Cần ưu tiên vốn cho những dự án có tính khả thi và hiệu quả cao

Cần ưu tiên vốn cho những dự án có tính khả thi và hiệu quả cao

Thắt chặt chính sách tài khóa

(ĐTCK-online) Trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện chiếm trên 60% tổng dư nợ của thị trường trái phiếu, trong đó trái phiếu do Chính phủ phát hành để đầu tư vào các dự án trọng điểm chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, mỗi một động thái xung quanh việc phát hành TPCP cũng tác động không nhỏ tới thị trường trái phiếu.

Năm 2008, Chính phủ dự kiến phát hành 37.000 tỷ đồng trái phiếu (và có thể phát hành thêm, nếu thuận lợi) để bố trí vốn cho các công trình, dự án đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn này trong giai đoạn 2003 - 2010, bằng 80% tổng khối lượng TPCP phát hành trong 5 năm trước đó và bằng khoảng 33,6% so với nguồn vốn dự kiến phát hành trong cả giai đoạn 2003 - 2010 là 110.000 tỷ đồng. “Nếu có huy động đủ 37.000 tỷ đồng thì năm 2008 cũng không đủ nguồn để đầu tư vào các dự án đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn này theo Quyết định 171/2006/QĐ-TTg”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết.

Giải thích về nguyên nhân thiếu vốn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, do biến động giá vật tư, thiết bị và chi phí giải phóng mặt bằng… làm tổng mức đầu tư tăng cao. Bên cạnh đó, năm 2008, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho các dự án giao thông, thủy lợi giảm 50% so với năm 2007 nên phải tăng lượng phát hành để bổ sung. “Để bảo đảm các cân đối vĩ mô và chủ động nguồn vốn đầu tư, đề nghị cho phép các bộ, ngành, địa phương rà soát bổ sung danh mục dự án và điều chỉnh lại tổng mức đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (vào tháng 5/2008) về tổng mức đầu tư và đề nghị Quốc hội cho phép tăng khối lượng phát hành”, ông Phúc đề xuất.

Trong bối cảnh thị trường tài chính đang “nóng” như hiện nay và việc sử dụng nguồn vốn này thời gian vừa qua không đạt dự kiến khiến nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc lại kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành TPCP. “Năm 2007, Chính phủ dự kiến phát hành 22.000 tỷ đồng TPCP, nhưng cuối cùng chỉ phát hành được 15.276 tỷ đồng thì việc đặt mục tiêu phát hành rất cao liệu có khả thi?”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi. Ngoài ra, ông Thuận cũng băn khoăn về việc sử dụng nguồn vốn này, bởi sau 5 năm huy động TPCP để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, các dự án giao thông - vận tải mới giải ngân được 36,5% số vốn được giao; các dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn và các địa phương mới chỉ giải ngân số vốn TPCP tương ứng 33,5% và 30% số vốn được giao. “Trong suốt 5 năm qua, khối lượng TPCP giải ngân mới đạt 44.519 tỷ đồng, năm 2008 liệu nền kinh tế có hấp thụ hết số vốn dự kiến huy động? Theo tôi, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cần cân nhắc, tính toán lại xem huy động bao nhiêu là vừa với khả năng đầu tư”, ông Thuận đề xuất.

Chưa kể khối lượng TPCP phát hành thêm (có thể được Quốc hội đồng ý), ngay cả khối lượng phát hành đã được Quốc hội thông qua (37.000 tỷ đồng), theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu Bộ Tài chính không đưa ra các giải pháp hữu hiệu thì cũng khó huy động. “Thực tế cho thấy, sau 5 năm phát hành TPCP để đầu tư vào các công trình, dự án quan trọng, chúng ta mới huy động được 42% lượng vốn dự kiến”, ông Hiền minh chứng. Chính vì vậy, theo ông Hiền, trong bối cảnh hiện nay việc đầu tư bằng nguồn vốn TPCP cần phải tính toán, cân nhắc lại theo hướng, không nên đầu tư một cách cứng nhắc theo kế hoạch đã được “lập trình” từ đầu năm, mà cần phải có giải pháp “co giãn” để điều chỉnh tăng giảm tổng mức đầu tư đối với từng dự án trong tổng mức đầu tư bằng TPCP huy động được.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, việc phân bổ nguồn vốn TPCP năm 2008 phải gắn với tổng thể mức huy động vốn đến năm 2010; chỉ bố trí vốn cho các dự án, công trình đủ thủ tục đầu tư, có hiệu quả; không bổ sung thêm dự án mới ngoài Danh mục dự án được sử dụng nguồn vốn TPCP đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ngay cả công trình, dự án nằm trong Danh mục nhưng thủ tục đầu tư kéo dài 2 - 3 năm cũng kiên quyết không bố trí vốn; điều chuyển vốn tại các dự án, công trình đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chưa triển khai được do hiệu quả đầu tư thấp, đầu tư không đồng bộ… “Trong điều kiện giá cả một số nguyên vật liệu tăng cao, làm tăng chi phí xây dựng cần phải xem xét giãn tiến độ hoặc không bố trí vốn cho các dự án, công trình chưa thật cấp bách, dây dưa kéo dài để điều chuyển vốn cho các dự án, công trình quan trọng khác”, ông Hiển đề xuất.

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh như hiện nay, cộng với tình trạng thị trường tài chính liên tục nóng bỏng, việc thắt chặt chính sách tài khóa là một trong những biện pháp cần thiết. Để bảo đảm nguồn vốn TPCP đầu tư thực sự hiệu quả, theo ông Hiển, việc giao vốn TPCP cho các bộ, ngành, địa phương cần phải nắm chắc năng lực thực sự, lựa chọn năng lực của các nhà thầu phải có đủ điều kiện về tài chính, nhân lực và phương tiện kỹ thuật hiện đại…