Việc “loạn” ngày T ở khía cạnh nào đó gây ra tình trạng bất bình đẳng trên TTCK.

Việc “loạn” ngày T ở khía cạnh nào đó gây ra tình trạng bất bình đẳng trên TTCK.

Rút ngắn thời gian thanh toán: Lực bất tòng tâm

(ĐTCK-online) Quy định trên giấy tờ là ngày T+4 sau khi mua cổ phiếu mới được thực hiện giao dịch, song hiện nay tùy CTCK, tùy đẳng cấp của NĐT, những giao dịch T+0, T+1, T+2, T+3 đã trở nên phổ biến. Sắp tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ có công văn nhắc nhở các CTCK chấn chỉnh tình trạng này.

Việc “loạn” ngày T ở khía cạnh nào đó gây ra tình trạng bất bình đẳng trên TTCK song thực tế lại đặt ra một yêu cầu cấp thiết và chính đáng hơn với các NĐT: cần rút ngắn thời gian thanh toán.

Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện quy trình thanh toán bù trừ đa phương cho cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Cụ thể, vào ngày giao dịch T+0, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) nhận kết quả kinh doanh từ hai Sở GDCK, dựa trên kết quả này VSD in báo cáo, rồi chuyển cho các thành viên lưu ký (CTCK) sao khớp. Thành viên lưu ký phải kiểm tra đối chiếu, xác minh chính xác giao dịch và xác nhận với VSD chậm nhất vào ngày T+2, dựa trên đó Trung tâm xác nhận với các thành viên ngày T+2. Ngày T+3, VSD kiểm tra tiền, xác định số chứng khoán trên tài khoản thành viên, có biện pháp khắc phục nếu thành viên để xảy ra tình trạng thiếu tiền, chứng khoán và hoàn tất giao dịch vào 15h chiều ngày T+3. Như vậy, về lý thuyết, phải đến sáng ngày T+4, cổ phiếu mới về tài khoản và được bán nếu NĐT đặt lệnh.

Do thị trường biến động rất lớn đòi hỏi quyết định linh hoạt của NĐT, trong khi VSD không quản lý chi tiết tới từng tài khoản của NĐT mà chỉ quản lý tài khoản tổng thể hiện chứng khoán và tiền mặt thuộc sở hữu của toàn bộ NĐT mở tài khoản tại các CTCK, nên nhiều hình thức “sáng tạo” đã được áp dụng, mua - bán chứng khoán ngay trong phiên, mua hôm nay bán ngày T+1, T+2, T+3... Tất nhiên, không phải bất cứ khách hàng nào mở tài khoản tại các CTCK đều được “đặc cách” như vậy và không phải bất cứ mã chứng khoán nào cũng được linh hoạt đáp ứng nhu cầu của NĐT. Thông thường, CTCK có một danh sách những cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, khách hàng có thể tham gia trading T+1, T+2 và danh sách này thay đổi từng ngày. Có nơi áp dụng khách hàng phải mua lô lớn từ 10.000 - 15.000 chứng khoán trở lên mới được T+1; 5.000 chứng khoán trở lên mới được T+2, có nơi áp dụng mức thấp hơn... Cũng vì danh sách chứng khoán được đặc cách, mỗi nơi mỗi khác như thế nên nhiều NĐT “đại gia” mở tới vài tài khoản tại vài CTCK để danh mục chứng khoán có thể lướt sóng thêm phong phú. Cũng chính vì dịch vụ này quá phổ biến nên hiện nay hiếm có mã chứng khoán nào tăng liên tục được nhiều phiên, bất kể có thông tin tốt tới đâu, kỳ tăng điểm chỉ kéo  được 3 - 4 phiên đã là dài, phổ biến chỉ 1 - 2 phiên là đảo chiều. Diễn biến khó lường như vậy khiến những NĐT nhỏ lẻ chịu chu kỳ T+4 thường thiệt thòi và gánh phần thua lỗ.

“Loạn ngày T” cũng là một trong những lý do khiến thị trường đồn đoán về cuộc chiến tranh giành thị phần của những CTCK lớn trên thị trường. CTCK A đưa ra nhiều ưu đãi kéo khách VIP của CTCK B; để kéo lại khách, CTCK B còn ưu đãi mạnh tay hơn với danh sách các mã chứng khoán phong phú hơn... Như một cuộc cạnh tranh bất tận, các CTCK nhỏ cũng vào cuộc ở phạm vi khiêm tốn hơn. Trước diễn biến lộn xộn như vậy, theo một nguồn tin từ UBCK, sắp tới cơ quan này sẽ có văn bản yêu cầu các CTCK không được cho khách hàng bán chứng khoán ngày T+0, T+1, T+2.

Liệu yêu cầu này có được thực thi nghiêm túc, sẽ cần thời gian để có câu trả lời. Tuy nhiên, thực tế từ thị trường cho thấy khó có thể ngăn chặn được hoàn toàn hiện tượng này bằng mệnh lệnh hành chính, bản thân các CTCK vì cạnh tranh, lợi ích sinh tồn buộc phải đưa ra dịch vụ mới để thu hút NĐT. Giải quyết tình trạng này chỉ có thể bằng hai cách: hoặc rút ngắn thời gian thanh toán hoặc VSD quản lý tài khoản 2 cấp, đến tận NĐT thay vì quản lý tài khoản tổng như hiện nay.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) và Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), thời gian thanh toán của các thị trường càng được rút ngắn càng tốt và chỉ nên tối đa là T+3. Trong một buổi hội thảo giữa tuần này tại Hà Nội, bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc VSD cho biết, trong định hướng phát triển của VSD có kế hoạch từng bước rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán phù hợp với mô hình của từng thị trường niêm yết, chưa niêm yết, phái sinh. Việc có rút ngắn được thời gian thanh toán hay không phụ thuộc lớn vào tiến độ triển khai các dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ của VSD, vào khả năng kết nối trực tuyến giữa VSD, 2 Sở giao dịch và các CTCK. Làm được điều này, VSD cũng sẽ quản lý được tới từng tài khoản của NĐT.

Trong khi việc kết nối đang được thử nghiệm, nhiều ý kiến cho rằng, nên áp dụng thoáng quy định ngày T. Sau khi VSD đã chốt thanh toán, bù trừ với các thành viên vào ngày T+2, coi như giao dịch đã hoàn tất thì nên cho phép NĐT giao dịch ngay trên tài khoản, rút ngắn thời gian giao dịch một ngày như cách làm linh hoạt hiện nay rất nhiều CTCK đang áp dụng cho một bộ phận NĐT.

TS. Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính tiền tệ quốc gia: "Thực tế thị trường đòi hỏi cần phải rút ngắn thời gian thanh toán"

 

TTCK đã vận hành gần 10 năm mà thời gian thanh toán vẫn là T+3, thực tế thị trường đòi hỏi cần phải rút ngắn lại. Với giao dịch chứng khoán, lệnh đã khớp là hợp đồng đã ký kết, không có chuyện người mua, người bán được thay đổi, còn thời gian thanh toán T+2 hay T+3 phụ thuộc nhiều vào điều kiện kỹ thuật. Hiện nay, khi đặt mua chứng khoán, theo quy định, NĐT dứt khoát phải chờ đến ngày thứ 4 mới có thể giao dịch, vì khi đó tài khoản mới có chứng khoán, trong khi đặt bán chứng khoán nhờ các dịch vụ hỗ trợ tài chính NĐT có thể ứng trước tiền bán chứng khoán ngay sau khi lệnh khớp. Sau 10 năm vận hành và phát triển, NĐT đã trưởng thành và chuyên nghiệp hơn rất nhiều, thị trường cũng có diễn biến ngày một phức tạp. Thực tế này khiến NĐT có nhu cầu rất lớn về việc rút ngắn thời gian thanh toán để có thể quay vòng vốn nhanh hơn, thị trường có thêm tính thanh khoản.

 

Để thực hiện việc rút ngắn quy trình thanh toán giao dịch chứng khoán không đơn giản bởi không chỉ là những bước xử lý nghiệp vụ thuần tuý tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, mà còn bao gồm nhiều công đoạn liên quan với sự tham gia của các bên như khả năng ứng dụng, đầu tư công nghệ của CTCK, ngân hàng chỉ định thanh toán..., đồng thời phải lường được rủi ro có thể phát sinh khi khối lượng đầu tư, quy mô luân chuyển cổ phiếu lớn. Với cạnh tranh và đầu tư rất lớn trong lĩnh vực tài chính như hiện nay, hy vọng rằng sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các bên sớm đem lại thuận lợi cho NĐT trong quá trình giao dịch.

Thủy Anh thực hiện