Nhà đầu tư tham gia SGDV ngày một nhiều hơn

Nhà đầu tư tham gia SGDV ngày một nhiều hơn

Sàn giao dịch vàng: Luật chơi đâu?

(ĐTCK-online) Sau thành công của ACB trong việc mở sàn giao dịch vàng (SGDV), hàng loạt ngân hàng và doanh nghiệp vàng bạc đã liên tiếp đưa ra kế hoạch thành lập SGDV của mình. Cùng với những kế hoạch của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng đã bắt tay xây dựng cơ chế quản lý cho hoạt động này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đang bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch trên.

Ngoài các SGDV sắp triển khai của VietA Bank, PNJ, Sacombank và SGDV Sài Gòn hiện hữu, sắp tới VGTA sẽ có trung tâm giao dịch vàng dưới sự hỗ trợ của NHNN. VGTA đã có đề án xin NHNN thành lập SGDV tại TP. HCM, Hà Nội vào cuối năm 2008. Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch VGTA, nếu được NHNN hỗ trợ tích cực, chắc chắn SGDV của VGTA sẽ có nhiều ưu việt hơn so với các SGDV khác. VGTA ra mắt SGDV sẽ tập hợp được các nhà đầu tư lớn, bao gồm cả khối doanh nghiệp và ngân hàng thương mại có kinh doanh vàng.  Tuy nhiên, theo ông Bảng, để giúp SGDV của VGTA cũng như các sàn vàng của nhiều thành viên khác trong Hiệp hội hoạt động một cách bài bản, cần sớm có quy chế hoạt động. Điều này đã được VGTA kiến nghị lên NHNN. VGTA cho rằng, nhiều SGDV ra đời nhằm hình thành và phát triển thị trường vàng có tổ chức, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, để hoạt động tốt, theo kiến nghị của VGTA, nên sớm đưa ra khung pháp lý, mang tính chuẩn mực, áp dụng cho các SGDV cũng như trung tâm giao dịch vàng hình thành trong tương lai, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia đầu tư.

Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) - đơn vị sắp thành lập SGDV, ông Phạm Duy Hưng cho rằng, so với các kênh đầu tư khác, vàng được xem là công cụ đầu tư không thua tính hấp dẫn. Đầu tư vào vàng đang rất sôi động trên thị trường, nhất là ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia, vì khả năng sinh lợi không thua kém chứng khoán, bất động sản. Đáng chú ý, khi tốc độ lạm phát tăng cao, chứng khoán giảm, bất động sản đóng băng… nên nhiều người chọn vàng làm nơi trú ẩn. Việc kinh doanh vàng cũng đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong thời gian qua. ACB là đơn vị đưa vào thử nghiệm SGDV đầu tiên, nhưng có ngày lượng mua bán của nhà đầu tư lên mức kỷ lục, đạt 400.000 lượng/ngày.

Nhưng theo ông Hưng, bên cạnh những thuận lợi đầu tư vào vàng, rủi ro cũng không thua kém so với các kênh đầu tư khác. Chính vì vậy, VietA Bank muốn có một minh định cụ thể để thành lập SGDV, nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và cả chính Ngân hàng. Trên thực tế, đối với SGDV ACB thời gian qua đã gặp vài sự cố ngoài khả năng của Ngân hàng. Lượng nhà đầu tư tham gia SGDV ngày một nhiều hơn, nhu cầu rút vàng sau khi kinh doanh từ đó gia tăng buộc ACB phải ký lại hợp đồng, với quy định nhà đầu tư chỉ được rút 10 lượng/ngày, thay vì rút được toàn bộ như hợp đồng trước đó nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, ACB đã giảm hạn mức tín dụng cấp cho nhà đầu tư trên SGDV Sài Gòn tối đa chỉ còn 30 tỷ đồng (trước đó là 100 tỷ đồng). Theo ACB, hoạt động đầu tư vàng hàm chứa nhiều rủi ro khác nhau nên cần có biện pháp phòng ngừa.

Sự ra đời cũng như quản lý của một số SGDV hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, chưa có một quy chế nào để áp dụng cho hoạt động này. Nhà đầu tư tham gia chỉ biết thực hiện theo quy định của các đơn vị chủ quản SGDV, trong khi thị trường vàng đang tiếp tục nóng lên. Giới chuyên gia dự báo, giá vàng sẽ biến động phức tạp và có xu hướng phục hồi trở lại mức cao, trên 1.000 USD/ounce trong năm nay, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thừa nhận nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2008. Vì vậy, việc FED tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản của đồng USD là điều khó tránh khỏi. Trong năm 2008, lãi suất cơ bản đồng USD được dự báo cắt giảm còn 1,5 - 2%/năm. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên giá trị đồng USD và làm đồng tiền này suy yếu dần, nhưng ngược lại sẽ tác động tích cực lên giá vàng. Vàng cao giá sẽ thôi thúc nhiều nhà đầu tư đến sàn kinh doanh kiếm lãi. Thế nhưng, với cách làm tự phát của một vài SGDV hiện nay, nhiều người cho rằng, khó hạn chế được rủi ro cho nhà đầu tư  và nên sớm có quy định cụ thể.

Đến nay, chưa có quy định nào áp dụng cho SGDV, trong khi nhu cầu thành lập sàn vàng của các ngân hàng và doanh nghiệp trong ngành ngày càng gia tăng. Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, ông Phí Đăng Minh cũng cho rằng, cần có một quy định cụ thể để áp dụng đối với SGDV tại Việt Nam. Do đó, NHNN sẽ khảo sát và học tập kinh nghiệm ở các nước đã triển khai SGDV để tìm ra cơ chế và mô hình quản lý phù hợp trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo ông Minh, việc ra đời của nhiều SGDV là điều cần khuyến khích, vì sẽ tạo điều kiện tốt cho những người có nhu cầu kinh doanh mặt hàng kim loại quý này.