Quy định mới cho vay kinh doanh chứng khoán không mở so với Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN mà ngược lại, dường như "siết" hơn.

Quy định mới cho vay kinh doanh chứng khoán không mở so với Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN mà ngược lại, dường như "siết" hơn.

Nới Chỉ thị 03 hay siết chặt hơn?

(ĐTCK-online) Ngày 29/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức lên tiếng về chủ trương cho vay kinh doanh chứng khoán theo hướng không áp dụng cứng nhắc tỷ lệ 3% trên tổng dư nợ như trước đây, thay vào đó sẽ áp dụng hệ số rủi ro và tính hạn mức trên vốn điều lệ.

 Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng ban hành quy trình nghiệp vụ cho vay kinh doanh chứng khoán làm cơ sở cho việc thanh tra, giám sát hoạt động cho vay, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của NHNN, nhất là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%, có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%, thực hiện hạch toán thống kê chính xác, báo cáo các khoản cho vay để phục vụ quản trị kinh doanh nội bộ và giám sát của NHNN.

 Hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh chứng khoán được áp dụng khoảng 200 - 250% để tính hệ số an toàn vốn tối thiểu, cao hơn mức quy định hiện nay (150%). NHNN đưa ra con số này với quan điểm cho rằng, thị giá chứng khoán trong thời gian qua biến động khá lớn ở cả thị trường niêm yết và thị trường OTC. Quy định này sẽ có tác dụng yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay một cách thận trọng.

Đáng chú ý hơn cả là dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán chỉ được phép bằng 15 - 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Biện pháp này, theo lý giải của NHNN, là nhằm gắn liền quy mô và rủi ro cho vay kinh doanh chứng khoán với khả năng vốn của tổ chức tín dụng. Cách làm này được các tổ chức quốc tế, như IMF, khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam . NHNN nhận định, cơ chế cho vay này không quá mở rộng nhưng nhiều ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay ở mức thấp so với vốn điều lệ vẫn có thể tiếp tục cho vay.

Theo thống kê của NHNN, tại thời điểm cuối năm 2007 tổng số vốn điều lệ của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 94.156 tỷ đồng. Như vậy, nếu áp theo những quy định trên thì số tiền tối đa dành để cho vay kinh doanh chứng khoán vào khoảng 19.000 tỷ đồng, cao hơn con số cho vay kinh doanh chứng khoán hiện nay là 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số những tổ chức tín dụng trên không phải đơn vị nào cũng cho vay kinh doanh chứng khoán, mà hoạt động này tập trung chủ yếu ở những ngân hàng cổ phần, vốn điều lệ không cao. Như vậy, có thể thấy, quy định mới không mở so với Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN mà ngược lại, dường như "siết" hơn.

Liên quan đến vấn đề mua ngoại tệ, NHNN tuyên bố tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước với khối lượng do NHNN chủ động tính toán trên cơ sở nguồn tiền cung ứng đã được Thủ tướng phê duyệt. NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để hút tiền về như phát hành tín phiếu NHNN ngắn hạn hoặc sử dụng các công cụ tiền tệ khác phù hợp trong từng thời kỳ. Mục tiêu của việc mua ngoại tệ là nhằm ổn định giá trị VND, đồng thời tạo thuận lợi cho xuất khẩu. NHNN sẽ thực hiện các biện pháp điều hành tỷ giá hối đoái biến động theo hướng VND không mất giá hoặc tăng giá quá mức so với USD bằng việc điều hành linh hoạt biên độ mua bán USD phù hợp với độ mở của thị trường tài chính và năng lực kiểm soát của NHNN.

Chẳng hạn như, tại Ngân hàng ACB, vốn điều lệ tính đến thời điểm này là 2.600 tỷ đồng, nếu theo quy định mới thì Ngân hàng được cho vay chứng khoán tối đa là 520 tỷ đồng; trong khi đó, nếu áp quy định của Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN thì số tiền cho vay chứng khoán là 948 tỷ đồng (vì dư nợ của ngân hàng này hiện đạt 31.600 tỷ đồng). Hay tại Ngân hàng Sacombank, với dư nợ cho vay tính đến thời điểm này là 34.316 tỷ đồng, số tiền cho vay kinh doanh chứng khoán theo Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN là hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng theo quy định mới, với vốn điều lệ của Ngân hàng là 4.448 tỷ đồng, số tiền cho vay chứng khoán giảm xuống còn 890 tỷ đồng. Đó chỉ là hai ví dụ tại 2 ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam hiện nay, còn rất nhiều ngân hàng có vốn điều lệ thấp hơn, liệu họ có tiếp tục phải thu hồi vốn cho vay chứng khoán?

Một bất cập nữa là vốn điều lệ thực ra không phản ánh chính xác, đầy đủ "sức khỏe" cũng như năng lực tài chính của các ngân hàng mà chỉ là con số ghi nhận trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Áp dụng chung như vậy sẽ thiệt thòi cho những ngân hàng năng động, có nguồn tài chính tích lũy lớn.

Từ nửa tháng nay, dư luận mong mỏi chờ đợi quyết định của NHNN về việc sửa đổi Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN, vốn được chỉ ra khá nhiều bất cập nhưng sửa như hiện nay, phỏng ngân hàng và nhà đầu tư có lợi gì? Nói như một chuyên gia ngân hàng, thà rằng cơ quan quản lý chẳng sửa cho xong! 

>>Khống chế cho vay cầm cố chứng khoán 

>>Giải pháp "cứu" thị trường