Niêm yết 1,79 tỷ cổ phiếu, Index sẽ “lệch” theo VCB?

Niêm yết 1,79 tỷ cổ phiếu, Index sẽ “lệch” theo VCB?

(ĐTCK) Do cách tính chỉ số VN-Index, việc một cổ phiếu có vốn điều lệ lớn niêm yết sẽ ảnh hưởng mạnh đến chỉ số, khiến thường xuyên xuất hiện hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”.

Ngày 14/5 vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã niêm yết bổ sung 1,79 tỷ cổ phiếu thuộc phần vốn Nhà nước, nâng tổng số lượng cổ phiếu niêm yết trên HOSE lên 2,3 tỷ cổ phiếu.

Ngay trong phiên giao dịch này, cổ phiếu VCB đã có thời điểm tăng kịch trần. Dù lực chốt lời mạnh khiến cổ phiếu này đóng cửa ở giá xanh, nhưng nhiều NĐT cho rằng, nếu không có lực đỡ từ phía VCB, thị trường đã giảm sâu hơn nhiều.

Hiện nay, quy định của hai Sở GDCK không bắt buộc DN niêm yết phải niêm yết toàn bộ cổ phiếu. Đây chính là lý do mà VCB lên sàn từ ngày 12/6/2009, nhưng đến nay mới niêm yết số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước. Do phần lớn cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, nên thanh khoản của VCB có tỷ trọng trên tổng khối lượng lưu hành rất thấp so với nhiều cổ phiếu khác. Theo thống kê của ĐTCK, trung bình từ đầu năm 2012 đến nay, mỗi phiên chỉ có 0,81 triệu cổ phiếu VCB được chuyển nhượng.

Do cách tính chỉ số VN-Index, việc một cổ phiếu có vốn điều lệ lớn niêm yết sẽ ảnh hưởng mạnh đến chỉ số, khiến thường xuyên xuất hiện hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” khi toàn thị trường giảm điểm, nhưng một vài cổ phiếu lớn tăng, giúp VN-Index tăng và ngược lại. Do đó, không ít người nói vui, thị trường sắp tới sẽ có chỉ số VCB-Index thay vì VN-Index.

Cùng với  VCB niêm yết bổ sung, sàn HOSE sẽ đón thêm 1,9 tỷ cổ phiếu PVGas niêm yết ngày 21/5, khiến tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường sẽ tăng thêm hơn 6 tỷ USD.    

Ông Đào Hồng Dương, Chuyên gia phân tích CTCK Dầu khí (PSI)

Việc VCB niêm yết thêm có ảnh hưởng mạnh tới VN-Index, nhưng cũng có tác động tích cực là làm giảm ảnh hưởng của nhóm bộ 3 MSN, BVH, VIC tới VN-Index. Đồng thời, việc VCB niêm yết bổ sung lượng cổ phiếu lớn sẽ không ảnh hưởng tới chỉ số VN30, do chỉ số này đã loại bỏ được những nhược điểm của VN-Index hiện nay. VCB là ngân hàng lớn với các chỉ tiêu cơ bản ổn định. Diễn biến giá cổ phiếu

VCB vừa qua cũng tương đối tích cực. Thời gian qua,  có một số DN yếu kém dần xin hoặc bị buộc hủy niêm yết. Việc tăng cung cổ phiếu tốt và hạn chế cổ phiếu yếu kém sẽ có tác động tích cực tới cái nhìn của NĐT tới TTCK, đặc biệt là NĐT và các quỹ nước ngoài (như các quỹ ETFs).

 

CTCK VNDirect

Số cổ phiếu VCB niêm yết bổ sung thuộc sở hữu Nhà nước, do vậy, việc niêm yết bổ sung chỉ làm tăng tỷ trọng của cổ phiếu trong rổ tính chỉ số VN-Index, chứ không tăng được nguồn cung trên thị trường. Hiện tại, số cổ phiếu VCB tự do chuyển nhượng chỉ vào khoảng gần 183 triệu cổ phiếu và VCB chỉ là cổ phiếu lớn thứ 7 trong công thức tính VN-Index, với tỷ trọng khoảng 3,3%. Nhưng sau khi niêm yết bổ sung, VCB sẽ là cổ phiếu lớn nhất, chiếm tỷ trọng gần 13%, tức lớn gấp rưỡi so với với những cổ phiếu lớn nhất hiện tại là VIC hay MSN.

Như vậy, mỗi biến chuyển về giá của cổ phiếu này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến VN-Index.

 

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc StoxPlus

Việc VCB niêm yết bổ sung gần 1,8 tỷ cổ phiếu sẽ giúp cổ phiếu này có trọng số tốt trong VN-Index và do đó sẽ được các quỹ ETF và các quỹ tham gia TTCK Việt Nam giao dịch nhiều hơn. Việc niêm yết này sẽ đảm bảo mọi cổ phần của tư nhân hay Nhà nước đều ở trạng thái sẵn sàng giao dịch cao hơn. Đây là điều mà mọi cổ đông đều muốn, đặc biệt trong quan điểm của các cổ đông ngoại.