Thận trọng giao dịch, chờ đợi thời cơ

Thận trọng giao dịch, chờ đợi thời cơ

(ĐTCK-online) Thị trường chứng khoán Việt Nam khép phiên cuối tuần với sắc xanh. Hoạt động bán tháo cổ phiếu giá rẻ không còn tiếp diễn, lực cầu có tín hiệu gia tăng giúp cả hai chỉ số đảo chiều thành công. Mặc dù nhìn thấy những cơ hội tăng điểm trong tuần tới, nhưng các chuyên gia phân tích vẫn khuyến nghị giới đầu tư cần thận trọng, nhất là những nhà đầu tư ngắn hạn.

Kết thúc tuần giao dịch từ 21/02/2011 đến 25/02/2011, trên sàn HOSE có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Nếu so với phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã mất đi 36,96 điểm (-7,33%) khi đóng cửa tuần ở mức 466,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần đạt 207.164.820 đơn vị, tăng 21,74% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 4577,48 tỷ đồng, tăng 11,78%.

HoSE - Tổng hợp kết quả giao dịch tuần qua

Ngày

 Số GD

 VN
Index

+/-
(%)

 KLGD

+/-
(%)

 GTGD
(tỷ)

 +/-
(%)

2/21/2011

 29.615

 483,68

 (4,02)

 49.778.930

 31,64

 1.076,04

 22,19

2/22/2011

 30.524

 470,02

 (2,82)

 51.139.570

 2,73

 1.117,70

 3,87

2/23/2011

 25.096

 470,67

 0,14

 36.095.130

 (29,42)

 787,31

 (29,56)

2/24/2011

 25.824

 461,29

 (1,99)

 42.315.220

 17,23

 956,36

 21,47

2/25/2011

 18.923

 466,96

 1,23

 27.835.970

 (34,22)

 640,07

 (33,07)

Tổng

 129.982

 (36,96)

 (7,33)

 207.164.820

 21,74

 4.577,48

 11,78

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index lại có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số HNX-Index dừng lại ở mốc 97,36 điểm, giảm 4,95 điểm so với cuối tuần trước đó (-4,84%). Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần đạt 159.894.394 đơn vị, tăng 51,14% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 2755,84 tỷ đồng, tăng 25,39%.

HNX - Tổng hợp kết quả giao dịch tuần qua

Ngày

 Số GD

HNX
Index

+/-
(%)

 KLGD

+/-
(%)

 GTGD
(tỷ)

+/-
(%)

2/21/2011

 20.474

 96,58

 (5,60)

 34.548.900

 42,96

 590,16

 26,23

2/22/2011

 22.288

 95,46

 (1,16)

 39.794.700

 15,18

 662,19

 12,21

2/23/2011

 19.099

 96,95

 1,56

 29.077.800

 (26,93)

 513,15

 (22,51)

2/24/2011

 17.936

 95,64

 (1,35)

 31.925.994

 9,80

 548,60

 6,91

2/25/2011

 16.030

 97,36

 1,80

 24.547.000

 (23,11)

 441,74

 (19,48)

Tổng

 95.827

 (4,95)

 (4,84)

 159.894.394

 51,14

 2.755,84

 25,39

Trong tuần qua, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 122,06 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng 20,16 tỷ đồng trên sàn HNX.

Cụ thể, họ đã mua vào 17.546.328 đơn vị (trị giá 544,97 tỷ đồng) và bán ra 21.065.778 đơn vị (trị giá 667,03 tỷ đồng) trên HOSE. Các mã được họ mua vào nhiều là CTG, VSH, ITC, HSG, PPC; các mã bị bán nhiều là STB, SSI, VIC, REE, PVF.

Trên sàn Hà Nội, khối ngoại đã mua vào 2,74 % đơn vị (trị giá 3,25 % đồng) và bán ra 2,37 % đơn vị (trị giá 2,52 % đồng). Các mã được họ mua vào nhiều là VND, BVS, PSI, PVC, APS; các mã bị bán nhiều là BVS, VND, PVC, TDN, OCH.

Thận trọng giao dịch, chờ đợi thời cơ ảnh 1

Nhận định của một số công ty chứng khoán

CTCK Woori: NĐT vẫn phải đối mặt với rủi ro giảm giá ở mức cao

Thị trường kết thúc một tuần giảm điểm mạnh nhất trong vòng gần 6 tháng trở lại đây, mặc dù số phiên giảm điểm không thực sự áp đảo so với số phiên tăng. Nguyên nhân sụt giảm khá rõ là do phản ứng của nhà đầu tư trước nỗi ám ảnh về lạm phát tăng cao, bất chấp những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ những ngày gần đây.

Sự lưỡng lự giữa người bán và người mua đẩy thanh khoản thị trường giảm trong phiên giao dịch cuối tuần. Đây được coi là một tín hiệu trái chiều trong mỗi phiên thị trường tăng điểm. Để xu thể hồi phục rõ hơn, thị trường cần những tín hiệu cải thiện về khối lượng giao dịch. Có thể thấy, khi dồn dập những tin vĩ mô tiêu cực xuất hiện trong tuần qua, thị trường đã có những phản ứng tức thì. Do vậy, khi những tin xấu đã ra hết, có thể kỳ vọng thị trường sẽ giảm thiểu được những đợt sụt giảm mạnh như thời gian qua trong tuần tới. Xu hướng thắt chặt tiền tệ của chính phủ vẫn đang có những ảnh hưởng không có lợi cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Do vậy, hoạt động giải ngân vào thời điểm này vẫn phải đối mặt với rủi ro giảm giá ở mức cao.

CTCK FPTS: Khả năng tăng điểm của các chỉ số hoàn toàn có thể xảy ra

Yếu tố tâm lý chi phối mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam của đại bộ phận nhà đầu tư đã bình ổn hơn, sự sợ hãi dường như đã tan biến. Do đó, nếu không có thông tĩn vĩ mô xấu công bố vào đầu tuần tới thì khả năng tăng điểm của các chỉ số hoàn toàn có thể xảy ra. Dù vậy, đó chỉ là sự phục hồi mang tính kỹ thuật sau khi các cổ phiếu đã giảm khá mạnh trong một thời gian ngắn. Tương lai của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn chưa thể mang lại niềm vui cho nhà đầu tư

Nhà đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn hiện nay nên chú ý đến tín hiệu tăng đột biến về khối lượng và giá trị giao dịch như một chỉ báo củng cố cho khả năng phục hồi ngắn hạn của VN-Index. Trong phiên 28/02/2011, VN-Index cho thấy xác suất tăng điểm nhẹ và có thể kiểm tra ngưỡng kháng cự 475 điểm.

Thận trọng giao dịch, chờ đợi thời cơ ảnh 2

CTCK Âu Việt: NĐT nên tiếp tục thận trọng

Có thể nói với việc VN-Index và HNX-Index giữ vững được hai mốc hỗ trợ 460 điểm và 95 điểm đã phần nào giải tỏa tâm lý cho khá nhiều đầu tư sau một tuần rớt điểm mạnh. Phiên tăng điểm phiên cuối tuần chủ yếu đến từ hai nguyên nhân: thứ nhất nhiều nhà đầu tư tin rằng các tin xấu gần như đã được công bố gần hết và đã phản ánh vào giá trong những phiên rớt điểm mạnh vừa qua, thứ nhì là thị trường sau những phiên giảm mạnh thường sẽ có những phiên phục hồi kỹ thuật.

Với hàng loạt thông tin vĩ mô tương đối tiêu cực được đưa ra liên tiếp trong hai tuần vừa qua thì thị trường phải có một thời gian tương đối dài mới có thể tìm được điểm cân bằng mới và sau đó cần phải tích lũy một thời gian mới có cơ hội tăng trưởng trở lại. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại những yếu tố bất ổn vĩ mô vẫn đang tồn tại, trước mắt là áp lực lạm phát của tháng 3 sau khi giá điện, giá xăng, tỷ giá tăng mạnh. Vì vậy nếu có những sóng phục hồi ngắn hạn, thì lợi nhuận thu được trong những giai đoạn này không đủ lớn để bù đắp với rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt.

Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên đứng ngoài thị trường, quan sát các diễn biến tỷ giá trong thời gian tới và chờ đợi việc công bố thông tin CPI tháng 3 để kiểm chứng những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ có hiệu quả hay không. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể cân nhắc bán ra ở những phiên tăng điểm.

CTCK Thăng Long (TSC): “Sau cơn mưa trời lại sáng”

Chưa có thông tin tích cực hỗ trợ nhưng tâm lý ổn định của nhà đầu tư và giá cổ phiếu đã giảm về mức giá hấp dẫn là nguyên nhân đưa thị trường tăng dần trở lại trong phiên cuối tuần. Thanh khoản giảm trong một xu thế giảm điểm do bên bán chủ động ngừng bán, có thể là tín hiệu tích cực.

Tuần qua có lẽ sẽ là tuần giao dịch đáng ghi nhớ của năm 2011, không những tại thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế khi hàng loạt các thị trường tạm dừng chuỗi tăng điểm do bất ổn chính trị ở khu vực Bắc Phi lan rộng và diễn biến khó lường dấy lên những lo ngại làm giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thị trường trong nước thì đón nhận hàng loạt các thông tin bất lợi như thắt chặt tiền tệ, tăng giá điện, tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, mặt tích cực là Chính phủ đang rất quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Thị trường chứng khoán được coi là thị trường của tương lai và các nhà đầu tư hoàn toàn có thể hy vọng thị trường sẽ tốt đẹp khi đã vượt qua những khó khăn hiện tại.

Thận trọng giao dịch, chờ đợi thời cơ ảnh 3

CTCK VNDirect (VND): Thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro

Chúng tôi đánh giá thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Về mặt kỹ thuật, việc thị trường tăng điểm sau chuỗi hơn chục phiên giảm điểm chỉ được coi là sự điều chỉnh. Về mặt cơ bản, chúng tôi nhận định tuần vừa rồi chỉ là những phản ứng mang tính chất tức thì của thị trường trước các tin xấu vĩ mô. Hệ lụy của những vấn đề tỷ giá, lạm phát, giá xăng, điện… sẽ vẫn tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và còn tiếp tục tác động không nhỏ đến thị trường.

Nhà đầu tư nên quan sát và chờ đợi tín hiệu rõ hơn từ thị trường. Việc bắt đáy có thể chỉ mang lại mức lợi nhuận mỏng trong khi rủi ro T+4 rất cao. Nếu thực sự thị trường đang trong xu thế hồi phục thì việc chờ đợi VN-Index điều chỉnh rồi tăng trở lại mới tham gia thị trường sẽ không làm mất đi nhiều cơ hội của nhà đầu tư.

CTCK Bảo Việt (BVS): Không lạc quan trong ngắn hạn

Nhìn chung, diễn biến thị trường tuần qua tương đối tiêu cực trước các thông tin vĩ mô không khả quan. Tâm lý nhà đầu trở nên bi quan hơn khi Chính phủ có quyết định chính thức về việc tăng mạnh giá xăng, giá điện. Bên cạnh đó, lo ngại trước chủ chương thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán đã cho dấu hiệu rút lui. Hệ quả tất yếu của sự đi xuống trong tâm lý nhà đầu tư cùng với điều kiện vĩ mô khó khăn đã khiến chỉ số VN-Index sụt giảm khá mạnh.

Mặc dù thị trường đã có phần khởi sắc hơn trong phiên giao dịch cuối tuần, tuy nhiên sự khởi sắc này không đi kèm với việc gia tăng của thanh khoản. Do vậy, nhiều khả năng đà hồi phục hiện tại của thị trường chỉ mang tính kỹ thuật sau khi VN-Index đã giảm mạnh nhiều phiên liên tiếp. Chúng tôi đánh giá khá cao các biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm sớm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn, tuy nhiên về ngắn hạn, việc thắt chặt tiền tệ sẽ vẫn khiến mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức cao và hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.

Với diễn biến hiện tại, chúng tôi duy trì quan điểm không lạc quan về thị trường trong ngắn hạn và khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường trong thời điểm này.

CTCK ACBS: Chờ tín hiệu phục hồi rõ ràng

Về mặt vĩ mô, Chính phủ chưa có động thái gì mới liên quan đến thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ ngoại trừ việc tái khẳng định chính sách này trong nghị quyết số 11 ban hành ngày 24/2. Trong thời gian tới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố những bước đi tiếp theo của mình, khi đó tác động của việc thắt chặt tiền tệ mới thật sự được phản ánh trên thị trường chứng khoán.

Về mặt phân tích kỹ thuật, mặc dù VN-Index đã trở về vùng hỗ trợ 465-470 điểm nhưng sự hồi phục của thị trường chưa thực sự bền vững. Thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm mạnh cho thấy thị trường không nhận được hỗ trợ từ phía cầu. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa dám tham gia vào thị trường do chưa tin tưởng vào khả năng sẽ có một sóng hồi phục mạnh trong thời gian tới.

Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi một tín hiệu hồi phục rõ ràng của thị trường trước khi quyết định giải ngân. Nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét mua vào các mã có các yếu tố về mặt cơ bản cũng như tín hiệu kỹ thuật tốt.