IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam thời gian tới có thể tác động tới đà tăng của VN-Index

IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam thời gian tới có thể tác động tới đà tăng của VN-Index

Nhà đầu tư chứng khoán không nên quá “say sóng”

Diễn biến thị trường đầy cảm xúc trong những phiên giao dịch trước và sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (2/9) đang báo hiệu những nhịp sóng lớn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng, bởi hiện vẫn có những yếu tố có thể hạn chế nhịp đi lên của thị trường.

Ngay sau đợt nghỉ lễ, nhà đầu tư đã nhập cuộc khá nhanh, tạo bầu không khí hào hứng trên thị trường. Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ, chỉ số VN-Index mở cửa với mức tăng 4,04 điểm, lên 640,69 điểm và đóng cửa tăng 4,1 điểm, đạt mốc 640,75 điểm.

Trước kỳ nghỉ lễ, trong 2/3 thời gian đầu của tháng 8/2014, chỉ số VN-Index vẫn chỉ lình xình quanh mốc 604 - 605 điểm, nhưng từ ngày 20/8, chỉ số của sàn TP.HCM đã tăng tốc khá rõ. Đến hết phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 2/9, VN-Index đã đạt mốc 636,65 điểm.

Theo đánh giá của một số nhà quan sát, tín hiệu lạc quan của thị trường thể hiện ở giao dịch rất sôi động khi thanh khoản trên hai sàn tăng lên mức cao. Riêng phiên ngày 3/9, VN-Index đạt khối lượng hơn 200 triệu cổ phiếu được sang tay, với giá trị giao dịch hơn 3.500 tỷ đồng. Hơn nữa, chỉ số VN-Index cũng vượt ngưỡng kháng cự 630 và đang ở mặt bằng cao nhất 5 năm, tạo kích thích về tâm lý cho nhà đầu tư.

Tín hiệu hiện nay cho thấy, tâm lý lạc quan đã lan tỏa khắp thị trường và dòng tiền mới tiếp tục gia tăng vào thị trường, đẩy các cổ phiếu lên mặt bằng giá cao hơn. Diễn biến trong từng phiên giao dịch cũng cho thấy, áp lực điều chỉnh từ động thái bán chốt lời thường chỉ diễn ra trong phiên và gần như bị “nuốt chửng” trước lực cầu quá mạnh, góp phần làm lên chuỗi tăng điểm ấn tượng của VN-Index.

Ông Hang Jin Yun, chuyên gia phân tích thuộc Tập đoàn Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) nhận định, việc Việt Nam vừa được Moody’s nâng hạng tín nhiệm quốc gia cùng với việc Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là những động lực gia tăng sự hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, các yếu tố như lãi suất, giá xăng dầu… đều đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho nhịp đi lên của thị trường. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán An Thành (ATSC), mặt bằng lãi suất thấp hiện tại cùng kỳ vọng lãi suất có thể tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới có thể là những động lực hỗ trợ thị trường trong những tháng còn lại của năm.

Gác lại các yếu tố tích cực tạo lực đỡ cho thị trường, giới chuyên gia cũng cảnh báo, nhà đầu tư không nên quá “say sóng” để đặt ra những kỳ vọng quá cao, bởi thị trường cũng vẫn đang đứng trước những áp lực có thể làm chặn đà đi lên.

Ông Hang Jin Yun cho biết, mặc dù có một số yếu tố tích cực từ sự quan tâm hơn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nguồn cung lớn trong thời gian tới có thể là lực cản đà đi lên của thị trường.

“Các đợt IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) trong thời gian tới có thể tác động tới đà tăng của VN-Index”, ông Hang Jin Yun nói và cho biết, mức kỳ vọng của chỉ số VN-Index trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2014 là 650 điểm. “Đây là mặt bằng hợp lý đối với VN-Index trong bối cảnh hiện nay”, ông Yun kết luận.

Tin bài liên quan