Sửa Chỉ thị 03 Ngân hàng và nhà đầu tư nghĩ gì?

Sửa Chỉ thị 03 Ngân hàng và nhà đầu tư nghĩ gì?

(ĐTCK-online) Sau thông báo mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc sẽ thay đổi quy định về cho vay cầm cố chứng khoán, TTCK Việt Nam 2 phiên vừa qua đã có phản ứng rất tích cực. Tuy nhiên, đằng sau sự điều chỉnh này là gì? Các ngân hàng có được nới lỏng tín dụng chảy vào TTCK hay không và nhà đầu tư liệu có thực sự được hỗ trợ vốn từ ngân hàng để đầu tư hay không? ĐTCK xin giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.

Ông Trịnh An Huy, Chủ tịch CLB Các nhà đầu tư chứng khoán

Nếu NHNN quy định, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của ngân hàng co giãn trong khoảng 15-20% vốn điều lệ là phù hợp. Trước đây, việc cho vay theo tổng dư nợ rất khó quản lý, vì dư nợ của các ngân hàng luôn biến động, lúc nên lúc xuống. Việc cho vay theo tỷ lệ vốn điều lệ sẽ tạo ra hai hiệu ứng tích cực. Trước hết, các ngân hàng sẽ tích cực tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu của NHNN quy định: các ngân hàng TMCP phải đạt tối thiểu 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 2010; mặt khác sẽ nâng được khoản cho vay đầu tư chứng khoán.

Đối với nhà đầu tư, đây là một hiệu ứng tâm lý rất tốt. Thực ra, thị trường đã xuống rất sâu rồi, giá nhiều cổ phiếu khá rẻ nhưng nhà đầu tư vẫn chưa mua vào vì lo ngại giá sẽ còn xuống tiếp. Chủ trương trên được xác nhận qua kênh chính thức NHNN là ngọn lửa thổi bùng lên, làm cho giao dịch sôi động hơn hẳn. Tuy nhiên, đây chỉ là sự nâng đỡ tâm lý. Việc tăng đột biến như phiên ngày 30/1/2008 chỉ mang tính tức thời, chứ không tăng một mạch.

 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc VIB Bank

Nếu nhìn về góc độ kỹ thuật của các ngân hàng thương mại và những người kinh doanh chứng khoán thì tất nhiên là không mấy hợp lý, vì quy định mới lại khó khăn hơn quy định cũ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi tốc độ lạm phát gia tăng, đứng về góc độ quản lý của NHNN không thể làm khác. Bên cạnh đó, nếu không có sự dự báo và dự phòng trước sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Với quy định mới hiện nay về cho vay cầm cố chứng khoán cũng không ảnh hưởng gì đến các ngân hàng cổ phần, vì trước đó họ đã nhanh chóng thu hồi nợ cho vay. Tuy nhiên, nếu NHNN tiếp tục siết chặt tín dụng thì khó khăn sẽ chồng chất lên các nhà băng, do tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã tăng cao.

 

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Dong A Bank

Hiện các ngân hàng cổ phần đang đau đầu với bài toàn tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, việc siết thêm tín dụng cho vay cầm cố cổ phiếu cũng không phải là điều không mấy ngạc nhiên. Trước đó, nhiều ngân hàng dự đoán rằng, NHNN sẽ có những biện pháp mới để thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ khó khăn hơn khi một trong những loại hình tín dụng càng bị siết chặt mạnh. Áp lực về lợi nhuận và cổ tức của ngân hàng từ đó sẽ gia tăng. Tuy nhiên, để có được nguồn lợi trên, các ngân hàng phải quản lý một lượng vốn điều lệ rất lớn. Chính vì vậy, khó khăn trong việc thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và doanh thu của nhà băng.


Anh Đào Hải Nguyên,
nhà đầu tư tại sàn VN Direct

Năm 2007, theo tôi được biết, tính trung bình nhà đầu tư mất khoảng 35% giá trị, nên việc thị trường đi lên trong những ngày qua tạo ra sự hào hứng rất lớn. Phản ứng tích cực của thị trường là do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có thông tin chính thức từ phía NHNN sẽ quản lý việc cho vay đầu tư chứng khoán theo cách mới. Cụ thể, quy định các ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán bằng 15-20% vốn điều lệ. Với quy định như vậy, theo tôi, sẽ công bằng hơn đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, quy định mới cũng không hẳn cho phép ngân hàng được cho vay đầu tư chứng khoán nhiều hơn, mà phụ thuộc vào vốn điều lệ của từng ngân hàng. Do đó, nhiều khả năng sẽ khởi động một cuộc đua tăng vốn điều lệ rất khốc liệt giữa các ngân hàng TMCP. Vì vậy, NHNN cần kiểm tra, giám sát mục đích tăng vốn của các ngân hàng.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư không kỳ vọng vào quy định mới về cho vay đầu tư chứng khoán khiến họ được vay nhiều hơn, mà quan trọng là tính phù hợp và ổn định tương đối dài hạn của chính sách này. Minh chứng, trong giai đoạn thị trường điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư có tiền nhưng vẫn không giải ngân.

Thanh Đoàn - Thuỳ Vinh thực hiện.

Tin liên quan:

>> Sửa 03, tại sao lại chặt hơn?