Nhiều doanh nghiệp “chết mòn” vì cổ đông “cá mập”

Nhiều doanh nghiệp “chết mòn” vì cổ đông “cá mập”

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đang lớn mạnh, ổn định trở nên rối loạn khi trở thành con mồi của cổ đông “cá mập” núp bỏng cổ đông chiến lược.

Sau khi bài viết Đầu tư Chứng khoán đăng bài "Cổ đông “cá mập” và những lỗ hổng pháp lý" của Luật sư Lê Minh Toàn, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ của độc giả.

Nhiều doanh nghiệp “chết mòn” vì cổ đông “cá mập” ảnh 1

Bản chất của cổ đông cá mập núp bóng nhà đầu tư chiến lược là khi nhìn được các lợi thế của DN về tài sản cố định, thị trường phân phối, thương hiệu thì nó sẽ nhằm lúc DN khó khăn nhất (do không tiếp cận được vốn vay NH, sản xuất đình trệ, thiếu vốn) để tiến hành thâu tóm DN.

Khi mà nền kinh tế bị khủng hoảng sâu, DN giải thể, phá sản hàng loạt, TTCK không có dấu hiệu khởi sắc, cổ phiếu nhiều DN trên thị trường có giá chỉ 500 - 2.000 đồng, các kênh đầu tư (BĐS, vàng) không hiệu quả, thì càng xuất hiện nhiều những con cá mập chuyên đi thâu tóm DN theo kiểu ăn tươi, nuốt sống. Vấn đề hiện nay của các DN (mà trực tiếp là các thành viên HĐQT) là phải tỉnh táo trước những lời "hứa hẹn" hay những khoản tiền góp vốn kiểu "tiền tươi, thóc thật" kèm theo những điều kiện như thay đổi ĐKKD, thay đổi người đại diện theo pháp luật mà phải dàng buộc chặt chẽ các  điều khoản liên quan đến tiến độ góp vốn, hợp đồng hợp tác chiến lược thì mới có thế tránh bị thâu tóm dẫn đến mất trắng DN.

DN cũng cần có kỹ năng quản trị khủng hoảng và bộ phận quan hệ với nhà đầu tư/cổ đông để kịp thời phản ứng trước những thông tin, tin đồn gây thiệt hại cho lợi ích DN. Hơn hết, nhà nước cần sửa đổi Luật DN một cách toàn diện để bịt những lỗ hổng pháp lý hiện nay, thay vì chỉ sửa đổi 1 điều khoản sẽ dẫn tới nhiều luật sửa đổi, bổ sung về DN như cách làm hiện nay.  Nguyễn Mạnh Hùng (hungnm@mof.gov.vn- Bộ Tài Chính).

 

Từ khảo sát của SCIC về cổ phần hóa (CPH) trên địa bàn cả nước cho thấy, đích ngắm của các cổ đông chiến lược cá mập đó chính là các DNNN mà qua quá trình CPH tại các tỉnh, thành khi mà nhiều giá trị tài sản như nhà xưởng, BĐS như trụ sở công ty... chưa tính toán hết vào giá trị của DN khiến cho các cổ đông cá mập này nhìn thấy ngay được lợi thế nếu nhảy vào. Thử hỏi, có DN CPH mà đất đai, trụ sở có giá trị hàng chục, đến hàng trăm tỷ không tính vào giá trị tài sản thì khác gì là mồi câu dành cho cá mập nhảy vào.

Hiện nay, quy định về góp vốn lỏng lẻo và việc kiểm tra kém hiệu quả cũng là điều kiện cho các cổ đông này, chỉ với số vốn ít ỏi, nhưng khi nhảy vào công ty rồi thì lập tức tìm mọi cách để phá hoại hỏng chiếm trọn công ty. Đại diện phần vốn nhà nước tại DN cũng chỉ là vì mục tiêu duy nhất, duy trì vốn nhà nước hoặc thoái vốn sớm, chứ lẫy đâu ra năng lực và công sức để hàng ngày đối phó với loại cổ đông cá mập này. Họ cũng chỉ là người kiêm nghiệm từ Sở Tài chính sang với tư duy không để thất thoát vốn nhà nước là nhiệm vụ duy nhất. Luật DN phải sửa đổi để dàng buộc trách nhiệm của những người góp vốn, nhất là các cổ đông chiến lược để làm lành mạnh thị trường tài chính cũng như hạn chế các rủi ro do vốn "ảo" gây ra.  Nguyễn Thị Thảo (Tổng Cty ĐT và KD vốn Nhà nước- SCIC).

 

Khi mà một DN có nhiều lợi thế về thị trường, BĐS, sản phẩm làm ra mà gặp khó khăn thì việc nó bị các cổ đông cá mập núp bóng nhà đầu tư chiến lược thâu tóm và nuốt trôi là điều đễ xảy ra. Nhiều DN Việt Nam với cung cách quản trị kiểu gia đình, khi tham gia vào sân chơi toàn cầu, gặp phải các DN nước ngoài có nhiều kinh nghiệm thì việc bị nó nuốt trôi là điều khó tránh khỏi. Cái chết của các DN Việt Nam khi bị các NĐT chiến lược nhảy vào là sản xuất đình trệ, nội bộ mất đoàn kết, suy giảm năng lực và uy tín, ngân hàng ngoảnh mặt (chưa biết chừng còn tiếp tay cho NĐT chiến lược/cổ đông cá mập). Và khi mà lỗ lũy kế nhiều năm, mất thị trường, cổ phiếu sụt giảm, thì việc bị một vài NĐT chiến lược chiếm trọn DN, thị trường, thương hiệu là điều khó tránh. DN biết, cơ quan quản lý biết, nhưng sửa đổi quy định pháp lý, thanh tra và kiểm tra thế nào lại là việc của tương lai. Chỉ biết rằng, DN lớn mạnh như cam kết đâu chẳng thấy, nhưng mất thị trường, DN, và nhiều lợi thế khác là cái có thể thấy ngay. Buồn thay cho các DN Việt trong sân chơi toàn cầu này.   Đức Nhậm (18 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội).

 

Tôi là một người lao động làm việc tại một DN CPH tại huyện Ba Vì, Hà Tây cũ. DN của tôi khai không vốn từ hơn 2 tỷ đồng lên thành gần 20 tỷ đồng để tiện bề đấu thầu các dự án xây dựng trên địa bàn mà chẳng có ai kiểm tra. Ở công ty tồn tại hai loại sổ cổ đông, một loại sổ gốc ghi số vốn cổ phần của cổ đông nhà nước, vốn góp của người lao động tại DN (gần 100 NLĐ)và một loại sổ ghi tỷ lệ góp vốn mới theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với cơ quan ĐKKD.

Điều đáng ngạc nhiên là cổ đông nhà nước cũng chấp nhận phương án tăng vốn ảo này của DN. Kết quả là khi ban lãnh đạo (bao gồm cả đại diện cổ đông nhà nước ) quyết định các vấn đề kinh doanh, chúng tôi (NLĐ nắm giữ hơn 30% VĐL) chẳng có quyền gì cả. Muốn họ mua lại thì họ nói chỉ mua bằng 20-30% giá trị vốn góp ban đầu (khi chúng tôi được mua ưu đãi theo chính sách của NN) gây thiệt thòi cho bản thân gia đình chúng tôi. Hệ quả là chúng tôi bị buộc phải gắn bó với DN từ nhiều năm nay dù không muốn. DN họ mang cái giấy đăng ký kinh doanh đi lừa trúng thầu các dự án xây dựng trên địa bàn.

Thử hỏi, nếu thua lỗ phá sản, chúng tôi phải chịu trách nhiệm với khoản lỗ theo cái số vốn nào (vốn góp thực ban đầu hơn 2 tỷ, hay vốn góp ảo tăng lên gấp 8-10 lần kia)? Nhiều năm nay chúng tôi ko có một đồng cổ tức, công ty cũng chẳng thèm tổ chức ĐHĐCĐ, chỉ có lương của người lao động, mặc dù lãnh đạo lúc nào cũng kêu, chúng tôi là chủ thực sự của công ty?  Trần Thị Dung (dungtran@yahoo.com).

 

Tôi cũng là nạn nhân của cổ đông "cá mập" khi tự mình rước họa về công ty mình vốn dành bao nhiêu tâm huyết để gây dựng. Từ một DN có VĐL 150 tỷ đồng, sau nhiều lần thay đổi cổ đông, VĐL Công ty tôi là 90 tỷ đồng. Với một nhà máy chế biến mủ cao su ở ĐắkNông, đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng, nhưng tôi không thể nào tiếp cận được với vốn ngân hàng để tiếp tục các công đoạn cuối cùng đưa nhà máy đi vào hoạt động với nợ nần chồng chất vì nhiều hạng mục thi công không được thanh toán, mất uy tín với bạn bè, gia đình, đối tác vì vay mượn và cầm cố nhiều.

Đúng lúc này thì nhà đầu tư chiến lược xuất hiện cùng với 2 cổ đông tổ chức khác tham gia vào cái gọi là "tái cấu trúc" DN của tôi. Họ chỉ tính toán giá trị xây lắp tại nhà máy và quy đổi ra số vốn góp thực của họ để thay tôi trả tiền cho bên thi công, còn các công sức bỏ ra, lăn lộn với nhà máy của tôi đều không tính.

Sau khi lừa tôi, ép tôi làm thủ tục sang tên, đổi chủ để trở thành Chủ tịch HĐQT mới, các cổ đông mới mới lộ diện bản chất thật của mình, đó là không góp vốn đầu đủ và đúng hạn như cam kết, chiếm đoạt toàn bộ công ty và cả nhà máy mà bao nhiêu năm tôi lăn lộn. Đến bay giờ, từ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, tôi chỉ còn là một cổ đông bình thường với "phần vốn cổ phần" nắm chết dí tại đây, bán không ai mua, rút ra cũng không được.

Còn các vị cổ đông cá mập của Công ty thì vẫn đang đi tìm tiếp các con mồi khi mà họ đã có trong tay một Công ty mà vốn thực góp chỉ bằng 1/3 VĐL, một nhà máy dang dở thi công. Tôi nhận thấy các quy định về việc cổ đông phải cam kết góp vốn trong 90 ngày hiện nay là điểm hở nhất của Luật DN, nhất là khi các cổ đông không thực hiện góp vốn theo cam kết, không góp đúng tiến độ, không thay đổi nội dung ĐKKD...thì cũng chẳng có ái kiểm soát cả. Phạm Tuấn Anh (KĐT Linh Đàm, Hà Nội).