Những ý kiến  xác đáng của cổ đông sẽ được DN tiếp thu và gián tiếp bảo vệ quyền lợi của chính họ

Những ý kiến xác đáng của cổ đông sẽ được DN tiếp thu và gián tiếp bảo vệ quyền lợi của chính họ

Quyền lợi của cổ đông, nhìn từ vụ Vinaconex

(ĐTCK-online) Công văn của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) gửi Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex) phản ánh những việc làm trái Luật Doanh nghiệp và đi ngược lại quyền lợi của cổ đông đang gây chú ý trong giới đầu tư.

Chiều 18/12, Vinaconex đã có văn bản trả lời những bức xúc của VAFI với giải thích khá cặn kẽ cho việc chậm niêm yết cổ phiếu. Chuyện quan hệ cổ đông - DN vốn không mấy mới mẻ, song một lần nữa cho thấy cả hai bên đều cần thiện chí để câu chuyện đừng "bé xé ra to".

Vinaconex là tổng công ty nhà nước đầu tiên thực hiện thí điểm CPH và chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 1/12/2006 với số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Công văn của VAFI nêu 4 vấn đề gây bức xúc cho NĐT.

Thứ nhất, việc Vinaconex tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng là trái quy định của Luật Doanh nghiệp, cụ thể, không dựa trên việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ, thời gian lấy ý kiến bằng văn bản chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày (20/11 đến 30/11). 

Thứ hai, việc bán ưu đãi cổ phần cho người lao động trong Tổng công ty tính theo mệnh giá là 75 tỷ đồng, với giá 20.000 đồng/CP là khối lượng quá lớn, gây thất thoát tài sản Nhà nước và thiệt hại quyền lợi của các cổ đông hiện hữu.

Thứ ba, sự chậm trễ trong việc niêm yết cổ phiếu so với "lời hứa" sau CPH Vinaconex sẽ niêm yết vào quý I/2007 tại sàn Hà Nội. VAFI cũng phê phán việc Vinaconex thiếu công bố thông tin đến nhà đầu tư khiến họ không nắm được tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sau CPH.

Liên quan đến những vấn đề VAFI phản ánh, Vinaconex đã có công văn phản hồi. Việc tăng vốn điều lệ của Vinaconex lên 2.000 tỷ đồng, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thành lập Tổng công ty cổ phần vào tháng 11/2006 đã thông qua, HĐQT Vinaconex đã có Nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, theo đó chào bán 29.997.030 cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chào bán 75 tỷ đồng mệnh giá cho người lao động và chào bán ra công chúng dưới hình thức đấu giá 15,5 triệu cổ phần. Ngày 22/11, Tổng công ty đã tiến hành chốt danh sách cổ đông để tiến hành thủ tục gửi Phiếu xin ý kiến bằng văn bản. Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến các cổ đông lớn, Vinaconex đã quyết định điều chỉnh phương án tăng vốn  và gửi thư xin ý kiến lại cổ đông vào ngày 6/12, thời gian nhận lại phiếu xin ý kiến không muộn hơn ngày 21/12/2007.

Về việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, Vinaconex cho rằng, số CBCNV đủ tiêu chuẩn mua CP là gần 1.200 người, chứ không phải 800 người như VAFI phản ánh. Trước đây khi doanh nghiệp CPH, tỷ lệ bán cho người lao động chỉ chiếm 0,67% tổng số vốn điều lệ đang lưu hành, con số này là quá ít so với những đóng góp của họ.  Sau khi CPH, Vinaconex đã vận dụng Thông tư 18/2007/BTC cho phép bán tối đa 5% tổng vốn đang lưu hành (phát hành thêm) cho người lao động. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của VAFI cũng như SCIC, Tổng công ty này đã quyết định điều chỉnh tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động xuống 3%, tương đương với 44,9 tỷ đồng mệnh giá. 

Nguyên nhân của việc chậm trễ niêm yết trên TTCK được Vinaconex giải thích là do báo cáo tài chính năm 2006 của Tổng công ty đã được kiểm toán, nhưng không do tổ chức kiểm toán được chấp thuận của UBCK thực hiện nên phải làm lại, hơn nữa việc bàn giao phần vốn Nhà nước từ Bộ Xây dựng về Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mãi tới giữa tháng 6 mới xong, do vậy báo cáo quyết toán phải điều chỉnh. Trong khi đó, việc hợp nhất báo cáo tài chính của 48 công ty con quá phức tạp. Hiện Vinaconex đã thuê tư vấn niêm yết, tư vấn chiến lược phát triển, lắp đặt và vận hành phần mềm kế toán hợp nhất để nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn khi nộp hồ sơ đề nghị niêm yết. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, DN rất muốn khẩn trương đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn, nhưng cũng chỉ dám hy vọng thời điểm sớm nhất có thể là trong năm 2008.

Câu chuyện giữa VAFI (thể hiện ý kiến cho một bộ phận cổ đông) và Vinaconex cho thấy, khi cổ đông có trách nhiệm với chính đồng vốn của mình và tham gia đóng góp ý kiến cho phương án tăng vốn của DN thì những ý kiến xác đáng sẽ được tiếp thu và gián tiếp bảo vệ quyền lợi của chính họ. Ở đây thể hiện qua việc HĐQT Vinaconex điều chỉnh tỷ lệ phát hành cho người lao động từ 5% xuống 3% và nhanh chóng hơn trong việc xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn. Về phần mình, khi đã trở thành công ty đại chúng, hơn ai hết DN phải chăm lo mối quan hệ với cổ đông, tạo dựng những kênh thông tin nhanh, phản hồi chính xác, đầy đủ và kịp thời đến thị trường, đến cộng đồng nhà đầu tư. Dân gian có câu "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", nhưng với TTCK, phản ánh những gì chưa hiểu, chưa rõ để được giải đáp lại là một cách tích cực để xây dựng thị trường.

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT SCIC

VAFI cho rằng, có lẽ SCIC đã duyệt phương án của HĐQT Vinaconex là không đúng

Trước đây, Vinaconex thuộc Bộ xây dựng nên Bộ này là cơ quan chủ quản. Khi chuyển giao việc quản lý phần vốn Nhà nước về SCIC thì chúng tôi chỉ đóng vai trò là cổ đông đại diện phần vốn Nhà nước tại DN. Vậy nên VAFI cho rằng "có lẽ SCIC đã duyệt phương án của HĐQT Vinaconex" là không đúng, vì chúng tôi không phải là cơ quan chủ quản nên không phê duyệt.

 Là đại diện phần vốn tại DNNN CPH không chỉ riêng ở Vinaconex, SCIC có trách nhiệm giám sát xem tỷ lệ phần vốn Nhà nước có bị giảm không, có được mua cổ phần khi DN phát hành không và lượng phát hành có đảm bảo tỷ suất lợi nhuận hay không… Trong đợt tăng vốn này, Vinaconex phát hành thêm chứ không phải bán bớt phần vốn Nhà nước tại DN. Hơn nữa, SCIC vẫn được mua theo tỷ lệ đang nắm giữ (63%) nên ý kiến của VAFI  về việc phát hành làm thất thoát tài sản Nhà nước, theo tôi, là không chính xác. Về cách thức lấy ý kiến cổ đông, tôi nghĩ khoảng thời gian 10 ngày để Vinaconex lấy ý kiến là không gấp, bởi trước đó NĐT đã biết kế hoạch tăng vốn của DN. Việc lấy ý kiến bằng văn bản là một trong nhiều cách thức và cũng đúng theo quy định.

Việc Vinaconex niêm yết vào thời điểm nào để có lợi nhất là quyền của DN. Với vai trò là cổ đông thì SCIC không thể áp đặt ý chí của mình mà phải để ĐHCĐ và HĐQT quyết định.

 

Ông Trịnh Trung Chính, cổ đông Vinaconex
Nhà đầu tư sa sút lòng tin vì DN không minh bạch

Vấn đề tôi cũng như nhiều NĐT khác cảm thấy bức xúc là việc thông tin của Vinaconex không được rõ ràng và minh bạch. Chẳng hạn trước đây công bố kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng cho cổ đông chiến lược nhưng sau lại thay đổi mà cổ đông không biết lý do. Kế hoạch lên sàn được vạch ra khi CPH là quý I năm 2007, sau đó lại chuyển đến tháng 7 và bây giờ là hết năm cũng không thấy có thêm thông tin gì. Phía sau sự chậm trễ này có gì khuất tất? Nếu không thông tin được hàng quý, hàng tháng thì trước khi phát hành CP huy động vốn, Vinaconex cũng nên có báo cáo về tình hình kinh doanh  như thế nào. Như hiện nay, NĐT chúng tôi chẳng biết thông tin gì, nắm cổ phần của Vinaconex mà thắc thỏm không yên tâm.

Theo tôi, Vinaconex nên xây dựng một lộ trình thật cụ thể và phấn đấu thực hiện đúng lộ trình đó. Làm đến đâu thông tin đến đó để NĐT được yên tâm. Có thời điểm ngoài thị trường có tin đồn thổi thế này thế khác về Vinaconex khiến giá CP lúc lên cao, lúc xuống rất thấp. Tuy vậy, Ban lãnh đạo Tổng công ty không có bất cứ một thông tin chính thức nào. Hậu quả là NĐT sa sút lòng tin vào DN và thương hiệu của DN cũng bị ảnh hưởng.