Sự tồn tại của một số lượng lớn DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể đẩy khoản nợ của Chính phủ vượt ngưỡng cảnh báo - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Sự tồn tại của một số lượng lớn DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể đẩy khoản nợ của Chính phủ vượt ngưỡng cảnh báo - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Nợ công: Tốt hiện tại, khó tương lai

(ĐTCK-online) Hội thảo "Tác động nợ công đối với nền kinh tế toàn cầu" do Khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) vừa tổ chức, dưới sự chủ trì của GS.TS. Trần Ngọc Thơ, đã nêu bật các vấn đề đáng quan tâm cho chính sách quản lý nợ công của Việt Nam trong tương lai.

Tác động của nợ công đối với tăng trưởng

Theo TS. Trần Thị Hải Lý (UEH), sự gia tăng nhanh chóng trong nợ công ở những quốc gia phát triển là một bằng chứng dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. Mức độ nợ công lớn có thể tác động bất lợi lên mức tích lũy vốn, năng lực sản xuất và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể xảy ra thông qua mức lãi suất dài hạn cao hơn, hệ thống thuế trong tương lai bị méo mó, lạm phát cao… Nếu tăng trưởng kinh tế bị tác động bất lợi, thì vấn đề bền vững tài chính có thể trở nên tồi tệ. Điều này làm gia tăng rủi ro của các nỗ lực điều hành chính sách tài khóa nhằm giảm các khoản nợ xuống mức bền vững hơn.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, UEH đưa ra bằng chứng là công trình nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), được khảo sát trên 44 quốc gia, cho ra kết quả: khi tỷ lệ nợ/GDP vượt ngưỡng 90% thì nó tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm đi 4% trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó. Đặc biệt, đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thì ngưỡng nợ/GDP là 60%, tỷ lệ nợ vượt quá ngưỡng này sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 2%.

Hiện tại, tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam là 51,6%, nằm dưới ngưỡng cảnh báo trên, nhưng với xu hướng thâm hụt tài khóa gia tăng, việc vay nợ của Chính phủ trong một vài năm tới có thể khiến kinh tế giảm tăng trưởng. Đặc biệt, hậu quả của việc gia tăng trong tỷ lệ nợ/GDP là làm gia tăng lạm phát. Thực tế, những gói kích thích nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 đã làm tăng thâm hụt ngân sách và nợ công tăng đột ngột là một nguyên nhân chính của tình hình lạm phát hiện nay.

Bằng chứng này càng cho thấy, khi quy mô các nền kinh tế nhỏ thì mức độ phản ánh lạm phát sẽ thể hiện sớm, còn quy mô của nền kinh tế lớn thì mức độ phản ánh của lạm phát có độ trễ về thời gian. Theo TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo (UEH), trong ngắn hạn, nợ công tăng làm tăng tổng cầu của nền kinh tế, kích thích tăng trưởng kinh tế hiện tại, nhưng sẽ dẫn đến sự suy giảm trong dài hạn.

Các nhà kinh tế đã chứng minh, nợ công gia tăng sẽ làm tăng lãi suất dài hạn của nền kinh tế và sự bất ổn trong chính sách tiền tệ. Sự gia tăng trong tỷ lệ nợ/GDP vượt ngưỡng 82 - 90% sẽ làm cho tiết kiệm của khu vực tư nhân không tồn tại. Tỷ lệ nợ/GDP vượt ngưỡng 45 - 68% sẽ làm cho đầu tư công bị cắt giảm và nếu vượt trên mức 100% thì năng suất của nền kinh tế suy giảm trầm trọng.

 

Bài học cho quản lý nợ Việt Nam

Một trong những cảnh báo mà các diễn giả tham dự hội thảo đưa ra là các khoản nợ tiềm ẩn chưa được đưa vào mô hình tính toán. Một khoản nợ thực sẽ tăng lên nhiều khi tính những khoản nợ tiềm ẩn. Nền kinh tế Mỹ cũng có tình trạng này. Những khoản bảo lãnh "ngầm" của chính phủ ở các nền kinh tế là rất lớn. Tại Việt Nam , sự tồn tại của một số lượng lớn DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể đẩy khoản nợ của Chính phủ vượt ngưỡng cảnh báo.

Những khoản nợ tiềm ẩn không được công bố làm cho người dân và ngay cả các chính trị gia cũng khó thể xác định một cách đầy đủ khả năng trả nợ của chính phủ. Điều này khiến rủi ro nắm giữ những chứng khoán trong nền kinh tế gia tăng. Do đó, một trong những điều kiện tiên quyết trước khi đề cập đến giải pháp quản lý nợ công là phải minh bạch hóa các khoản nợ của chính phủ, nhất là các khoản nợ tiềm ẩn. Hạn chế đến mức loại trừ tình trạng bảo lãnh ngầm nêu trên.

Nếu khủng hoảng nợ xảy ra sẽ dẫn đến khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng tiền tệ. Do đó, theo các diễn giả, Chính phủ cần có những giải pháp mang tầm chiến lược trong đều hành và quản lý ngân sách. Quản lý có hiệu quả đầu tư công, giảm đầu tư công để giảm tỷ lệ nợ/GDP của Chính phủ bằng cách động viên nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển nền kinh tế. Một sự cải thiện trong môi trường kinh doanh sẽ động viên được nguồn lực kinh tế ngoài ngân sách đầu tư phát triển nền kinh tế. Hành động này sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách và giảm tỷ lệ nợ/GDP. Điều này sẽ đảm bảo tính bền vững của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia. Đây làm một trong những vấn đề quan trọng để đảm bảo an ninh tài chính cho Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.