉ là cổ đông nội bộ cử đại diện tham gia vào HĐQT, Ban kiểm soát của Hoa Sen, mà còn là đơn vị tư vấn niêm yết cho tập đoàn này.

Đại diện cho nhóm cổ đông gửi đơn kiến nghị miễn nhiệm ông Tuấn, ông Bùi Quốc Cường dẫn chứng: lần 1 (ngày 30/3/2009), BVSC đăng ký bán toàn bộ 406.350 cổ phiếu HSG đang nắm giữ từ ngày 1/4 đến 29/4/2009 để tái cơ cấu danh mục.

Lần 2 (ngày 26/5/2009), BVSC công bố chưa bán 406.350 cổ phiếu HSG do mức giá chưa phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu danh mục (giá cổ phiếu HSG ngày 1/4 là 11.600 đồng/CP, ngày 29/4 là 16.100 đồng/CP).

Lần 3, cũng trong ngày 26/5/2009, BVSC lại đăng ký bán 406.350 cổ phiếu HSG đang nắm giữ từ ngày 28/5/2009 đến 21/8/2009 để tái cơ cấu danh mục.

Lần 4 (ngày 25/8/2009), công bố chưa bán 406.350 cổ phiếu HSG do mức giá thị trường chưa phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu danh mục (giá cổ phiếu HSG ngày 25/8 là 45.700 đồng/CP).

Lần 5 (ngày 27/8/2009), BVSC công bố bán 5.000 cổ phiếu HSG sửa lỗi giao dịch.

Lần 6 (ngày 11/9/2009), BVSC đăng ký bán toàn bộ 401.350 cổ phiếu từ ngày 14/9/2009 đến 10/12/2009 để tái cơ cấu danh mục theo phương thức bán thỏa thuận cho đối tác, phần cổ phiếu lẻ còn lại giao dịch trên thị trường.

Lần 7 (ngày 16/9/2009), BVSC công bố thay đổi phương thức giao dịch từ bán thỏa thuận cho đối tác, sang phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trên thị trường.

Ông Cường bày tỏ quan điểm: Việc BVSC, tổ chức có liên quan đến ông Võ Hữu Tuấn, thành viên HĐQT của HSG công bố lặp đi lặp lại trong một thời gian ngắn các thông tin đăng ký bán, rồi lại chưa bán cùng một lượng cổ phiếu HSG với lý do không thuyết phục đã làm NĐT hoang mang, giảm sút lòng tin vào cổ phiếu HSG, gây tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu HSG, nhất là thời gian vừa qua TTCK có những phiên điều chỉnh mạnh. Theo ông Cường, với tư cách là đơn vị tư vấn niêm yết cho HSG, nhưng BVSC chỉ đặt lợi ích của mình lên trên mà không tính đến lợi ích của các cổ đông khác.

So với khối lượng giao dịch bình quân của HSG trong thời gian gần đây, thì số lượng hơn 400.000 cổ phiếu HSG mà BVSC dự định bán ra không lớn, nhưng rõ ràng mỗi khi một cổ đông nội bộ, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát đăng ký bán thì đều khiến các cổ đông bình thường đặt ra câu hỏi với công ty đó. Một cổ đông sở hữu 300.000 cổ phiếu HSG nói: "Tôi chưa thấy thành viên nào công bố thông tin nhiều lần như thế chỉ để bán mấy trăm nghìn cổ phiếu".

"Chúng tôi được biết, một lần BVSC đăng ký bán cổ phiếu HSG thì có một cổ đông lớn muốn mua thỏa thuận toàn bộ cổ phiếu, không để việc bán ra của BVSC làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu HSG, nhưng BVSC đã từ chối", ông Cường cho biết.

Click để xem ảnh lớn

Bản kiến nghị của một số cổ đông về việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Tuấn

Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, trong lần BVSC công bố bán gần đây, một nhóm cổ đông đã đề nghị mua thỏa thuận toàn bộ với giá 60.000 đồng/CP để tránh ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông nhỏ lẻ, nhưng BVSC cũng không chấp thuận, trong khi giá đóng cửa cổ phiếu HSG ngày hôm đó là 60.500 đồng/CP.

Theo thông lệ trên thị trường, khi một tổ chức thoái vốn khỏi một công ty, họ thường ưu tiên giao dịch thỏa thuận để tránh ảnh hưởng đến tâm lý cổ đông. Các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp có thể phân tích đánh giá để biết bán giá nào là phù hợp. Trong trường hợp bán cổ phiếu theo hình thức khớp lệnh trên thị trường thì việc bán cũng cần khéo léo, tránh đè giá cổ phiếu xuống.

BVSC vừa là đơn vị tư vấn niêm yết, vừa có người tham gia thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của HSG, lại có bộ phận phân tích cổ phiếu, bộ phận tự doanh, nên hơn ai hết phải là đơn vị hiểu rõ tình hình và giá trị thực cổ phiếu HSG.

Việc không bán thỏa thuận giá 60.000 đồng để bán trên thị trường giá 63.000 đồng hay 64.000 đồng/CP có thể giúp BVSC tăng thêm một chút lợi nhuận từ việc bán hơn 400.000 cổ phiếu, nhưng rõ ràng đây không phải là cách thức mà các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp ưu tiên thực hiện. Các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp thường xác định giá mục tiêu và ưu tiên tìm một đối tác khác mua cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận để thoái vốn, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Lãnh đạo của một quỹ đầu tư trong nước nhận xét, thời gian qua chuyện công bố bán rồi không bán, mua rồi không mua của cổ đông nội bộ công ty niêm yết trên thị trường khá nhiều. Quyết định mua - bán của cổ đông nội bộ có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nên thông tin mua - bán của họ có thể tạo cơ hội để một nhóm NĐT khác mua vào hay bán ra cổ phiếu đó.

Còn đối với Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen không bình luận gì về vấn đề này. Tuy nhiên, HĐQT HSG đã đưa vào chương trình ĐHCĐ bất thường nội dung bãi nhiệm ông Võ Hữu Tuấn, thành viên HĐQT và ông Võ Thành Trung, thành viên Ban kiểm soát, người có liên quan BVSC để "BVSC nếu có mua bán cổ phiếu HSG sau này khỏi phải công bố thông tin". Nội dung này được ĐHCĐ thông qua với tỷ lệ 100%. Trước đó, sau khi BVSC bán hết cổ phiếu HSG, ông Tuấn và ông Trung cũng đã có đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát của Hoa Sen.

Như vậy, sau Đại hội trên, mối "lương duyên" của Bảo Việt và Hoa Sen đã kết thúc. Tuy nhiên, điều gây nhiều băn khoăn không chỉ với cổ đông HSG mà với nhiều NĐT là câu hỏi vì sao Bảo Việt - một công ty chứng khoán uy tín tại Việt Nam - lại lặp đi lặp lại thông tin bán cổ phiếu HSG như trên? Một lý giải hợp lý cho câu chuyện này là điều dư luận đang chờ đợi từ lãnh đạo công ty này.