Nhiều CTCK vọng ngoại

Nhiều CTCK vọng ngoại

(ĐTCK-online) Trong hơn 1 tháng trở lại đây, một số công ty chuyên về mua bán sáp nhập DN tại Việt Nam liên tiếp nhận được những lời đề nghị từ khối công ty chứng khoán (CTCK) nhờ tư vấn mai mối để bán bớt cổ phần cho đối tác ngoại, song song với việc bản thân họ cũng lao tâm khổ tứ tìm kiếm “ý trung nhân”.

Đằng sau trào lưu này có thể dễ dàng nhận thấy, không ít CTCK đang lâm vào cảnh khó khăn và cần sự hỗ trợ mới. Song đây cũng là diễn tiến đã được nhìn thấy trước và NĐT có quyền hy vọng với sự xuất hiện của yếu tố ngoại trong các định chế tài chính trung gian, dịch vụ chứng khoán sẽ phong phú và chất lượng hơn so với hiện nay.

Mua bán: tìm đối tác

Tại một cuộc hội thảo về M&A mới đây, trong số khách tham dự có sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo CTCK và ông Nguyễn Mạnh Hào, Tổng giám đốc CTCK APEC đã phải đợi tới tận cuối giờ để gặp ông Adrian Bradbury, Giám đốc - Trưởng bộ phận tư vấn tài chính Quỹ đầu tư Quam - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Hồng Kông thuộc Tập đoàn tài chính Quam. Tuy đây chỉ là những trao đổi thông tin ban đầu, song ông Adrian Bradbury cho hay, định chế tài chính Hồng Kông này muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần của CTCK. Thế mạnh của Quam là mua bán sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn tài chính, IPO, tư vấn thành lập liên doanh, bảo lãnh, tư vấn niêm yết, kinh doanh chứng khoán, quản lý tài sản... Đây đều là những lĩnh vực đang phát triển “nóng” tại Việt Nam, hơn nữa hoạt động của tập đoàn này trải rộng khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Dubai và Thái Lan, vì thế hợp tác với Quam, thị trường và đối tượng khách hàng của các CTCK sẽ mở rộng hơn so với chỉ tập trung vào khách nội địa như hiện nay.

Không chỉ hỗ trợ về tiềm lực tài chính, cái CTCK Việt Nam cần từ những tổ chức nước ngoài là khả năng nâng cấp chất lượng quản trị, đổi mới công nghệ và đặc biệt là mở rộng thị trường. Tuy phát triển ồ ạt và xuất hiện nhiều gương mặt mới, song hoạt động của các CTCK chưa tập trung mạnh vào ngành nghề cốt lõi, mà nguồn thu chính vẫn chủ yếu từ buôn bán cổ phiếu. Hai dịch vụ đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho khối công ty này là tư vấn và bảo lãnh phát hành, nhưng số hợp đồng thực hiện được trong năm 2007 của những công ty mới gia nhập thị trường chỉ đếm trên đầu ngón  tay, thậm chí có CTCK chấp nhận tư vấn miễn phí nhằm có khách hàng và có thông tin để đầu cơ, mua bán cổ phiếu. Nghiệp vụ môi giới được nhiều CTCK quảng cáo là đem dịch vụ tốt nhất đến NĐT, song cũng mới chỉ dừng ở mức đơn giản nhất là nhận và chuyển lệnh. Chính những điểm yếu như vậy, nên khi TTCK suy giảm, hoạt động của đa số CTCK mới lam vào cảnh èo uột, thậm chí có công ty đang đứng bên bờ phá sản.

Tại Công ty Mua bán sáp nhập DN Tiger Invest, trong 6 hồ sơ nhờ kiếm đối tác ngoại, có 3 công ty ngỏ ý bán cho phía nước ngoài mức tối đa cho phép 49%, số còn lại cũng mong muốn một tỷ lệ khá cao là 30%. Theo ông Phan Xuân Cần, Giám đốc Tiger Invest, mối quan tâm của các nhà đầu tư ngoại đối cũng khá lớn. Đầu tư vào CTCK Việt Nam trong thời điểm này, các tổ chức tài chính nước ngoài có hai lợi thế, thứ nhất có thể mua cổ phần ở mức giá dễ chịu nhất (nhiều thương vụ đã thành công với giá mua bằng mệnh giá - PV), ngoài ra, Luật Chứng khoán cũng cho phép thành lập CTCK 100% vốn ngoại trong tương lai nhưng thủ tục và quy trình xin phép không dễ. Hơn nữa, chứng khoán là lĩnh vực đòi hỏi sự tinh tế và am hiểu rất kỹ văn hóa địa phương, sẽ mất thời gian không ít cho một định chế tài chính nước ngoài làm quen và thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Một dịch vụ nhiều tổ chức ngoại nhắm đến là bảo lãnh phát hành cổ phiếu, khác với trước đây ào ào mua bán, nay nhà đầu tư đã thận trọng hơn nhiều khi lựa chọn hàng hóa, việc phát hành CP của DN cũng không còn quá dễ dàng. Do đó, dịch vụ bảo lãnh được đánh giá là có nhiều tiềm năng, trong khi mới có rất ít CTCK Việt Nam có khả năng thẩm định giá trị DN để cung cấp loại dịch vụ này.

“TTCK Hồng Kông thu hút rất đông DN nước ngoài tham gia và hiện có 2 công ty đang hoạt động tại Việt Nam là VMEP và Vedan đã IPO thành công tại đây. Tôi tin tưởng tới đây sẽ có nhiều DN Việt Nam lựa chọn niêm yết ở nước ngoài và cần đến sự tư vấn của những tổ chức tài chính quốc tế.  Với thị trường trong nước, so với dân số 85 triệu dân, con số gần 300.000 tài khoản chứng khoán được mở còn quá nhỏ bé, do vậy tiềm năng khai thác thị trường nội địa cũng còn rất lớn”, ông Adrian Bradbury đánh giá. Ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc một công ty cũng chuyên về mua bán sáp nhập DN tại TP. HCM cho hay, hiện Công ty ông đã nhận tư vấn cho khoảng 6 CTCK muốn tìm đối tác ngoại, trong đó có cả những CTCK vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng, không gặp khó khăn về tài chính, nhưng muốn nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa công nghệ và triển khai những dịch vụ mới tại Việt Nam.

 

Sáp nhập: thăm dò

Thông tin từ UBCK cho thấy hiện có 7 CTCK Việt Nam đã được UBCK chấp thuận hồ sơ bán cổ phần cho đối tác ngoại, thủ tục xin phép khá đơn giản, bao gồm việc cổ đông sáng lập họp và có nghị quyết bán, chuyển nhượng cho phía nước ngoài; thông tin về phía đối tác ngoại; hợp đồng nguyên tắc giữa hai bên; kế hoạch hợp tác sau khi ký hợp đồng. Quan điểm của UBCK cũng thể hiện tán thành việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài của các CTCK Việt Nam với hy vọng cải thiện năng lực cạnh tranh, hoạt động của các CTCK.

Ngoài hình thức trên, còn một loại hình liên kết, thâu tóm giữa CTCK trong nước với nhau để gia tăng năng lực cạnh tranh. CTCK lớn có thể tiếp nhận hệ thống nhân sự, tài khoản của CTCK nhỏ để mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, đề cập đến khả năng này, một quan chức của UBCK cho hay, chưa có một hồ sơ nào xin sáp nhập được trình lên Uỷ ban. “Hình thức hợp tác này khó bởi bản thân CTCK trong nước cũng chưa đủ mạnh để có khả năng thâu tóm công ty khác, hơn nữa sáp nhập đòi hai bên phải nỗ lực rất lớn để cùng đưa hoạt động vào một guồng quay chung. Tôi nghĩ khoảng 2 năm nữa hình thức này mới xuất hiện”, vị quan chức trên nhận định.

Cũng theo UBCK, từ 2-3 tháng trở lại đây, không có hồ sơ mới xin thành lập CTCK được gửi đến cơ quan này. Kinh doanh chứng khoán đã được thực tế minh chứng không hề dễ dàng, tuy nhiên thống kê của UBCK cho thấy, mới chỉ có Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE xin rút hồ sơ lập CTCK sau khi được chấp thuận nguyên tắc. Hơn 10 CTCK đã được chấp thuận nguyên tắc việc thành lập và theo luật, họ có thời gian 6 tháng để hoàn tất cơ sở vật chất, năng lực tài chính, nhân sự. Nếu sau 6 tháng những điều kiện trên không được đáp ứng, CTCK không được cấp phép hoạt động và coi như giấy phép chấp thuận nguyên tắc đã được cấp không còn hiệu lực. Rất có thể không rút lui một cách chính thức như REE, nhưng diễn biến khó khăn trên thị trường buộc một số công ty phải bỏ cuộc ngầm theo hình thức trên.