Nhân viên ngành tài chính - chứng khoán bây giờ cũng đã bớt ‘chảnh” hơn

Nhân viên ngành tài chính - chứng khoán bây giờ cũng đã bớt ‘chảnh” hơn

Nhân sự chứng khoán đến thời "quý hồ tinh"

(ĐTCK-online) Năm 2008 được xác định là một năm khó khăn cho các CTCK do TTCK bị ảnh hưởng bởi các diễn biến phức tạp của nền kinh tế vĩ mô và sự cạnh tranh gay gắt giữa các CTCK. Sự sụt giảm của TTCK trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của hầu hết CTCK mà còn làm đình trệ các nghiệp vụ khác như tư vấn, môi giới, bảo lãnh phát hành. Vấn đề nhân sự tiếp tục là mối quan tâm của các CTCK. Trái với tình trạng tuyển dụng ồ ạt trước đây, nhân sự chứng khoán đang đặt các CTCK vào tình huống mới.

Giai đoạn 2006 - 2007, TTCK phát triển mạnh, vấn đề nhân sự đã làm không ít lãnh đạo CTCK trăn trở. Lúc bấy giờ, việc tìm kiếm và giữ chân người tài là rất khó. Nhiều CTCK đã phải làm đủ mọi "chiêu", như trả lương hậu hĩnh, thưởng cổ phiếu… để "câu kéo" vào các vị trí chủ chốt như trưởng, phó phòng...; còn người bình thường có được 3 chứng chỉ chứng khoán và tấm bằng cử nhân thì gần như đã ẵm chắc một chân môi giới. Đến nỗi, khi nhắc đến một nhân viên môi giới có thâm niên, người ta hay dùng từ "chảnh". Nhưng với diễn biến hiện tại, tình hình đang bắt đầu có chuyển biến khác…

Một nhân viên môi giới lâu năm cho biết, thị trường đi xuống, các khoản đầu tư của chính bản thân "lỗ" khá nặng, lương thì vẫn vậy nhưng các khoản thưởng hầu như không còn. Hoạt động ngoài sàn OTC gần như đóng băng nên cũng khó "kiếm". Đúng là hết no lại chuyển sang đói góp! Môi giới đã hết thời hoàng kim. Một số nhân viên môi giới bị điều chuyển sang các phòng khác như kế toán, lưu ký… bởi nếu lượng giao dịch cứ như hiện tại thì sẽ bị… thừa chân.

Về vấn đề quản lý và phát triển nhân sự tại thời điểm thị trường nhạy cảm hiện nay, ông Lê Hồ Khôi, Giám đốc CTCK Tràng An cho biết, với tình hình hiện tại, để đảm bảo duy trì đội ngũ nhân sự, Công ty có thể sẽ phải cắt giảm thu nhập của nhân viên, khoảng 20 - 30%. Bên cạnh đó, Công ty tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiện tại. "Để ổn định và phát triển lâu dài, Công ty định hướng xây dựng, cải tiến các chính sách đối với cán bộ, nhân viên nhằm thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất xám cao", ông Khôi nói.

Giám đốc một CTCK khác cho biết, Công ty dù không có ý định cắt giảm nhân sự, nhưng sẽ áp dụng theo cách điều

chuyển nhân sự sang các phòng khác. Vị giám đốc này nhận xét, nhân viên bây giờ cũng bớt "kiêu căng" theo kiểu "đứng núi này trông núi nọ", gây sức ép cho ban lãnh đạo công ty; việc đòi nâng lương hiện nay rất hiếm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khang, Phó tổng giám đốc CTCK Kim Long (KLS), mỗi CTCK có những chính sách riêng về nhân sự. Đối với KLS, đây là thời gian Công ty tập trung đào tạo nhân sự, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên. Thị trường có lúc thịnh, lúc suy, nhưng nhìn một cách tổng thể thì vấn đề giữ chân người tài là hết sức quan trọng.

Thực tế, trong bối cảnh gần 100 CTCK đang hoạt động, giá trị giao dịch toàn TTCK sụt giảm thì CTCK nào không có những hợp đồng tư vấn, bảo lãnh phát hành mà chỉ trông vào doanh thu từ vào phí môi giới và tự doanh sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn, nhất là đối với các CTCK mới đi vào hoạt động. Đã có trường hợp CTCK được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động nhưng phải xin rút lại.

Nếu như trước đây, để có thể đưa guồng máy của mỗi CTCK đi vào hoạt động, việc tuyển chọn ứng viên cho các vị trí từ cấp cao đến bình thường diễn ra hết sức gấp gáp, kéo theo không ít bất cập về trình độ, kinh nghiệp, ứng xử… của đội ngũ nhân sự chứng khoán thì hiện nay, các CTCK đang chú trọng đến chiều sâu của công tác này. TTCK đang có diễn biến không thuận lợi, nhưng ở khía cạnh nào đó, đây cũng là dịp để CTCK tái cơ cấu lại đội ngũ nhân sự, chuẩn bị nhân lực tốt cho những bước phát triển tiếp theo. Thị trường cũng như nhà đầu tư đều trông đợi rằng, nhân sự chứng khoán sẽ không chỉ có trình độ cao, mà đạo đức kinh doanh, lòng nhiệt tình cũng như thái độ ứng xử với nhà đầu tư sẽ ngày càng được nâng cao.