Ông Lê Xuân Nghĩa.

Ông Lê Xuân Nghĩa.

Sửa 03, tại sao lại chặt hơn?

(ĐTCK-online) Thông tin NHNN quy định cụ thể về hướng sửa đổi Chỉ thị 03 khiến hầu hết thành viên thị trường đều bất ngờ, bởi thay vì nới lỏng, cách kiểm soát mới khiến cho vốn ngân hàng chảy vào TTCK dường như khó khăn hơn. Được biết, đây mới chỉ là dự thảo, và NHNN chưa ban hành quyết định cuối cùng về vấn đề này. Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược chính sách, NHNN cho biết, nếu ban hành quy định theo hướng như vậy, chính sách khó có thể đi vào cuộc sống.

Thưa ông, dư luận băn khoăn tại sao NHNN lại sửa đổi Chỉ thị 03 theo chiều hướng chặt chẽ hơn như vậy?

Lúc đầu, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi theo thông lệ quốc tế, theo đó các ngân hàng tự chủ cho vay kinh doanh chứng khoán, tự xây dựng quy trình nghiệp vụ cho vay hệ thống quản trị rủi ro, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định cố định tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Hiểu một cách nôm na, như dự kiến trước đây, ngân hàng được tự chủ cho vay chứng khoán, nhưng nếu anh cho vay 100 đồng, anh phải bỏ ra một tỷ lệ nào đó vào quỹ dự phòng, nếu quỹ này không sử dụng thì năm sau anh được hoàn lại. Nhưng có thể do NHNN chưa đạt được sự thống nhất với Bộ Tài chính, vì phần trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng liên quan đến thuế. Vì vậy, để sửa đổi cơ chế kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán, trong thẩm quyền của mình, NHNN đã thay việc trích lập dự phòng rủi ro bằng quy định hệ số rủi ro. Nếu tổ chức tín dụng nào có số dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán cao sẽ khó đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

 

Nếu như trích tỷ lệ dự phòng rủi ro thì chi phí trên một đồng vốn bỏ ra cao và lợi nhuận ngân hàng có thể giảm, nộp ngân sách giảm. Liệu đây có phải là mối lo của cơ quan thuế?

Thực ra, nhìn như vậy thì chỉ là ngắn hạn, bởi nếu anh trích dự phòng rủi ro nhưng không sử dụng, đến năm sau anh sẽ được nhập vào vốn, lợi nhuận do đó khả quan hơn.

 

Nếu thực hiện theo hướng trích dự phòng rủi ro thì tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý, thưa ông?

30% là hợp lý,  những ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi 03 cũng nhất trí như vậy, nhưng không hiểu sao giữa hai cơ quan Bộ Tài chính và NHNN chưa có được thỏa thuận.

 

Có ý kiến từ trong NHNN cho rằng, đừng coi chính sách tiền tệ là bệ đỡ cho TTCK. Vậy liệu quy định cho vay chứng khoán chặt chẽ hơn có phải là việc bắt buộc đối với  NHNN?

Chính phủ đã ra quy định phải sửa đổi Chỉ thị 03 và cũng đã ra quy định kích cầu chứng khoán, không có lý gì chính sách tiền tệ phải đi ngược lại. Hơn nữa, ở nước ngoài, khi quy định những vấn đề tương tự, người ta tính chỉ tiêu tài chính của ngân hàng dựa trên trên vốn tự có và tổng tài sản chứ không ở đâu dựa trên vốn điều lệ.

 

Vậy thông lệ quốc tế thường quy định như thế nào?

Nếu như tổng dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán bằng 15 - 20% vốn điều lệ, thì tỷ lệ đó tương đương với 1,5 - 2% tổng tài sản (ngầm định tổng tài sản tính bằng 10 lần vốn điều lệ), nếu như tính tổng tài sản bằng 15 lần vốn điều lệ thì tỷ lệ trên còn thấp hơn. Trong khi ở các nước, cho vay kinh doanh chứng khoán thường chiếm khoảng 10% tổng tài sản.  Điều này phản ánh việc ban hành chính sách như trên là thiếu thực tiễn.

Trên thế giới, ngoài Việt Nam , chỉ có mỗi một nước là Ấn Độ đưa ra tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán không được vượt quá 5% tổng tài sản. Tất cả các nước còn lại đều không cấm, thay vào đó, từng ngân hàng một sẽ tự đưa ra các quy định để quản lý đối với cho vay kinh doanh chứng khoán. Có thể họ áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh chứng khoán phải cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Cũng có nơi quy định từng mã cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ cho vay khác nhau, tuỳ theo thứ tự xếp hạng. Chẳng hạn, một mã cổ phiếu tốt, ngân hàng có thể cho vay tới 85% giá trị tài sản thế chấp, nhưng ngược lại một mã cổ phiếu xấu, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 30%. Tuy nhiên, cách thông dụng nhất là Ngân hàng trung ương sẽ đưa ra những quy định về trích lập dự phòng rủi ro. Anh cứ cho vay kinh doanh chứng khoán, nhưng cho vay 100 đồng thì phải bỏ vào quỹ dự phòng rủi ro mấy chục đồng. Có nơi lại quy định, Ngân hàng trung ương sẽ kiểm tra đánh giá, ngân hàng nào nào quản trị rủi ro tốt thì cho vay, nếu kém thì sẽ bị "tuýt còi".

Thủy Nguyễn thực hiện.

Tin liên quan:

>> Sửa chỉ thị 03, ngân hàng và nhà đầu tư nghĩ gì?