Ngưng giải chấp cổ phiếu: Đồng thuận đến mức nào?

(ĐTCK-online) Để vực dậy TTCK, Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước và vận động các ngân hàng thương mại cổ phần ngừng giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán (mua bán có kỳ hạn). Đây được xem là một động thái hỗ trợ tích cực cho TTCK đang trong giai đoạn xuống giá.

Thực tế, giá chứng khoán giảm mạnh thời gian qua một phần là do ngân hàng bán ra các chứng khoán cầm cố khi thị giá giảm xuống dưới mức quy định nhằm thu hồi vốn, vì nhà đầu tư không có khả năng bổ sung thêm tiền ký quỹ. Theo tham khảo của ĐTCK, một số ngân hàng cổ phần lớn đang tỏ ra ủng hộ đề nghị mà NHNN đưa ra.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, trong cuộc họp ngày 25/3, Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp cho NHNN, NNNN trực tiếp chỉ đạo cho ngân hàng thương mại nhà nước và vận động ngân hàng cổ phần cùng ngưng giải chấp chứng khoán cầm cố và repo. Với Sacombank, Ngân hàng sẽ ngưng giải chấp các khoản chứng khoán cầm cố đến đã đến mức phải tất toán. Ông Thành cho rằng, biện pháp trên sẽ có ảnh hưởng tích cực từ các ngân hàng và những ngân hàng có sự quản lý chuẩn mực, chuyên nghiệp thì sẽ không xả hàng (các khoản cầm cố) trong thời điểm này.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cũng cho hay, với chủ trương này của Chính phủ, chắc chắc các ngân hàng phải làm theo. ACB sẽ ngưng giải chấp các khoản chứng khoán cầm cố đã đến mức phải tất toán. Theo ông Toại, với phương pháp kiểm soát mà ACB đặt ra ngay từ đầu trong cho vay cầm cố thì việc để xảy ra giải chấp trong giai đoạn chứng khoán đi xuống đã được hạn chế. Cụ thể, ACB chỉ cho vay các loại chứng khoán blue-chip, có tính thanh khoản cao. Đồng thời, chỉ cho nhà đầu tư vay trị giá tối đa 3 lần mệnh giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, ACB đã ngưng cho vay cầm cố chứng khoán từ sau khi Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN ra đời, nên các khoản tín dụng chứng khoán của Ngân hàng chiếm không nhiều trong tổng dư nợ.

Đợt vận động ngân hàng ngưng giải chấp cổ phiếu cầm cố lần này, theo một số chuyên gia tài chính, sẽ có tác động tích cực đối với TTCK nói chung và các cổ phiếu có tính thanh khoản cao nói riêng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu không bán chứng khoán cầm cố thì đối tượng bị thiệt chính là ngân hàng, vì nợ xấu gia tăng. Chính vì vậy, chủ trương kêu gọi các ngân hàng ngừng giải chấp cổ phiếu cầm cố của NHNN cần có thêm những hỗ trợ cần thiết của cơ quan này cho các ngân hàng gặp khó khăn vì ngừng giải chấp.