Ngân hàng thận trọng khi đánh giá về nới room ngoại

(ĐTCK) Mặc dù tất cả đều đánh giá đây là động thái tích cực và cần thiết, nhưng các ngân hàng đều khá dè dặt khi dự báo về những chuyển động thực tế trong tương lai gần.

Nghị định số 01/2014/NĐ - CP về việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam thay thế Nghị định số 69/2007/NĐ - CP đã có hướng mở hơn đối với  trường hợp các TCTD trong diện phải thực hiện tái cơ cấu, với tỷ lệ sở hữu tối đa cho một NĐT nước ngoài được nâng lên trên 20% mà không cần phải xin ý kiến Chính phủ. Quy định này được nhìn nhận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc thu hút nguồn vốn ngoại.

Cụ thể, Nghị định số 01/2014/NĐ-CP cho phép các ngân hàng cổ phần Việt Nam được phép bán tối đa 20% cổ phần mà không cần xin ý kiến của Chính phủ. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một NĐT chiến lược nước ngoài tại TCTD vượt quá giới hạn quy định. GP.Bank được cho là sẽ đi đầu trong thực hiện chủ trương này, khi có kế hoạch bán 100% vốn cho UOB.

 GPBank với sự quan tâm của UOB được cho là sẽ hưởng lợi nhờ Nghị định 01/2014/NĐ-CP

Trao đổi với ĐTCK, ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank cho rằng, một khi đã trở thành cổ đông chiến lược, NĐT nước ngoài chắc chắn sẽ bỏ tâm huyết để cùng ngân hàng phát triển. Việc NĐT nước ngoài có thể vượt quá tỷ lệ sở hữu tối đa 20% tại một ngân hàng trong nước sẽ là cơ hội để các ngân hàng trong nước cũng sẽ thu hút được nguồn vốn để nâng cao năng lực tài chính phục vụ cho quá trình tái cơ cấu.

Cũng theo ông Tay Han Chong, trong quá trình hợp tác giữa cổ đông trong nước và cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ khó tránh khỏi những bất đồng. Tuy nhiên, nếu giải quyết được vấn đề này thì đôi bên sẽ cùng có lợi. Nếu chỉ giới hạn tỷ lệ sở hữu 20%, cổ đông nước ngoài sẽ e ngại rót vốn. Vì thế, ông Chong cho rằng, cần nâng “room” cho NĐT nước ngoài lên đến 50%.

Còn theo nhận định ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB, việc nới “room” là điều kiện cần thiết giúp các ngân hàng thu hút vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, quy định với các ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu được nâng room lên trên mức tối đa 20% (nếu cần thiết) được xem là hướng mở tốt cho các ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc. Ông Văn cho biết, sau khi tiến hành xử lý nợ xấu thông qua công cụ VAMC đến nay, nợ xấu SCB đã được kéo xuống mức an toàn 3%. Ngân hàng sẽ tính chuyện thu hút thêm vốn ngoại để đẩy mạnh tái cơ cấu. Dự kiến, trong năm nay, SCB sẽ bán cổ phần cho NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể chọn được đối tác phù hợp, trước mắt, SCB sẽ tiến hành ký hợp tác để hai bên có điều kiện cọ xát thực tế.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ 4.100 tỷ đồng và đã bán 20% cổ phần cho NĐT nước ngoài lại nhìn nhận, việc nâng room sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước thu hút thêm vốn ngoại, nhưng để thực hiện chiến lược phát triển của ngân hàng thì cần có sự nỗ lực từ cổ đông trong nước, chứ không thể trông chờ vào cổ đông chiến lược nước ngoài. Bản thân ngân hàng của ông qua một thời gian dài hợp tác với cổ đông nước ngoài cho thấy, không phải vấn đề gì cũng sẽ được cổ đông nước ngoài hỗ trợ, mà nhiều khi vẫn phải thuê tư vấn để triển khai các kế hoạch và chiến lược phát triển. Tuy nhiên, vị chủ tịch ngân hàng này cũng thừa nhận, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 20% thì khó có thể kỳ vọng nhiều hơn từ đối tác chiến lược.

Thực tế cho thấy, không ít ngân hàng trong nước đã bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, với tỷ lệ cho phép tối đa 20%, nhưng tình hình hoạt động không có chuyển biến tích cực. Chẳng hạn như Southern Bank bán 20% cổ phần cho UOB, nhưng đến nay, sau một giai đoạn dài hợp tác với đối tác ngoại, ngân hàng này vẫn nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ, yếu kém và đang từng bước phải xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho VAMC. Lợi nhuận của Southern Bank trong những năm qua đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Lý giải về vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, một khi đã hợp tác đầu tư, hai bên sẵn sàng đưa ra các chiến lược đưa ngân hàng phát triển ngày càng tốt hơn, nhưng có thể do những khác biệt về văn hóa kinh doanh, đặc biệt là do bối cảnh kinh tế khó khăn nên các đối tác chiến lược nước ngoài hầu như chưa thể hiện hết được vai trò cũng như chưa đạt được kỳ vọng so với thời điểm họ mới đặt chân vào.

Tin bài liên quan