Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì khả năng tăng trưởng bền vững

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì khả năng tăng trưởng bền vững

Tập trung kiềm chế lạm phát, đồng thời duy trì tăng trưởng

Ngày 2/6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2008, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân. Trong tháng 6 và những tháng tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo kiềm chế lạm phát, đồng thời duy trì tăng trưởng, ngăn chặn mức nhập siêu cao, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng.

Các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; về điều hành kinh tế vĩ mô; cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng; tác động hội nhập với nền kinh tế sau hơn một năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết TƯ 6 khóa X; dự án Luật Thủ tục hành chính…do lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ trình.                                         

 

Kinh tế tiếp tục  đà  phát triển khá, tình hình xã hội ổn định

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh thế thế giới tiếp tục suy thoái, giá cả tăng cao, nhưng kinh tế  trong nước tháng 5 và năm tháng đầu năm 2008 tiếp tục đà phát triển khá. Giá trị sản lượng công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2007, một số ngành tăng trưởng cao là dệt may, điện tử, nhựa… Vụ lúa Đông Xuân phía Nam thu hoạch tăng cả về năng suất (3,7%) và sản lượng (5,8%); lúa Đông Xuân phía Bắc đang phát triển tốt; đàn lợn giảm 3% do dịch tai xanh, nhưng đàn bò đã tăng 3%, đàn gia cầm tăng 6%. Sản lượng thuỷ sản tháng 5 tăng 8,1% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao; có 130 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký trên 7,4 tỷ USD, đưa tổng số dự án được cấp phép 5 tháng đầu năm nay lên 324 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 14,7 tỷ USD, tăng 160% so với 5 tháng đầu năm 2007. “Điều đó thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ. Giá trị xuất khẩu 5 tháng của hầu hết mặt hàng đều tăng, tổng kim ngạch ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 27,2%, đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây. Nhập khẩu tháng 5 ước giảm trên 200 triệu USD so với tháng 4, nên nhập siêu tháng 5 là 55,3%, tuy vẫn cao nhưng đã giảm so với mức nhập siêu tháng 4 (64,7%). Dịch vụ, du lịch cũng đạt mức tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 5 tháng tăng 29,7% so với cùng kỳ. Bộ Tài chính cũng đã thực hiện cấp bù giá dầu cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với số tiền 6.314 tỷ đồng, bằng khoảng 95% số lỗ do các doanh nghiệp đề nghị. Các hoạt động khoa học công nghệ, văn hoá xã hội, xoá đói giảm nghèo tiếp tục được triển khai theo đúng tiến độ, chương trình, kế hoạch năm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định.

 

4 khó khăn, thách thức lớn về kinh tế - xã hội cần vượt qua

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dung chỉ rõ, kinh tế - xã hội nước  ta đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn:

 

Một là, giá tiêu dùng vẫn tăng cao; Hầu hết giá các nhóm hàng hoá và dịch vụ tháng 5 tuy đã giảm nhẹ hoặc chỉ tăng ở mức 0,3% đến dưới 2%, nhưng giá lương thực tăng đột biến tới 22,19%, làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao trở lại (3,91%) sau 2 tháng đã giảm nhẹ (tháng 3: 2,99%, tháng 4: 2,2%) và chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng tăng 19,09% so với cùng kỳ. Giá lương thực tăng cao chủ yếu do giá lương thực thế giới tăng mạnh, kéo giá trong nước tăng; ngoài ra, những thông tin thất thiệt và hiện tượng đầu cơ trong những ngày cuối tháng 4 ở một số địa phương cũng góp phần làm giá lương thực tăng đột biến. Giá vàng và ngoại tệ trong những ngày gần đây cũng có những biến động tương tự.

 

Hai là  giá cả tăng cao làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó  khăn, nhất là đói giáp hạt tăng lên, cả nước có hơn 181 nghìn hộ với 766.900 nhân khẩu bị thiếu đói.

 

Ba là, nhập siêu vẫn còn lớn, đe doạ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nhập siêu của 5 tháng đầu năm đã ở mức trên 14,4 tỷ USD, cao hơn mức nhập siêu của cả năm 2007 và đang có xu hướng tiếp tục tăng.

 

Bốn là khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách, trái phiêu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra.

 

Kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, mỗi Bộ, ngành, địa phương nỗ lực phát huy các kết quả, thành tích đạt được; nghiêm túc nhìn nhận yếu kém, bất cập, khắc phục ngay trong tháng 6/2008 và những tháng tiếp theo thực hiện kiềm chế lạm phát, đồng thời duy trì tăng trưởng. Thủ tướng cho rằng đối với 2 nhiệm vụ trọng tâm này, các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp nhịp nhàng, thích hợp mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Thường trực Chính phủ sẽ thường xuyên giao ban với các Bộ, ngành, địa phương để cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn cụ thể. Thủ tướng tin rằng, với việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã đề ra, năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ đạt khoảng 7%.

 

Thủ tướng nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm phải kiên quyết ngăn chặn mức nhập siêu cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tổng cán cân thanh toán của nền kinh tế. Trong đó, giải pháp số một là đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập khẩu những mặt hàng chưa cấp thiết. Một số mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như ô tô du lịch, điện thoại đắt tiền…cần phải nâng thuế nhập khẩu cao hơn nữa.

 

Chăm lo cho đời sống người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng yêu cầu một số địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ đúng đối tượng nghèo, khó khăn, không được làm tắc trách, chia đều, trong đó đặc biệt cần chú ý nhanh chóng có chính sách cụ thể giúp 58 huyện khó khăn nhất trong cả nước thoát nghèo.

 

Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án trọng điểm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Các Bộ, ngành chức năng cũng khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

 

Thủ tướng nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành:  Tài chính, Ngân hàng, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng…phải chủ động kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan thông tin đại chúng. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí trong nước đăng tải thông tin chính xác, thận trọng, phản ánh đúng bản chất sự việc, không được làm sai lệch sự thật.