Thách thức chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng nhỏ

Thách thức chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng nhỏ

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ thường niên của ngân hàng năm 2013 đang cận kề, song rất ít ngân hàng quy mô vừa và nhỏ hé lộ kế hoạch kinh doanh của năm 2013.

Thách thức chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng nhỏ ảnh 1Trong năm qua, rất ít ngân hàng đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, kể cả với ngân hàng lớn

 

Các nhà băng tỏ ra thận trọng khi nói về mục tiêu lợi nhuận của năm nay, đồng thời cho biết, khó có thể kỳ vọng đạt cao hơn năm vừa qua. Bởi lẽ, hoạt động cho vay gặp khó khăn, chi phí đầu vào chưa thể giảm so với trần lãi suất huy động 8%/năm, trong khi phải giảm lãi suất cho vay mới có thể thu hút được khách hàng tốt, kích cầu được tăng trưởng dư nợ.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc NamA Bank cho biết, cái khó nhất trong phát triển hoạt động cho vay hiện nay chính là cạnh tranh để tìm kiếm được khách hàng tốt cho vay. Trong khi đó, chưa hẳn các doanh nghiệp tốt, có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi đã chọn phương án sử dụng vốn vay để mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong lúc này. Bởi lẽ, tình hình chung là hàng tồn kho tăng, sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm hạn chế. Do đó, dù tín dụng dù có “mở” cũng chưa chắc sẽ tăng trưởng nhanh.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, đây là giai đoạn để các ngân hàng tiếp tục tái cơ cấu bộ máy và nâng cao khả năng quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro trong hoạt động tín dụng để hạn chế tối đa nợ xấu gia tăng. Trong bối cảnh này, NamA Bank không thể đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận cao cho năm 2013, mà chỉ kỳ vọng bằng kế hoạch năm 2012 ở mức 600 tỷ đồng.

Trên thực tế, trong năm qua, rất ít ngân hàng đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, kể cả với ngân hàng lớn như Eximbank, ACB, Sacombank hay Techcombank. Nguyên nhân là do nợ xấu tăng cao, kéo theo các khoản trích lập dự phòng tăng mạnh, khiến lợi nhuận của các ngân hàng chỉ bằng 50 - 60% chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), điều đó đã phản ánh đúng thực trạng hoạt động của các ngân hàng.

Các nhận định đưa ra cho năm nay đối với hoạt động của ngành ngân hàng là còn nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tín dụng khó tăng, nợ xấu chưa giảm, trong khi nhà băng phải cạnh tranh lãi suất để thu hút khách hàng tốt cho vay. Điều này sẽ khiến lợi nhuận sụt giảm. Do đó, về chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013, các nhà băng lớn khó kỳ vọng đạt mức cao và đối với các ngân hàng nhỏ, đạt bằng năm ngoái cũng đã là thách thức.

Theo Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung, về cơ bản, các ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận năm 2013 sẽ tốt hơn so với năm 2012. Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng bền vững, các ngân hàng sẽ đặt mục tiêu quản trị rủi ro lên hàng đầu, thay vì lợi nhuận cao, nhưng rủi ro tiềm ẩn. Các ngân hàng sẽ rất thận trọng khi đề ra chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Tổng giám đốc MeKong Bank, ông Tay Han Chong chia sẻ, dù tình hình thị trường và tăng trưởng tín dụng khó khăn trong năm 2013, nhưng MeKong Bank vẫn đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 300 tỷ đồng so với mức đạt được của năm ngoái là 147 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng đáng kể là áp lực không nhỏ, nhưng Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo sự tăng trưởng đi cùng với chất lượng tín dụng tốt và khả năng thanh khoản mạnh.

Mặc dù Chính phủ đã có các giải pháp đưa ra trong năm 2013 thể hiện ý chí, quyết tâm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu…, thế nhưng, theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong ngắn hạn, những khó khăn từ kinh tế vĩ mô (hàng tồn kho cao, thị trường bất động sản đóng băng…) vẫn sẽ là thách thức lớn. Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, các ngân hàng phải đặc biệt quan tâm và chủ động tái cơ cấu hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh. Trong đó, tăng cường xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo nợ vay, dự phòng rủi ro…, mới có thể kỳ vọng đạt mục tiêu lợi nhuận ở mức không thấp hơn năm ngoái.