Tái cấu trúc DNNN, bắt đầu từ đâu?

(ĐTCK-online) Tại Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa bế mạc, có một nội dung mới rất quan trọng được xem xét và quyết định là tập trung vào việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hội nghị cũng chỉ ra ba lĩnh vực quan trọng nhất cần tái cơ cấu, đó là đầu tư công, thị trường tài chính và DNNN. ĐTCK xin giới thiệu góc nhìn của PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Chuyên gia kinh tế - tài chính cao cấp của Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam về vấn đề tái cơ cấu DNNN.

Kể từ ngày 1/7/2006, các thành phần DN đều chuyển sang hoạt động theo Luật DN. Khái niệm DNNN được hiểu bao gồm: công ty TNHH hai thành viên, công ty TNHH một thành viên, DN có cổ phần chi phối của Nhà nước. Thực tế hiện nay, những DN thuộc sở hữu nhà nước hoặc có sở hữu nhà nước chiếm số lượng không lớn trong tổng số DN đang hoạt động ở nước ta, nhưng nắm giữ lượng tài sản, lượng vốn tương đối lớn trong nền kinh tế. Nhiều DN đang nắm giữ nguồn lợi độc quyền như dầu khí, điện, xăng dầu, khai khoáng…

Vừa qua, một số công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, kinh doanh thua lỗ gây bức xúc trong dư luận, rất cần sự mổ xẻ, phân tích để hiểu đúng tính chất hoạt động của DNNN, tìm ra nguyên nhân của hiệu quả kinh doanh thấp, để từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục.

 

Những yếu kém của DNNN

Có thể nói, đến nay, mô hình tổ chức tập đoàn kinh tế vẫn chưa được quy định rõ ràng, có quá nhiều thí điểm nhưng lại không được tổng kết để rút ra mô hình chuẩn. Thực tế, con đường hình thành tập đoàn không thể bằng cách khớp nối các DN mà các tập đoàn phải dựa trên quá trình tái cấu trúc DN, cổ phần hóa, tìm kiếm thị trường. Nếu mô hình tập đoàn kinh tế dựa quá nhiều vào vốn nhà nước sẽ dẫn đến hệ lụy như Vinashin.

Bên cạnh đó, việc chậm chuyển đổi cơ cấu kinh tế DN khiến nhiều DN thành lập mới  đầu tư theo phong trào. Ngay trong bản thân các ngành công nghiệp có lợi thế, tiềm năng lớn như dệt may, công nghệ, thực phẩm, cơ cấu kinh tế cũng rất nghèo nàn.

Việc xác lập đại diện chủ sở hữu, về văn bản thì rõ ràng là Nhà nước sở hữu vốn các DN, nhưng lại chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng về đại diện chủ sở hữu và thiếu các chế tài pháp luật liên quan. Nhiều quy định "bó tay" người đại diện, song có quy định lại chưa chặt chẽ, không kiểm soát được hành vi dẫn đến các việc làm sai trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người đại diện vốn nhà nước.

Không chỉ thiếu các quy định pháp luật liên quan, thiếu mô hình hoạt động chuẩn, việc chuyển hình thức sở hữu, sắp xếp DN, cải cách quản trị kinh doanh cũng rất chậm. Cổ phần hóa nhằm thay đổi hình thức sở hữu, cung cách kinh doanh, quản lý nhưng những con người đó không hoán vị, không tìm được đường hướng mới. Điều này dẫn đến phương thức, cách thức điều hành quản trị DN không thay đổi, trong khi cổ phần hóa đáng lẽ phải là bước đột phá để phát triển DN.

Chất lượng, phẩm chất, năng lực quản lý của cả hệ thống kém, thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi chuyển đổi DN, thiếu sự giám sát ở nơi này nơi khác.

Nhà nước không phải cơ quan quản lý hành chính DN, trong khi phân định trách nhiệm quản lý DN giữa các cơ quan lại buông lỏng. Nhà nước chưa có cơ chế giám sát hữu hiệu, cả giám sát từ xa, lẫn cảnh báo. Đơn cử, trước đây, công tác kế toán được kiểm tra chặt chẽ, hạn chế tối đa sai sót của quy trình, nhưng từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, công việc này không được thực hiện chặt, từ kiểm tra tài chính, kiểm toán nội bộ, phân tích tài chính thường niên…, chủ sở hữu đều làm chưa tốt.

Giải pháp nào cho tái cơ cấu DNNN?

Trong lúc cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vẫn tiếp diễn, những khuyết tật của nền kinh tế, của phong trào đầu tư theo chiều rộng đang dần bộc lộ những hệ quả. Đây là thời điểm chúng ta cần tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế có chủ định, chuyển đổi một cách căn bản từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu. Ở góc độ vi mô, DN cần tái cơ cấu ngành nghề sản phẩm, sắp xếp cơ cấu đầu tư mở rộng, có chiều sâu, đầu tư mới.

Ở góc độ quản lý vĩ mô, Nhà nước cần sớm ban hành một cách đồng bộ những quy định mang tính pháp lý liên quan đến hoạt động của DNNN. Trước hết, cần đổi mới toàn bộ cung cách quản trị DNNN bằng việc sớm ban hành văn bản xác định đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Người đại diện này phải có năng lực, được trao quyền song cũng phải chịu quy định chặt chẽ về trách nhiệm với nguồn lực, vật tư họ nắm giữ.

Cần có những quy định mang tính định hướng, chặt chẽ hơn về phạm vi hoạt động. DNNN phải tập trung vào ngành nghề chính, không khuyến khích đầu tư ngoài ngành. Tất nhiên, DNNN có thể đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực gắn với hoạt động kinh doanh chính, song không nên quá 10% vốn chủ sở hữu. Mặt khác, cần ràng buộc cơ chế trách nhiệm, đảm bảo DN kinh doanh ngành nghề tay trái đó có phương án đem lại hiệu quả hơn ngành nghề chính và DN cần chứng minh được mình có tiềm lực...

Thể hiện rõ vai trò quản lý của nhà nước, chủ sở hữu vốn nhà nước bằng các quy định, yêu cầu người đại diện có cam kết bằng văn bản về trách nhiệm cá nhân, gắn với phân chia kết quả, quyền lợi, công khai lợi nhuận của những khoản đầu tư của DNNN và vấn đề bảo toàn nguồn vốn đó.

Tăng cường vai trò kiểm soát vốn nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô bằng những quyết định mang tính lập pháp.